Áp trần giá sữa: Tạm yên nhưng chưa ổn

10:11, 18/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 4 tháng thực hiện quy định “áp trần giá sữa”, thị trường sữa trong nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đã có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng có lợi hơn khi mua mặt hàng này. Tuy nhiên, nhận diện từ thị trường sữa hiện nay,  việc áp trần giá sữa mới chỉ ”lập lại trật tự” trước mắt. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sữa vẫn đang tìm nhiều cách đối phó, thậm chí là “lách luật” để doanh thu và lợi nhuận không bị giảm sút.

TIN LIÊN QUAN

Người tiêu dùng chưa an tâm

Mặt hàng sữa hiện nay trên địa bàn Quảng Ngãi khá đa dạng. Hầu như tất cả các mặt hàng mà Bộ Tài chính quy định phải thực hiện áp trần giá sữa đều được bày bán. Giá bán một số loại sữa từ sau khi áp giá trần đã giảm từ 25.000 đồng - 150.000 đồng/sản phẩm tùy vào trọng lượng, chủng loại. Việc mức giá bán giảm khá lớn đã giúp cho các gia đình có trẻ từ 0 – 6 tuổi có thêm điều kiện quan tâm, chăm lo cho con cái nhiều hơn.   

 

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm soát tình hình lưu thông sữa trên thị trường.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm soát tình hình lưu thông sữa trên thị trường.


Chị Nguyễn Ngọc Tường ở tổ 20, phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi cho biết: “Kể từ khi giá sữa giảm, mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm khoảng 300 nghìn đồng tiền sữa của hai đứa nhỏ. Tính ra, hơn 4 tháng qua, gia đình đã giảm chi phí mua sữa được hơn 1 triệu đồng trong khi lượng sữa mua cho con không giảm”.

Cái được lớn nhất mà theo người tiêu dùng các mặt hàng sữa cho biết kể từ khi thực hiện quy định áp trần giá sữa là giá bán niêm yết công khai, mức giảm ổn định. Điều này chứng tỏ thị trường sữa ít có biến động hơn trước. Tuy nhiên, cũng không ít người tiêu dùng băn khoăn vì một số mặt hàng sữa nằm trong danh mục các sản phẩm bị áp giá trần mặc dù chấp hành quy định song lại giảm trọng lượng từ 400gram xuống còn 350gram; từ 900gram xuống 850gram. “Giảm giá bán mà giảm luôn trọng lượng thì người tiêu dùng xem ra chẳng được lợi là bao.

Đề nghị cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong khâu sản xuất, lưu thông mặt hàng sữa nằm trong nhóm các sản phẩm bị áp giá trần” – bà Nguyễn Thị Thư, ở phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi kiến nghị.

Nhà sản xuất, kinh doanh tìm cách đối phó

Kể từ khi thực hiện áp trần giá sữa, lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra tình hình kinh doanh sữa trên thị trường. Tuy không phức tạp như ở các thành phố lớn, nhưng qua kiểm tra cũng đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh sữa chưa đúng quy định như chưa niêm yết công khai giá bán, giảm nhập về bán các mặt hàng nằm trong nhóm sản phẩm phải áp giá trần. Một số cửa hàng kinh doanh sữa, khi vừa thực hiện áp giá trần vẫn giữ nguyên mức giá bán trước đó với lý do mặt hàng sữa này nhập về với giá cao nên phải bán giá cao.

Trong đợt đầu tiên cả nước có 25 sản phẩm sữa bị áp giá trần, thì ngay sau đó có một số mặt hàng đang “dán nhãn mác” là sữa bột dành cho trẻ lập tức chuyển sang với tên gọi “thức ăn bổ sung dưỡng chất”, “thực phẩm dinh dưỡng” để né tránh bị áp giá trần trong đợt rà soát, bổ sung mặt hàng sữa bị áp giá trần của Bộ Tài chính. Thậm chí một vài sản phẩm sữa không nằm trong lộ trình áp giá trần đã tiến hành giảm trọng lượng sữa, giữ nguyên giá bán để “đón đầu” việc sản phẩm của mình bị áp trần thì không ảnh hưởng đến giá bán.

Quy định áp trần giá sữa là một biện pháp quản lý nhà nước về giá bán sữa, nhằm hướng đến bình ổn thị trường sữa từng gây bức xúc cho người tiêu dùng lâu nay. Và thực tế sau hơn 4 tháng áp dụng, tình trạng “loạn giá sữa” đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thực hiện triệt để quy định áp giá trần cho mặt hàng sữa là rất khó, vì sản phẩm sữa rất đa dạng. Hơn nữa, việc quy chuẩn “mặt hàng sữa” cũng chưa thực sự khoa học, dẫn đến nhà sản xuất rất dễ dàng lách luật khi chỉ cần thêm hoặc bớt thành phần tinh chất sữa là có thể thay đổi từ sữa sang một sản phẩm dinh dưỡng khác để không phải “gánh chịu” quy định áp giá trần. Chính vì thế, về lâu dài, quy định áp giá trần chưa thực sự mang lại tính bền vững, ổn định như kỳ vọng “bình ổn giá sữa” của Bộ Tài chính.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.