Phát triển đảo Lý Sơn: Mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng (Kỳ 1)

04:09, 17/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tháng 10 này, tỉnh Quảng Ngãi sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo cấp quốc gia “Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn”, nhằm khai thác mọi nguồn lực phát triển huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, xã hội, vững chắc về quốc phòng, an ninh. Báo Quảng Ngãi có loạt bài giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của đảo tiền tiêu và những vấn đề để Lý Sơn phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm đến.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: Lý Sơn mới ở giai đoạn chạy đà


Nằm trong Quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với những đặc điểm nổi trội về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, an ninh quốc phòng... huyện đảo Lý Sơn có những lợi thế rất lớn để thu hút đầu tư, nhất là du lịch và khai thác chế biến hải sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Đảo tiền tiêu giàu tiềm năng

Nằm về phía đông bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, đảo Lý Sơn giữ vị trí chiến lược trên vùng Biển Đông của Việt Nam, là cửa ngõ tiến ra Biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Không chỉ có vị trí chiến lược về quốc phòng mà Lý Sơn còn hội tụ nhiều tiềm năng du lịch, kinh tế biển (và những tư liệu quý về Hoàng Sa) để phát triển, trở thành địa bàn trung tâm, trọng điểm trong chiến lược phát triển biển đảo của cả nước.

 

Đất đảo Lý Sơn còn nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Hoàng Triều
Đất đảo Lý Sơn còn nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Hoàng Triều


Trên địa bàn huyện có 50 di tích, trong đó có 10 di tích đã được công nhận gồm 4 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh, 23 di tích tín ngưỡng và một số di tích khác. Địa hình Lý Sơn qua thời gian dài được thiên nhiên tôn tạo hình thành những sản phẩm du lịch tự nhiên đẹp và lạ như: Chùa Hang, hang Câu, cổng Tò Vò, miệng núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới…

Lý Sơn còn nổi tiếng bởi đây là quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa. Hiện nay trên đảo còn lưu giữ được hàng trăm công trình có kiến trúc mỹ thuật đa dạng, phân bố dày đặc. Đặc biệt là các di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa được thiết lập từ triều Nguyễn như: Âm Linh Tự, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Võ Văn Khiết, cùng những giá trị lịch sử, văn hóa của lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa… luôn được bảo vệ và giữ gìn. Những tài liệu quý do các tộc họ nối tiếp nhau gìn giữ, cũng là một trong những minh chứng đã góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia ở Hoàng Sa, Trường Sa. Có thể nói, nét độc đáo của du lịch biển đảo Lý Sơn hòa quyện với thiên nhiên hùng vĩ là sự tích tụ nhiều loại văn hóa phi vật thể, sinh hoạt dân gian, tín ngưỡng mang đậm dấu ấn của cư dân đảo.

“Đến đảo Lý Sơn ngoài việc chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên, và các lễ hội nên thơ, ngoạn mục du khách còn được thưởng thức đặc sản và văn hóa ẩm thực đặc sắc” - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Thanh giới thiệu. Được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, hành tỏi Lý Sơn có hương vị thơm ngon đặc biệt không thể lẫn với hành tỏi được trồng ở nơi khác. Đây là một trong những đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi được xác lập kỷ lục Việt Nam. Vùng biển quanh đảo có nhiều loại hải sản quý như đồn đột, cá mú, mực thẻ, ốc cừ, ốc tai tượng, hàu son… có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.

Không chỉ có lợi thế về khai thác hải sản, khả năng nuôi trồng thủy sản tại vùng biển Lý Sơn khá lớn. Các điều kiện thủy lý, thủy hóa lý tưởng cho nuôi trồng các loại đặc sản như cá mú, tôm hùm, cua biển… bằng lồng, có thể phát triển với tổng diện tích lên tới 250ha. Tuy nhiên, đến nay nuôi trồng vẫn là khâu yếu của kinh tế biển ở Lý Sơn.

Hành trình hơn 20 năm phát triển đất đảo

Ngày 1.1.1993, huyện Lý Sơn chính thức được thành lập. Sau 21 năm xây dựng và phát triển, Lý Sơn ngày càng khởi sắc. Đến nay, các công trình có quy mô lớn đã từng bước được đầu tư như cảng biển, vũng neo trú tàu thuyền, kè chống sạt lở bờ biển quanh đảo, mạng lưới đường giao thông, bệnh viện, trường học và một số dự án quan trọng khác…
 
 Được bao bọc xung quanh là biển nên Lý Sơn là huyện có điều kiện thuận lợi trong lĩnh vực khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển. Toàn huyện hiện có 427 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất trên 47.245 CV, trong đó có gần 160 chiếc 90 CV trở lên. Số lao động trực tiếp trên biển là trên 3.000 người. Kinh tế biển Lý Sơn quyết định hơn 50% nguồn thu của huyện. Sản lượng khai thác của huyện chiếm gần 1/3 tổng sản lượng của tỉnh. Năm 2013 đạt 37.300 tấn, trị giá trên 261 tỷ đồng, tăng trên 33 nghìn tấn so với năm 1993.

Lý Sơn đất chật người đông. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện đảo Lý Sơn chỉ hơn 1.000ha nhưng dân số khoảng 22 nghìn người. Diện tích sản xuất không thể mở mang, nông dân huyện Lý Sơn đã xen canh hai loại cây trồng chủ lực là cây tỏi và hành với bắp, dưa hấu, đậu xanh, mè… thực hiện gối vụ, nâng hệ số quay vòng của đất từ 3-4 lần. Cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giá trị sản xuất ngành trồng trọt bình quân 1ha đất canh tác đạt đến 328 triệu đồng/năm.

Hệ thống thương mại, dịch vụ, du lịch ngày càng được mở rộng và phát triển, lưu thông hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Nhiều loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, phương tiện phục vụ đưa đón khách tham quan du lịch từng bước được đầu tư, để hằng năm thu hút gần 30 nghìn lượt khách, nhất là dịp lễ, tết.

Ông Nguyễn Thanh-Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đảo bình quân hằng năm 15%-17%. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện năm 2013 đạt gần 652 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với năm 1993. Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 là 2,7 triệu đồng/năm đến năm 2013 tăng 15,6 triệu/năm, tăng gấp 5,7 lần so với năm 1993. Hộ nghèo đến cuối năm 2013 giảm xuống còn trên 23%.

Cần nguồn lực mới

Dù luôn có bước phát triển và tăng trưởng trong những năm qua, nhưng việc phát triển KT-XH của huyện đảo Lý Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Người dân trên đảo thường đối mặt với những khó khăn như việc tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão… Nguyên nhân chính là bởi các ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nhất là những diễn biến bất thường về thời tiết. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển còn yếu kém, chưa đồng bộ. Thế mạnh là phát triển thủy sản nhưng phần lớn số tàu thuyền của huyện có công suất nhỏ, khả năng đánh bắt xa bờ còn hạn chế, kết cấu hạ tầng nghề cá và khu neo đậu chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

 

      Lý Sơn đang sở hữu đội tàu thuyền lớn nhất tỉnh..                          Ảnh: Trường An
Lý Sơn đang sở hữu đội tàu thuyền lớn nhất tỉnh.. Ảnh: Trường An


Chính vì thế, “Đề án xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh”, được UBND tỉnh xây dựng, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù. Theo UBND tỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển KT-XH của huyện đảo Lý Sơn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 6.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương và của tỉnh khoảng 4.025 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp và dân cư khoảng 2.680 tỷ đồng.

Nguồn vốn này chủ yếu đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng thiết yếu như, đường giao thông, các tuyến đê kè biển chống sạt lở, vũng neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão, các cảng vận tải hành khách và công trình quốc phòng. UBND tỉnh cũng đã đưa ra 41 danh mục dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2014 - 2020 và 14 danh mục dự án kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp và dân cư. Trong đó, có các dự án có số vốn đầu tư lớn như các tuyến đê kè (hơn 613 tỷ đồng), cải tạo nâng cấp sân bay tại đảo Lớn và đảo Bé (500 tỷ đồng), cảng Bến Đình (220 tỷ đồng), các công trình phục vụ cho du lịch (2.280 tỷ đồng)...
    

THANH NHƯ-TRƯỜNG AN


*Kỳ 2: Điện quốc gia- động lực lớn cho Lý Sơn phát triển
                                            

 


.