Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tham quan các mô hình sản xuất ở Quảng Ngãi

09:10, 30/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 30.10, Giáo sư- Tiến sĩ Nguyên Lân Dũng đã đi khảo sát một số mô hình sản xuất ở các địa phương. Giáo sư đã trực tiếp định hướng và truyền đạt kinh nghiệm cho nhân dân và lãnh đạo các địa phương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tại huyện Ba Tơ, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã khảo sát mô hình trồng keo, mô hình liên kết trồng cây nguyên liệu giao khoán ăn chia sản phẩm với nhân dân của Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ và mô hình trồng mía trên đồi. Tại huyện Nghĩa Hành, Giáo sư đã khảo sát, tham quan mô hình nuôi cầy vòi hương và trồng cây ăn quả ở.

Giáo sư đã truyền đạt những kiến thức cho bà con về việc chăm sóc, nuôi trồng cũng như nêu lên những bất cập trong sản xuất và tiêu thụ nông lâm thủy sản ở Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Đồng thời đánh giá cao ý thức làm giàu của nông dân.

 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tham quan mô hình trồng cây gỗ lớn ở huyện Ba Tơ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (bên phải) tham quan mô hình trồng cây gỗ lớn ở huyện Ba Tơ.

 

Giáo sư bày tỏ sự lo ngại trước việc người dân khai thác cây keo đồng loạt, đốt thực bì vừa dễ gây ra cháy rừng vừa gây xói mòn đất; sự mất thế cạnh tranh của ngành mía đường; trồng và chăm sóc cây mì theo hình thức quảng canh…

Sau khi khảo sát các mô hình, Giáo sư cho rằng, tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng nông nghiệp Quảng Ngãi gặp không ít khó khăn. Quảng Ngãi có 70% dân chúng phụ thuộc vào ngành nông nghiệp, dù phát triển công nghiệp vẫn phải coi trọng nông nghiệp.

Có những vấn đề cần suy nghĩ, thứ nhất cây keo bạc ngàn, rất đẹp, nhưng khi thu hoạch người dân có thói quen đốt, người dân nhầm vì nghĩ vậy là có tro tốt cho đất vừa đỡ tốn thời gian, công sức dọn thực bì. Đó là cách làm gây xói mòn đất.

 

Giáo sư đánh giá cao hiệu quả của mô hình trồng cây ăn quả ở Nghĩa Hành.
Giáo sư đánh giá cao hiệu quả của mô hình trồng cây ăn quả ở Nghĩa Hành.

 

Cây thứ hai là mía, trước sự canh tranh của các nước bạn, nếu chúng ta không quản lý tốt có ngày chúng ta sẽ thiếu đường. Cây mì hiện nay được trồng quảng canh, nhưng mì là cây rất phá đất, nếu trồng như vậy sẽ hỏng đất, nếu như không chăm bón. Mặt khác, Quảng Ngãi có 2 nhà máy chế biến nên rất dễ gây ô nhiễm.  

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, vấn đề bây giờ là ngành nông nghiệp phải tổ chức lại thế nào để người dân dân hợp tác với doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, sáng 1-11, tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh, GS.TS Nguyễn Lân Dũng sẽ truyền đạt những kinh nghiệm cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh chuyên đề “Nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi.


Tin, ảnh: Ái Kiều
 


.