Rau xanh tăng giá

10:11, 10/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau những ngày mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích rau xanh trong tỉnh bị héo úa, tàn lụi. Rau xanh tại các chợ bắt đầu khan hiếm cục bộ, đẩy giá lên cao.

Giá rau tăng, song người trồng rau không có lãi nhiều bởi đã không còn rau để bán. Điệp khúc “được giá – mất mùa” vụ rau cuối thu lại diễn ra…

Giá tăng đột biến

Hai tuần nay, giá rau xanh tại các chợ trong tỉnh tăng đột biến, đặc biệt là tại các chợ miền núi, hải đảo. Hiện tại giá các loại rau xanh bán tại chợ nội ô TP.Quảng Ngãi dao động ở mức 10.000 đồng – 25.000 đồng/kg tùy theo từng loại rau. Trước trận mưa lớn, giá các loại rau này chỉ ở mức 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg. Giá tăng cao nhưng lượng rau tại các chợ không dồi dào, vì nguồn cung hạn chế.

Vào mùa mưa, tại Tây Trà lượng rau xanh cung ứng không dồi dào và chủ yếu là các loại củ, quả.
Vào mùa mưa, tại Tây Trà lượng rau xanh cung ứng không dồi dào và chủ yếu là các loại củ, quả.


Nhiều mặt hàng rau xanh trước đây do các cánh đồng rau trong tỉnh cung ứng, nhưng nay đã bị “đứt”, phải nhập hàng từ nơi khác như Đà Lạt, Gia Lai về. Do mưa lớn, một số loại rau như các loại cải, xà lách bị hư hại. Đây lại là các loại rau khó giữ tươi lâu nên tiểu thương hạn chế nhập về, dẫn đến khan hiếm, giá tăng cao nhất trong các mặt hàng rau xanh.

Những ngày sau mưa, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Gò Quán lượng rau đưa về chợ chủ yếu là cà chua, bắp cải, đu đủ, bầu, bí nhưng giá cũng đã tăng hơn trước đó từ 2.000 đồng – 5.000 đồng/kg. Riêng rau xà lách, rau cải số lượng rất ít. Tại chợ An Vĩnh, An Hải (Lý Sơn), dường như các loại rau này không có bán vì lượng cung khan hiếm, giá cao, tiểu thương Lý Sơn không nhập về. Còn ở miền núi, thì mùa mưa các “chợ di động” chỉ cung ứng chủ yếu các loại củ, quả. Vì khó khăn trong vận chuyển, giá bán các mặt hàng củ, quả ở miền núi, hải đảo cũng tăng cao hơn so với đồng bằng, đất liền.

Thua keo này bày keo khác

Giá rau xanh tăng vọt nhưng người trồng rau trong tỉnh lại chẳng vui. Bởi thời điểm mưa là lúc rau vừa nảy mầm lên xanh. Những cơn mưa xối xả, dai dẳng đã làm cho rau non dập nát.  

Sau đợt mưa kéo dài 3 ngày, tại cánh đồng rau thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), nhiều diện tích rau cải vàng úa, rủ lá. Nhìn đám rau cải gần cho thu hoạch bị hư, bà Nguyễn Thị Một buồn rầu nói: “Rau vừa thu hoạch có 1 lứa, gặp mưa lớn, thối gốc chết đứng. Hơn 1 triệu đồng tiền phân, giống, làm đất không thu lại được”. Thế nhưng, nhà nông đâu thể để đất ở không, vợ chồng bà Một lại cuốc đất, lên luống, gieo giống. Bà Một bảo: “Trời thương chừng vài ba tuần nữa là có rau cải răm thu hoạch. Phải ráng chứ làm rau mùa này cũng như đánh bạc vậy. Thua lứa này gầy lứa khác ngay mới có đồng ra đồng vào”.

Cả cánh đồng thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) nhiều ruộng cải xanh, cải ngọt vì mưa lâu ngày cũng bị chết rũ. Nông dân nhổ cải bán đổ bán tháo trong vài ngày, sau đó làm đất, chuyển sang trồng loại rau có khả năng chịu úng cao như rau thơm, diếp cá. “Trồng rau thơm để phục vụ Tết cũng có giá lắm. Mùa này trồng cải rất bấp bênh. Còn khổ qua, dưa leo, xứ mình mưa hoài, cây lên không nổi, năng suất không đạt, nông dân khó có lãi” – bà Nguyễn Thị Tổn, thôn Thế Bình chia sẻ.

Mùa mưa về người trồng rau là những người lo âu nhất. Lúa, bắp còn có thể “ngậm” nước nhiều ngày, còn rau xanh mà bị ngập thì ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy rau chết rồi. Nông dân không có rau bán, thị trường khan hiếm thì giá rau ắt phải tăng cao. Thế nhưng rau chết hàng loạt, thì sau đó rau lại cho thu hoạch hàng loạt, giá bán lại bắt đầu đồng loạt giảm. Điệp khúc “được mùa - mất giá”; “mất mùa – được giá” mãi cứ đeo bám nông dân.     

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.