Nhiều công trình chờ vốn

09:10, 25/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là tỉnh có ngân sách điều tiết về Trung ương, song Quảng Ngãi hiện đang rất khó khăn trong việc cân đối vốn để đầu tư phát triển. Nghịch lý này khiến nhiều công trình trên địa bàn tỉnh đang “khát” vốn.

TIN LIÊN QUAN

Trên 4.100 tỷ để hoàn thiện các công trình

Từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, Quảng Ngãi hiện triển khai thực hiện 63 dự án (DA), với tổng mức đầu tư trên 1.955 tỷ đồng. Trong số này có đến 48 DA chuyển tiếp, còn lại là 15 DA mới được bổ sung từ nguồn vượt thu ngân sách. Hiện ngân sách tỉnh đã bố trí đến năm 2014 mới đạt trên 842 tỷ đồng.
 
Tỉnh Quảng Ngãi phải tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho Tập đoàn Dầu khí nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Tỉnh Quảng Ngãi phải tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho Tập đoàn Dầu khí nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Trong khi đó, danh mục các DA sử dụng vốn hỗ trợ mục tiêu từ nguồn ngân sách Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh là 31 DA, với tổng mức đầu tư khoảng 4.825 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn đối ứng cho các chương trình, DA thuộc các chương trình Biển Đông hải đảo, khu neo đậu tàu thuyền, hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, chương trình mục tiêu quốc gia, bãi ngang ven biển… chưa đáp ứng yêu cầu. Tính đến năm 2014, Trung ương mới bố trí gần 1.570 tỷ đồng. Kinh phí còn thiếu để hoàn thiện công trình trên 3.255 tỷ đồng.

Theo Sở KH&ĐT, để hoàn thiện tất cả các công trình đã khởi công từ năm 2014 trở về trước, tỉnh cần khoảng 4.140 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 2.536 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cân đối 1.453 tỷ đồng, nguồn vốn từ sổ xố kiến thiết 148 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, nhu cầu vốn chuyển tiếp là 2.460 tỷ đồng. Trong đó, vốn trung ương gần 1.436 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (kể cả nguồn xổ số kiến thiết) hơn 1.000 tỷ đồng. Song nhu cầu trên mới chỉ tính danh mục dự án chuyển tiếp, chứ chưa kể các chương trình, DA đầu tư như vốn đối ứng các dự án ODA, Chương trình xây dựng nông thôn mới, đường Trục chính trung tâm Sơn Tịnh, trả nợ Kho bạc Nhà nước, nợ Ngân hàng Phát triển…

Sẽ tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh vào cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thống nhất hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương như tỉnh chưa có điều tiết về ngân sách Trung ương. Điều này sẽ mở ra hướng bổ sung nguồn vốn đầu tư, phù hợp với điều kiện một tỉnh “có ngân sách điều tiết về Trung ương” đặc thù như Quảng Ngãi.

Vất vả cân đối vốn

Kể từ năm 2011, khi Quảng Ngãi có điều tiết ngân sách về Trung ương thì việc cân đối ngân sách của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay Quảng Ngãi là tỉnh có số thu ngân sách cao (trong tốp 10 cả nước). Nhưng nguồn thu chủ yếu là từ NMLD Dung Quất, trong khi theo quy định của Luật Ngân sách, nguồn thu từ NMLD hầu hết điều tiết về ngân sách Trung ương. Một chuyên gia tài chính cho biết, chính vì là tỉnh “có điều tiết ngân sách về Trung ương” nên theo quy định về điều hành ngân sách của Bộ Tài chính thì địa phương tự cân đối, sắp xếp còn Trung ương thì đã cắt, giảm 12 chương trình hỗ trợ đầu tư cho địa phương. Chỉ tính riêng nguồn đầu tư để thực hiện chính sách mới đặc thù theo Nghị quyết 30a, kinh phí đầu tư thấp chỉ nhỉnh hơn 10% so với Đề án được duyệt…

Trong khi đó, nguồn thu khác chi cho đầu tư phát triển đối với tỉnh Quảng Ngãi rất nhỏ. Nguồn xổ số kiến thiết mỗi năm chỉ có từ 55-60 tỷ đồng (các tỉnh phía Nam thường trên 800 tỷ đồng-PV). Trong khi tiền sử dụng đất thì tỉnh để lại cho các huyện, thành phố hưởng 100%. Do vậy, tổng nguồn vốn đầu tư của tỉnh thấp và không bằng các tỉnh trong cùng khu vực.

Theo ông Nguyễn Cao Phúc-Giám đốc Sở KH&ĐT, trong năm 2014, nguồn vốn kế hoạch của tỉnh là 2.065 tỷ đồng, trong đó nguồn cân đối ngân sách địa phương là 715 tỷ đồng, sau khi cân đối cho các địa phương và doanh nghiệp công ích chỉ còn 499 tỷ đồng. Còn các nguồn Trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ có mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia, ODA (1.288 tỷ đồng), phải thực hiện theo mục tiêu và danh mục đã được Trung ương phê duyệt. Vì thế, việc điều hành của địa phương chủ yếu dựa vào nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản cân đối ngân sách địa phương.

Chính nguồn cân đối ngân sách địa phương rất hạn chế, đồng thời theo quy định của Trung ương phải ưu tiên bố trí trả nợ, đối ứng với ODA, đối ứng với Trung ương, bố trí vốn cho DA chuyển tiếp… nên việc cân đối nguồn lực cho một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu. Không ít công trình buộc phải đình hoãn, cắt bớt hạng mục, tạm dừng bố trí vốn. Riêng trong năm 2014 phải tạm dừng bố trí vốn cho 10 dự án, chủ yếu ở lĩnh vực giao thông.

Yêu cầu tăng vốn

Việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm, thu hút đầu tư vào KCN VSIP Quảng Ngãi, xây dựng Nhà máy Nhiệt điện 1.200 MW với số vốn đầu tư 2 tỷ USD và nhiều DA lớn khác, Quảng Ngãi sẽ có nhiều thời cơ, thuận lợi để trở thành trọng điểm về phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với tỉnh trong việc tìm nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư, cũng như đầu tư kết cấu hạ tầng. Đấy là chưa kể tỉnh còn có 6 huyện thuộc diện 30a, 22 xã bãi ngang ven biển và một huyện đảo Lý Sơn đang rất cần vốn để đầu tư phát triển. Do vậy, bài toán vốn sẽ vô cùng khó khăn, nhất là trong giai đoạn 2016-2020, tất cả các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn nên nguồn vốn sẽ tương đối ổn định.

 

Huyện đảo Lý Sơn đang cần nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển thành đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng-an ninh.
Huyện đảo Lý Sơn đang cần nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển thành đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng-an ninh.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển phải tăng cao hơn chi thường xuyên. Vì vậy năm 2015 cần lấy mốc tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển cân đối trên tổng chi ngân sách địa phương năm 2011 (năm tỉnh điều tiết ngân sách về Trung ương) để xác định chi cân đối ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2015 thì mới đảm bảo quy định trên và mới đủ nguồn để chuyển tiếp. Bên cạnh đó, xem xét cho phép trình cơ cấu đầu tư cùng lúc với phương án phân bổ kinh tế để thuận lợi cho việc thực hiện và phù hợp với nguồn lực của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, trước mắt việc tăng thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương năm 2015 và những năm tiếp theo là yêu cầu bức thiết. Năm 2015 nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh (cân đối từ ngân sách địa phương) phải bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng thì mới đủ chuyển tiếp, nếu không đảm bảo mức trên thì phải dừng nhiều dự án. Đó là chưa kể nhu cầu khởi công mới để tăng cơ cấu đầu tư cho giáo dục đào tạo và các lĩnh vực ưu tiên khác…

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU


 

.