Người tiên phong dưới chân núi Đầu Voi

09:08, 13/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khu dân cư số 1, thôn Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long) nằm dưới chân núi Đầu Voi từng là nơi toàn đá sỏi, cuộc sống người dân còn bộn bề cơ cực. Ấy thế mà bây giờ, nơi đây lại là một điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế của Minh Long. Tiên phong trong phong trào là anh Đinh Văn Tiến.

Tiên phong làm mô hình kinh tế mới

Nằm “gối đầu” ngay chân núi Đầu Voi, mảnh vườn rộng 1ha của anh Đinh Văn Tiến, thôn Biều Qua, xã Long Sơn như một khu du lịch sinh thái thu nhỏ với đầy đủ ao cá, hoa súng, cây ăn quả…được bố trí rất khoa học và đẹp mắt. Ở khu vườn của nông dân người Hrê tài ba Đinh Văn Tiến, 3 ao nuôi cá được anh tách riêng biệt. Khu vực trồng lúa, cây ăn quả, trồng cỏ nuôi bò cũng được tách riêng. Ngay khoảnh sân trước nhà, anh xây hẳn một ao bê tông dùng để chứa cá trưởng thành cho người mua có thể dễ dàng chọn lựa.

 Anh Đinh Văn Tiến bên mô hình nuôi lươn kết hợp trồng hoa súng của mình.
Anh Đinh Văn Tiến bên mô hình nuôi lươn kết hợp trồng hoa súng của mình.


Dẫn chúng tôi đi xem đường mương dẫn nước được đào men theo những ô nhỏ vuông vức trong vườn nhà, anh Đinh Văn Tiến hào hứng cho hay: Mương nước này, tôi dẫn về từ hồ chứa nước Hố Bầu ở tít trên núi nên nước mới trong vắt thế này!.

Ao cá diêu hồng, trắm cỏ, rô phi mỗi năm mang về cho anh Tiến trên 15 tạ cá; 7 con bò sinh sản, anh cũng chẳng còn nuôi theo kiểu chăn thả, bởi đã có 3 sào cỏ voi, cỏ sả đảm bảo thức ăn quanh năm. Nhìn trang trại của anh, ít ai có thể nghĩ rằng, mảnh đất này từng là một ngọn đồi có địa hình gồ ghề, đá sỏi. Cũng chẳng ai nghĩ, người thanh niên Đinh Văn Tiến ngày đó, chỉ với cuốc và xẻng nhưng bền bỉ “san phẳng” được cả ngọn đồi.

Tròn 10 năm phát triển trang trại với xuất phát điểm chỉ có vài sào sả, riềng, đến nay, anh Tiến đã sở hữu được trang trại đa cây, đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có nguồn thu nhập ổn định và là mơ ước của nhiều người, thế nhưng anh Tiến vẫn tiếp tục tìm kiếm những mô hình hay để áp dụng. Năm ngoái, được đi tham quan mô hình nuôi lươn ở miền Tây, anh Tiến liền đào ngay ao để thả lươn. Trên mặt ao, anh còn sáng tạo trồng thêm hoa súng. Loại hoa này vừa tạo được bóng mát cho lươn sinh trưởng, vừa có thể tận dụng làm thức ăn và trang trí. Còn năm nay, sau khi đi tham quan trại rắn Đồng Tâm ở Tiền Giang, anh cũng nhanh chóng bắt tay ngay vào tìm hiểu và xây chuồng để nuôi rắn.

Một người làm, mười người theo

Không chỉ tự lực vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, anh Đinh Văn Tiến còn là tấm gương về nghị lực để mọi người trong thôn noi theo. Những mô hình kinh tế mà anh triển khai thành công cũng là đường hướng để bà con học hỏi và áp dụng.

Nhìn “người thật, việc thật” là anh Tiến, lớp thanh niên trong thôn như Đinh Văn Đăng, Đinh Văn Thìn…cũng quyết định mở trang trại tại quê hương. Thay vì thả rông trâu bò như trước đây, người dân cũng bắt đầu sang nhà anh Tiến để hỏi xin giống cỏ về trồng. Riêng người nào muốn đào ao thả cá mà chưa biết nơi đặt mua nguồn giống, anh Tiến chẳng những hướng dẫn mà còn dẫn đến tận cửa hàng ở TP.Quảng Ngãi để bà con lựa chọn.

Những người làm trang trại ở các thôn khác như ông K- Bẩy, ông Đinh Văn Trua, Đinh Văn Tép…ở Gò Chè cũng lặn lội xuống tận nhà anh Tiến để tham quan và học hỏi. Anh Đinh Văn Thìn, thôn Biều Qua, xã Long Sơn, người mới đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò vỗ béo và cá trắm cỏ cho biết: “Lúc đầu tôi cũng đi Tây Nguyên hái cà phê vì nghĩ ở quê mình biết làm gì cho có tiền. Nhưng thấy anh Tiến chẳng những ở quê vẫn đủ ăn mà còn dư dả, nên tôi quyết định sang học hỏi và ở lại quê làm ăn”.

Không chỉ tiên phong về lĩnh vực kinh tế, nhiệt tình giúp đỡ bà con lối xóm thoát nghèo, anh Đinh Văn Tiến còn tiên phong trong mọi phong trào tại địa phương. Trong hai lần mở rộng đường giao thông vào năm 2001 và 2006, anh Tiến tự dời hàng rào vào hơn 3m để nhường đất mở đường…Sau khi anh Tiến nhường đất, các hộ dân sống lân cận cũng quyết định chặt cây, dời hàng rào để đường thông thương thuận lợi.
 

Bài,  ảnh: Ý THU
 


.