Đừng để thời gian tuột khỏi tay

04:09, 02/09/2014
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Tôi ngồi với anh Nguyễn Hoài Giang-Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR-Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD DQ) để nghe anh nói về triển vọng sắp tới của NMLD. Tôi hỏi anh Giang: “NMLD của mình vừa qua kỳ bảo dưỡng lần 2 rất thành công. Nhưng liệu mình còn chạy được bao lâu nữa thì… hết dầu Bạch Hổ?”

Anh Hoài Giang cười: “Ông anh lại chơi câu hỏi khó rồi! Khó nói chính xác thời điểm mỏ Bạch Hổ cạn dầu, dù ai cũng biết “ngày ấy sắp tới gần rồi” và chúng ta cần… những mỏ dầu khác với dải loại dầu khác, nếu muốn “chúng ta là người chiến thắng” như một bài hát rock bây giờ.
 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Nhà máy lọc dầu Dung Quất Ảnh: Báo Quảng Ngãi



Mỏ Bạch Hổ cho dầu ngọt và nhẹ, là loại dầu ‘siêu”. Chủng dầu này giá cao, trong khi thế giới dùng phổ biến dải dầu chua và nặng, nhưng giá nhẹ. Nhà máy lọc dầu Dung Quất, khi thiết kế xây dựng, mới chỉ dành cho dầu ngọt và nhẹ-dầu mỏ Bạch Hổ”. Tôi chen ngang: “Sao ngay từ đầu mình không nghĩ ra chuyện sẽ phải dùng tới dầu chua và nặng, khi mỏ dầu Bạch Hổ cạn?” Anh Hoài Giang cười: “Đã có nghĩ hết rồi chứ anh! Nhưng thời điểm ấy nhà nước mình còn khó khăn về tiền bạc, nên giai đoạn đầu chỉ đủ sức thiết kế nhà máy dùng dầu Bạch Hổ, rồi tương lai sẽ mở rộng, nâng cấp nhà máy để xài được dầu chua dầu nặng, cũng là tạo điều kiện cho hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn của công nghiệp hóa dầu.

Vì nhà máy mình là “lọc hóa dầu”, mà hóa dầu mới là công nghiệp mang lại lợi nhuận cao”. Tôi hỏi: “Nói như thế hóa ra dùng dầu chua và nặng thì… lợi hơn?” Nguyễn Hoài Giang: “Đúng vậy, vì dầu chua rẻ hơn. Trong khi nhà máy Nhà máy lọc dầu Dung Quất mình chi phí dầu thô chiếm 96% tổng chi phí, thì với những nhà máy trên thế giới dùng dầu thô là dầu chua, nặng, chi phí từ 80%-90%. Với lợi thế so sánh chỉ khoảng từ 5%-10% thôi, lợi nhuận đã khác nhau một trời một vực”.

Nhưng trong một tương lai rất gần, thì Việt Nam không chỉ có độc Nhà máy lọc dầu Dung Quất để “con chim đầu đàn ngành lọc hóa dầu Việt Nam” có thể ung dung tính toán cho các kế hoạch sắp tới của mình.

Thời gian-lợi thế duy nhất

Theo anh Nguyễn Hoài Giang, từ khi mới khánh thành nhà máy Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thì những người có trách nhiệm ở đây đã nhìn nhận: mình chỉ có lợi thế duy nhất là… thời gian, so với các nhà máy lọc dầu khác ở Việt Nam ra đời sau mình, như Nghi Sơn, Long Sơn, hay có thể sắp tới là Nhơn Hội. Lợi thế thời gian ấy là gì? Đó là có thể sớm nghĩ ra những giải pháp, những quyết sách để nâng cấp và mở rộng nhà máy, từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm lên 10 triệu tấn/năm với sản phẩm đạt chuẩn Euro 4 (hiện tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới đạt chuẩn Euro 2) và với nguyên liệu đầu vào là các nguồn dầu thô có dải rộng hơn (dầu chua, dầu nặng). Có khả năng để đi trước các nhà máy ra đời sau mình một hai bước, nhưng vấn đề là có đi được không? Nếu không đi được, thì thời gian từ lợi thế sẽ thành thách thức khắc nghiệt.

Năm 2017, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ chính thức vận hành, với chuẩn EURO 4, với nguyên liệu là dầu chua dầu nặng, với cách quản lý và điều hành hoàn toàn theo cung cách của tư bản phát triển, với tất cả kinh nghiệm được và chưa được rút ra từ… Nhà máy lọc dầu Dung Quất và cả nguồn nhân lực họ thu hút từ chính nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam này.

Theo anh Nguyễn Hoài Giang, bây giờ không còn thời gian để kéo dài việc “trải thảm” mời các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn nâng cấp nhà máy Nhà máy lọc dầu Dung Quất nữa, để cứ đón rồi… tiễn họ nữa. Bây giờ, chỉ còn một giải pháp: tự mình đầu tư, tự mình cổ phần hóa, vay vốn, thu hút vốn, tự nâng cấp mở rộng nhà máy.
 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn hoạt động ổn định, với sự vận hành của đội ngũ kỹ sư Việt Nam.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn hoạt động ổn định, với sự vận hành của đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

 

Các đối tác nước ngoài khi ấy sẽ vào hợp tác một cách bình thường. Các cuộc đàm phán cùng với những yêu sách khi ấy sẽ khác. Và họ sẽ chấp nhận những điều kiện hợp lý của chủ nhà. Chỉ có chủ động như thế may ra mới còn một chút lợi thế thời gian, cái đang hàng ngày lặng lẽ lọt qua kẽ tay chúng ta. Vì nếu nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thì cũng phải ngoài năm 2020 mới vận hành chính thức được. Còn nếu không mở rộng được, thì… sẽ bế tắc một khi nguồn dầu thô Bạch Hổ không còn.

Hãy bắt đầu từ niềm tin

Theo anh Nguyễn Hoài Giang, với chúng ta bây giờ, tài chính không phải là vấn đề khó khăn nhất. Nếu đầu tư có hiệu quả, thì nguồn tài chính là không đáng lo. Cần 1,5-2 tỉ USD cho việc nâng cấp mở rộng nhà máy. Đó là tiền mặt. Nhưng còn một “nguồn vốn” mà nhà máy đang có, lại không thể tính chi li quy ra tiền, là đội ngũ hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, công nhân bậc cao nhà máy đang sở hữu.

Qua hai kỳ bảo dưỡng vừa qua, mà kỳ thứ hai số chuyên gia nước ngoài giảm xuống chỉ còn 1/10 so với kỳ thứ nhất, qua suốt hơn 600 ngày đêm liên tục vận hành nhà máy an toàn 100%, có thể nói đội ngũ cán bộ công nhân nhà máy đã trưởng thành về mọi mặt. Đó chính là tài sản quí báu nhất của nhà máy. Đó cũng là kết quả của lợi thế thời gian.

“Nếu chúng ta có niềm tin và tin vào chính mình, chúng ta có thể làm được rất nhiều điều. Nhưng niềm tin là cái không thể mua bán hay đổi chác được. Không có niềm tin, chúng ta đã không có Cách mạng Tháng Tám, không có ngày Quốc khánh 2/9. Không có niềm tin, chúng ta cũng đã không có Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tin và đã truyền lửa niềm tin về Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho tất cả chúng ta. Bây giờ, xin hãy bước tiếp từ niềm tin mãnh liệt của ông Sáu Dân.” Chủ tịch BSR Nguyễn Hoài Giang tự nhiên “văn chương” hẳn lên và anh bắt tay tôi thật chặt, như muốn truyền niềm tin ấy sang cả cho tôi./.

 


.