Những công trình vượt lũ

01:10, 04/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, mưa bão xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn, gây hậu quả khôn lường. Thế nên để giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại cho người dân vùng bị ảnh hưởng, nhiều công trình cầu, kè, đập… đã và đang khẩn trương hoàn thành.

TIN LIÊN QUAN

Mới đây, UBND tỉnh đã giao 58 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển năm 2014 từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án cấp bách khắc phục hậu quả của cơn bão số 11.2013. Theo đó, phân bổ 5 tỷ đồng đầu tư cầu Tịnh Đố, 8 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở sông Phước Giang (Minh Long) và 14 tỷ đồng cho kè chống sạt lở bắc sông Vệ đoạn thôn An Chỉ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành). Trước đó, UBND cũng đã phân khai 3 tỷ đồng để sửa chữa đập Hiền Lương (TP.Quảng Ngãi) theo lệnh khẩn cấp.

Cầu thông, kè chắc

Kè chống sạt lở bắc sông Vệ với chiều dài 1.000m (vốn đầu tư phần xây lắp 36 tỷ đồng) có nhiệm vụ bảo vệ tài sản và tính mạng của hơn 100 hộ dân, đồng thời giữ tuyến đường huyết mạch sông Vệ-Phú Lâm không bị “tắc”. Vậy nên khi nó được khởi công xây dựng theo diện khẩn cấp, bà con nơi đây ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Bởi, “từ nhiều năm nay, chúng tôi ở đây cứ phải phập phồng mỗi khi trời mưa to, nước sông Vệ dâng cao rồi xoáy vào bờ. Như năm ngoái, nước kéo cả cái bếp nhà tôi ra sông, khiến ai cũng kinh hồn bạt vía”, vừa nói, ông Lê Đi (85 tuổi), ngụ thôn An Chỉ vừa chỉ vào chỗ đất bị lõm sâu hoắm. Thế nên khi thấy 700m kè đã được bê tông lắp tấm lót mái cùng rãnh thoát nước, ông Đi và bà con sống ven sông Vệ cảm thấy an lòng.

 

Sửa chữa đập Hiền Lương.                                            Ảnh: MỸ HOA
Sửa chữa đập Hiền Lương. Ảnh: MỸ HOA


Còn tại thôn Tịnh Đố, xã Thanh An (Minh Long), bà con dân tộc Hrê nơi đây cũng không còn phải vừa lội suối, vừa run bởi cầu Tịnh Đố đã được hoàn thành. Theo già Đinh Thị Rí, bà con ở đây mong chiếc cầu ấy được làm lâu lắm rồi. Vì khi trời mưa, nước suối lớn là không ai dám đi đâu hết. Từ khi cây cầu Tịnh Đố thông bờ, bà Rí cũng như người dân trong thôn yên tâm lên rẫy xuống chợ mặc cho ngày nắng hay mưa, nước suối vơi hay đầy.

Nhưng vui nhất có lẽ phải kể đến người dân khu Đông hai huyện Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi khi mà đập ngăn mặn Hiền Lương được sửa chữa theo lệnh khẩn cấp của UBND tỉnh. Bởi con đập này bị sạt mái hỏng đường tràn không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại, mà còn đe dọa hơn 1.400ha đất sản xuất nông nghiệp, khiến bà con nông dân luôn khắc khoải. Nói như ông Đặng Sơn, ngụ thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) thì “đường nó hư, mình chịu khó đi vòng đường khác. Chứ đất mà nhiễm mặn thì coi như nông dân chúng tôi chết đói”. Với tầm quan trọng ấy nên hiện giờ, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đang đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành công trình trước ngày 31.12.2014, riêng phần việc chống lũ sẽ hoàn thành trước ngày 30.9 này.   

Mong niềm vui được trọn vẹn

Dù những công trình vượt lũ, nhất là kè chống sạt lở bắc sông Vệ đang gấp rút hoàn thành và xác định điểm dừng kỹ thuật một số hạng mục để kịp bảo vệ người dân nhưng hiện giờ, chính quyền và bà con vẫn bảo “chưa thể hết lo được”. Lý giải điều này, Trưởng Ban chỉ huy PCLB & TKCN xã Hành Phước Phan Ngọc Anh cho rằng: “Có kè là tốt rồi. Nhưng mà cao trình kè chênh so với mặt đường từ 1,5-1,7m nên dễ khiến nó bị xói lở; thậm chí bị nước “lột” mái”. Đồng quan điểm trên, cán bộ phụ trách công trình (Công ty CP Giao Thủy) Nguyễn Mậu Bốn cũng bảo rằng “giá như mái kè được bê tông, chứ không phải bạt mái cây cỏ như hiện tại thì có lẽ, kè sẽ bền vững hơn”.

Thi công hạng mục rãnh thoát nước công trình Kè chống sạt lở bắc sông Vệ.
Thi công hạng mục rãnh thoát nước công trình Kè chống sạt lở bắc sông Vệ.


Trong khi đó, người dân sống ven sông Phước Giang (Minh Long), đoạn xã Long Hiệp-Long Mai lại thấp thỏm lo lắng vì đến giờ, kè chống sạt lở vẫn chưa được thi công, dù đã được UBND tỉnh phân bổ kinh phí đầu tư. Thế nên khi gặp chúng tôi, ông Đinh Kà Phi (Long Mai) liền dẫn ra sông Phước Giang, chỉ vào những chỗ bị nước xói lở rồi bảo: “Đấy, sông Phước Giang bây giờ nó làm bờ vào tận đường, tận nhà, tận đất của bà con mình như vậy nên ai cũng sợ, chỉ mong có kè để khỏi phải đi lánh nạn như mấy mùa mưa trước”.

Có lẽ đó cũng là nỗi niềm của người dân vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Họ chỉ mong những công trình vượt lũ kịp mang lại niềm vui trọn vẹn cho người dân, tránh lãng phí tiền của Nhà nước.  


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.