Gạch không nung và chuyện kinh doanh của nông dân

03:10, 17/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 4 năm trước, những viên gạch không nung “made in Tịnh Giang” đã xuất hiện. Sản phẩm này do một người phụ nữ chân lấm tay bùn mạnh dạn đầu tư thực hiện. Mô hình gạch không nung đã mang lại nhiều lợi ích như không dùng chất đốt, không xả khí thải vào môi trường, không làm ảnh hưởng đến đất nông nghiệp... Thế nhưng, đến nay chủ nhân của mô hình vẫn còn loay hoay việc tiếp cận thị trường và đầu ra sản phẩm còn nhỏ lẻ.

TIN LIÊN QUAN

Cất công đi học nghề

Đó là chị Đào Thị Tin, ngụ thôn Cù Và, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh). Trong một lần về thăm quê chồng tại một tỉnh ở miền Bắc, chị tò mò khi thấy người dân nơi đây sản xuất gạch không dùng nguyên liệu đất sét. Qua tìm hiểu, chị Tin biết những viên gạch này không cần dùng lò đốt để nung, có thể thực hiện được tại gia đình và tận dụng nhân công lúc nhàn rỗi. Thế là chị học hỏi và bắt tay vào sản xuất.

Sản xuất gạch không nung ổn định nhưng chị Tin còn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sản xuất gạch không nung ổn định nhưng chị Tin còn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.


Đến thăm gia đình chị Tin vào một buổi trưa vẫn nghe tiếng động cơ đóng gạch ầm ầm. Chị Tin thành thạo chuyển từng viên gạch vừa đóng xong ra sân phơi. Chị kể: “Giờ thì nhuần nhuyễn rồi, chứ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn lắm! Gạch vừa đóng xong cái nào vỡ hết cái đó. Hai vợ chồng tôi phải cất công ra lại miền Bắc để tiếp tục học hỏi. Sau đó mới vỡ lẽ ra là nguyên liệu phải được trộn nhuyễn đều tay thì viên gạch mới thành hình. Sau ba tháng tìm hiểu kỹ càng, chúng tôi trở về quê rồi đầu tư mua thêm máy trộn bê tông để việc sản xuất gạch thuận tiện, hiệu quả hơn”.

Chỉ tay vào máy đóng gạch với vốn đầu tư ban đầu hơn 70 triệu đồng được đặt trong sân nhà, anh Lê Thế Giang (chồng chị Tin) cho biết: “Sản xuất gạch không nung khá đơn giản. Khoảng 7 bao xi măng cộng với 3 mét khối nguyên liệu gồm đá mi, đá bụi, cát  làm ra được 1.000 viên gạch thành phẩm. Gạch sau khi đóng xong chuyển ra sân phơi khoảng 3 ngày. Ngay cả trời mưa phùn vẫn có thể đóng gạch. Khi trời mưa to thì dùng tấm bạt để phủ gạch ngăn nước mưa thấm vào”.

Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm

Hiện nay, trên địa bàn xã Tịnh Giang đã có nhiều hộ gia đình sử dụng gạch không nung để xây dựng tường rào, cổng ngõ. Một hộ gia đình nuôi heo với quy mô lớn tại địa phương có khu chuồng trại rất khang trang cũng xây bằng loại gạch không nung do gia đình chị Tin làm ra.

Gia đình chị Tin đã thực hiện mô hình gạch không nung cách đây 4 năm và giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Giá thành mỗi viên gạch không nung (chiều dài 24cm, rộng 12cm, dày 10cm) là 1.500 đồng. Tuy nhiên, đầu ra chủ yếu nhỏ lẻ, tiêu thụ ở địa phương là chính thông qua người quen giới thiệu.

Nguyên nhân theo chị Tin, đó là gia đình còn hạn chế trong việc tiếp thị, quảng cáo và giới thiệu các tính năng ưu việt của gạch không nung so với gạch truyền thống. Ngoài ưu điểm thân thiện với môi trường vì không ảnh hưởng đến nguồn đất, tiết kiệm nhiên liệu vì không dùng chất đốt, không xả khí thải làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, gạch không nung còn có độ bền, chịu phèn, chịu chua tốt, kích thước chuẩn xác, có thể dùng làm trang trí trong xây dựng... Bên cạnh đó, một trong những cái khó khiến gạch không nung chưa được tiêu thụ là tâm lý của người dân còn e ngại, vì chưa hiểu rõ loại gạch này.

Khi được hỏi liệu cơ sở nhỏ lẻ như gia đình có đủ sức cạnh tranh với những cơ sở cung ứng vật liệu không nung khác vì loại vật liệu này đang được khuyến khích phát triển? Chị Tin cho biết đang tính đến chuyện làm bảng quảng cáo và danh thiếp để thuận tiện cho việc kinh doanh. “Mong muốn cơ quan chức năng kiểm định chất lượng sản phẩm, từ đó làm cơ sở để mọi người tin tưởng, hiểu rõ chất lượng, ưu điểm của gạch không nung”, chị Tin nêu nguyện vọng.

Bài, ảnh: Bảo Hòa
 


.