Sao cứ phải loài du nhập

08:10, 16/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Du nhập, sử dụng những loại cây, con có giá trị kinh tế là việc cần thiết. Nhưng như thế không có nghĩa chúng được ưu tiên, bỏ qua giai đoạn khảo kiểm nghiệm, bởi không phải cây, con nào di thực về Quảng Ngãi cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

TIN LIÊN QUAN


“Ngành nông nghiệp không phản đối các địa phương sử dụng loại cây trồng, vật nuôi được di thực từ nơi khác về. Tuy nhiên, không phải loài du nhập nào cũng “chịu” điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất Quảng Ngãi nên chúng tôi khuyến cáo họ là trước khi mở rộng diện tích nuôi trồng, cần phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn thực hiện khảo kiểm nghiệm 3 - 4 lần trên 3 - 4 vùng tiểu khí hậu khác nhau (0,5 ha/vùng) để đánh giá thuộc tính sinh học, hiệu quả thực tế. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn phớt lờ điều này vì thấy các loại cây, con ấy đang mang lại hiệu quả cao cho... nông dân các vùng, khu vực khác!”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Đào Minh Hường cho hay.
   
Bài học chưa cũ

Hẳn người dân TP.Quảng Ngãi không lạ gì với sấu – loại cây du nhập từ Hà Nội về cách đây hơn chục năm và được trồng trên một số tuyến đường xung quanh thành phố. Có điều, cây sấu ở Hà Nội vừa tạo cảnh quan, vừa kết trái, sinh lợi cho không ít người dân nghèo, thì khi về Quảng Ngãi, nó chỉ có mỗi việc… đứng đường làm cảnh! Lý giải sự khác nhau này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường cho rằng, cây sấu phát dục và ra hoa trong điều kiện nhiệt độ 15 - 17 0C với thời gian kéo dài 15 - 20 ngày. Mà ai cũng biết, khí hậu Quảng Ngãi hiếm khi dưới 200C, nếu có cũng chỉ vài ba ngày nên chuyện cây sấu “có lớn mà không có trái” cũng là điều dễ hiểu!

Đã 12  năm tuổi nhưng cây điều ở Hành Nhân chỉ ra hoa rồi… rụng.
Đã 12 năm tuổi nhưng cây điều ở Hành Nhân chỉ ra hoa rồi… rụng.


Ngoài chuyện cây sấu, nông dân Quảng Ngãi cũng từng “chết đứng” với cây điều khi mà giai đoạn phát triển, nó lớn nhanh như thổi. Nhưng đến kỳ đơm hoa kết trái, điều vẫn cứ nuôi thân phân nhánh chứ chẳng chịu ra trái! Nguyên nhân, phấn hoa điều mẫn cảm với thời tiết nên trong giai đoạn ra hoa (từ tháng 2 - 3 dương lịch), nếu gặp sương nặng hoặc mưa phùn thì nó rụng, hoặc thối! Điều oái ăm là kiểu thời tiết này lại thường xuất hiện ở Quảng Ngãi. Vậy nên, bây giờ, mỗi khi nhắc chuyện cây điều, ông Đinh Công Bình, ngụ thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) ngán ngẩm: “Gần 12 năm đổ mồ hôi, tiền của vào 5ha điều nhận khoán, tôi trắng tay. Vì nó chỉ ra hoa rồi… rụng. Hiếm lắm mới thấy đậu được ít trái!”.

Không chỉ sấu, điều mà vải, xoài cát Hòa Lộc… cũng không “chịu” đất Quảng Ngãi, nên sau khi du nhập về, nó chỉ lớn mà không ra trái! Chẳng thế mà khi huyện Sơn Tây và một số huyện miền núi đề cập trồng mắc ca – loại “cây triệu đô”, thì ông Đào Minh Hường nói thẳng: “Phải hết sức thận trọng vì điều kiện phát dục và ra hoa của mắc ca giống với cây sấu; còn phấn hoa của nó lại mẫn cảm như cây điều. Mà cả cây sấu lẫn cây điều thì chúng ta đều thất bại”.

Sao không “chăm” loài bản địa

Cũng theo ông Đào Minh Hường, việc các địa phương trên có ý trồng mắc ca, ngành nông nghiệp không phản đối. Có điều, Sở NN&PTNT khuyến cáo trồng thí điểm trên diện tích 2ha tại 4 vùng tiểu khí hậu khác nhau, trong thời gian 5 – 7 năm (vì đây là loại cây dài ngày nên phải đến năm thứ 3, nó mới bắt đầu cho quả) để có cơ sở đánh giá từ hiệu quả kinh tế đến nhu cầu thị trường trước khi nhân rộng. Hơn nữa, dù là loài “cây triệu đô” nhưng mắc ca chỉ được Bộ NN&PTNT khuyến cáo phát triển ở hai khu vực trong cả nước, đó là Tây Bắc và Tây Nguyên.

Xung quanh vấn đề du nhập loài, nhiều nông dân băn khoăn “vì sao các địa phương không tập trung phục hồi và phát triển cây bản địa, mang bản sắc của riêng mình như chè Minh Long, quế Trà Bồng… mà cứ phải chạy theo loại thị trường?”. Bởi nói như ông Đinh Ré, ngụ thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp – người còn giữ diện tích chè nhiều nhất huyện Minh Long với gần 2ha thì: “Bao đời nay mình quen tay với chè rồi. Giờ mà phá trồng cây khác thì phải học lại cách làm, mất thời gian mà chưa chắc có tiền bằng chè đâu!”. Ý kiến này đáng để chính quyền các địa phương và ngành chức năng suy ngẫm. Vì ngoài việc xem xét điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thì khi du nhập cây trồng về khu vực vùng núi, cần tính toán tập quán canh tác, kỹ thuật chăm sóc của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao thường “khó tính”...

Thiết nghĩ, du nhập các giống mới để cải thiện chất lượng cây trồng, vật nuôi là cần thiết. Tuy nhiên, việc du nhập giống phải được tính toán và tuân thủ quy trình, công thức kiểm tra chặt chẽ để tránh gây lãng phí tiền của Nhà nước, công sức nông dân.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.