Nghề điêu khắc gỗ, gỗ lũa: Hướng đi mới nhiều triển vọng

09:08, 04/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề điêu khắc gỗ, gỗ lũa phát triển mạnh trên địa bàn Quảng Ngãi trong khoảng 5 năm trở lại đây, mở ra một hướng đi mới triển vọng cho nhiều lao động. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát nên chưa phát huy hết được những tiềm năng, thế mạnh vốn có.

TIN LIÊN QUAN


Nghề “hái ra tiền”    

Đời sống kinh tế ngày càng nâng cao, nhiều người có xu hướng tìm đến những thú vui tao nhã trong thế giới sinh vật cảnh. Những tác phẩm nghệ thuật từ điêu khắc gỗ hay gỗ lũa tinh xảo dùng để trang trí trong gia đình, nhà hàng… hiện nay được rất nhiều người ưa chuộng.

Nghệ nhân Trần Văn Trung tỷ mẩn với những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Nghệ nhân Trần Văn Trung tỷ mẩn với những tác phẩm nghệ thuật của mình.


Theo nhiều nghệ nhân có thâm niên trong nghề, thì nghề điêu khắc gỗ, gỗ lũa phát triển mạnh ở Quảng Ngãi trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây. Ông Trần Văn Trung, hiện đang làm cho một xưởng điêu khắc gỗ trên đường Chu Văn An, phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi cho biết:  Ông sinh ra ở làng nghề điêu khắc trứ danh Mỹ Xuyên (tỉnh Thừa Thiên Huế). 59 tuổi, 42 năm ông Trung gắn bó với đục, cưa, bào. Ông Trung chia sẻ: “Sinh ra ở Huế, gắn bó với nghề điêu khắc gỗ nhiều năm, hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điêu khắc gỗ ở Huế gần như đã bão hòa. Nhằm mở rộng thị thường tiêu thụ, tôi chuyển về Quảng Ngãi làm nghề này được hơn 5 năm nay. Nghề này lợi nhuận có, nhưng vì thiếu lao động, nên việc đầu tư vốn nhằm mở rộng quy mô sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn, xưởng chỉ làm theo đơn đặt hàng trên địa bàn tỉnh”.

Ông Trung chỉ vào bức tượng gỗ phật Di Lặc tài lộc viên mãn, có giá 50 triệu đồng, sắp được giao cho khách hàng. Ban đầu khối gỗ vô hình này được mua với giá 7 triệu đồng, một mình ông tỷ mẩn gọt giũa một tuần là thành sản phẩm có giá trị cao. Ông Trung tâm đắc: “Điêu khắc hay gỗ lũa là một thú chơi tao nhã, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh. Sản phẩm làm ra có giá trị kinh tế rất cao, đòi hỏi người học phải thật sự kiên trì. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, người sáng dạ, dốc tâm sức học khoảng hai năm là lành nghề”.

Cần quan tâm đào tạo nghề

Có nhiều thế mạnh về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ khá ổn định, thu nhập cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, tuy nhiên nghề điêu khắc gỗ, gỗ lũa ở Quảng Ngãi vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều lao động nông thôn, miền núi vốn quanh năm quen với chân lấm tay bùn. Là một người cũng có thâm niên trong nghề “thổi hồn” cho gỗ, nghệ nhân Nguyễn Thanh Tùng ngụ tại thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà chia sẻ: “So với các nơi khác như Huế, Hà Nội vốn có những làng nghề điêu khắc gỗ lâu đời, nghề điêu khắc gỗ ở Quảng Ngãi phát triển không bằng, nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất thì lại vượt trội. Về nguồn lao động, nếu được tỉnh đầu tư, quan tâm hướng nghiệp cho người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ thì nghề này sẽ mang lại một nguồn thu nhập rất khả quan. Riêng xưởng của tôi có nhu cầu tuyển dụng quanh năm, thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng, nhưng lại không tìm được lao động lành nghề”.

Là một nghề nhiều triển vọng, tuy nhiên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình, vì vậy việc liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh dường như chưa được các xưởng điêu khắc gỗ chú ý đến. Sản phẩm làm ra chỉ đủ tiêu thụ trong tỉnh. Mới đây nhất tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp và Làng nghề năm 2013 được tổ chức tại Quảng Ngãi, là “cơ hội vàng” để các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và điêu khắc gỗ nói riêng có cơ hội  quảng bá sản phẩm của mình đến đông đảo khách hàng. Vậy nhưng, đơn vị “sân nhà” lại không có một sản phẩm nào từ điêu khắc gỗ được đưa ra “trình làng”. Đó thật sự là một thiệt thòi trong khi chúng ta không thiếu những nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng...

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
    
 


.