Làng nghề truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

08:09, 02/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc gìn giữ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở vùng nông thôn được các địa phương xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, tiến tới xây dựng nông thôn mới (NTM) thành công…

TIN LIÊN QUAN

Giữ lửa làng nghề…

Đến thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự nhộn nhịp của một làng nghề bánh tráng truyền thống mà một thời gần như bị "khai tử". Chị Tiêu Thị Phượng kể: “Đã hơn 20 năm nay, sáng nào tôi cũng dậy từ 4 giờ sáng làm mãi đến 3 giờ chiều. Mỗi ngày tráng vài ngàn cái, tráng bao nhiêu mối lấy bấy nhiêu. Cũng từ nghề này mà tôi có điều kiện lo cho gia đình và nuôi con ăn học". Nghề làm bánh tráng ở đây tuy là nghề phụ, nhưng mang lại thu nhập tương đối khá cho các gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hiện toàn thôn có trên 200 hộ làm nghề, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Trung bình, mỗi lò bánh với một lao động chính, một phụ giúp có thu nhập trên 100.000 đồng/người/ngày. Khoản thu nhập này là không nhỏ đối với mặt bằng đời sống người dân nông thôn trong tỉnh. Các gia đình làm nghề còn tận dụng cặn bột, nước gạo làm thức ăn chăn nuôi.

 

Sản xuất đường phèn, đường phổi ở gia đình bà Đỗ Thị Minh Tâm.
Sản xuất đường phèn, đường phổi ở gia đình bà Đỗ Thị Minh Tâm.


Để có thêm thu nhập và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ông Võ Bảo đã đầu tư máy móc, xây dựng lò sấy để chủ động khi thời tiết xấu, nên mọi công đoạn từ xay bột đến tráng bánh đều thực hiện  nhanh, ít hao hụt. Hiện cơ sở của ông tạo việc làm cho 12 người, với thu nhập gần 100.000đồng/người/ngày. Ông Bảo chia sẻ: "Để bánh ngon, trắng quan trọng là khâu chọn gạo, rồi đến công đoạn gút gạo phải thực hiện cho thật kỹ. Nếu làm qua loa thì bánh bị sẩm màu, chua, dễ bị mốc…". Theo ông Bảo, hiện sản phẩm của làng nghề này không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh như Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… Với hơn 30 năm làm nghề và chăn nuôi, kinh tế gia đình ông đã khấm khá rất nhiều, xây dựng được cơ ngơi khang trang, các con ông có điều kiện theo học đại học.

Nghề làm đường phèn, đường phổi cũng đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở làng Ba La, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi). Mặc dù nghề này không đem lại lợi nhuận cao, nhưng đã trở thành chỗ dựa kinh tế cho gia đình bà Đỗ Thị Minh Tâm. Bà Tâm cùng các chị em gái lớn lên đi lấy chồng, nhưng vì muốn giữ nghề truyền thống của gia đình nên đã phát triển nghề cho đến nay. "Nghề đường phèn, đường phổi ở làng Ba La này có từ lâu lắm rồi. Nhờ nghề này mà gia đình tôi có tiền lo cho con cái ăn học, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”, bà Tâm cho biết. Bà Đỗ Thị Xuân Lương, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho biết thêm, nghề làm đường phèn, đường phổi truyền thống của gia đình bà từ làng Ba La lên Nghĩa Lộ lập nghiệp. Với nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống, bà đã cùng với các hộ gia đình ở Nghĩa Lộ xây dựng thương hiệu làng nghề đường phèn, đường phổi nổi tiếng và được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.

Nền tảng để xây dựng nông thôn mới

Xã Nghĩa Hòa được huyện Tư Nghĩa chọn làm xã điểm để xây dựng NTM  trên nền tảng của “Phố cổ Thu Xà” và các làng nghề truyền thống ở đây. Ông Huỳnh Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, cho biết: Trải qua những biến cố của lịch sử, các làng nghề truyền thống như dệt chiếu, làm nhang, bánh kẹo, làm lốp xe… ở đây vẫn "sống khỏe". Trong đó, ở thôn Hòa Bình hiện có 200 hộ sinh sống bằng nghề “xẻ thịt lốp xe”. Từ các lốp xe, người thợ mổ xẻ, chế biến thành những sản phẩm dây su, đế dép, các mặt hàng phục vụ cho nghề sản xuất nông lâm thủy sản…

 

Chị Tiêu Thị Phượng tráng bánh thủ công.                          Ảnh: B.S
Chị Tiêu Thị Phượng tráng bánh thủ công. Ảnh: B.S


Anh Huỳnh Tấn Điền có thâm niên 20 năm làm nghề xẻ lốp chia sẻ: “Người thì nhiều, nhưng ruộng đồng ít nên người dân nơi đây xoay xở đủ nghề để sống. Một vài người vào TP.HCM kiếm việc làm, số còn lại ở nhà làm cho các cơ sở xẻ lốp ôtô cũ. Nghề này nặng nhọc, vất vả, cơ thể luôn đen nhẻm, nhưng vẫn đông người làm. Mỗi ngày một người thợ xẻ lốp cũng kiếm được 100-150 ngàn đồng.

Làm nghề tước bố chỉ gia công, mỗi người cũng kiếm được vài chục đến 100 ngàn đồng/ngày. Từ công việc làm dây su, vợ chồng anh Điền cũng kiếm được gần 200 ngàn đồng/ngày. Số tiền này đủ để anh lo cho gia đình và con cái ăn học. Cũng theo anh Điền, riêng phần bìa của lốp, các dây su ngắn, vụn… anh bán lại cho thương lái xuất sang Trung Quốc. “Với người khác, lốp ôtô phế thải là thứ vô dụng, nhưng với người dân Nghĩa Hòa thì chẳng có gì bỏ đi từ những phế phẩm ấy”, anh Điền khẳng định. Còn theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Huỳnh Văn Dũng, từ nghề chế biến lốp xe mà nhiều gia đình ở Nghĩa Hòa có cuộc sống khấm khá, tạo công ăn việc làm ổn định cho cả ngàn người dân địa phương.

Bên cạnh nghề "xẻ” lốp xe, nghề làm nhang ở Nghĩa Hòa cũng đem lại thu nhập khá cho người dân. Trước đây, người dân chỉ làm thủ công, giờ thì làm bằng máy nên đạt đến hàng chục vạn cây nhang/lao động/ngày, thu nhập từ 100 - 200 ngàn đồng/người/ngày. Nhang Nghĩa Hòa tiêu thụ mạnh ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hiện có 100 hộ nơi đây miệt mài gìn giữ nghề nhang truyền thống. Việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống ở Nghĩa Hoà là nền tảng vững chắc để xã xây dựng nông thôn mới. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Nghĩa Hòa chỉ còn khoảng 10%.

Dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, song các làng nghề truyền thống ở các địa phương trong tỉnh vẫn đang từng bước hồi sinh và phát triển, là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa bàn nông thôn phát triển bền vững.

Bá Sơn


 


.