Minh Long tập trung các nguồn lực cho công tác giảm nghèo

02:08, 18/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mất mát hy sinh trong chiến tranh, Minh Long vẫn sừng sững, vững vàng như ngọn núi Mum hùng vĩ. 40 năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Minh Long đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực xây dựng địa phương thoát nghèo, lạc hậu để khoác lên mình một sắc diện mới.

TIN LIÊN QUAN


Đi lên từ gian khó

Là cầu nối giữa đồng bằng và miền núi tỉnh Quảng Ngãi, vì vậy trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, huyện Minh Long cũng được chọn làm vùng căn cứ cách mạng của tỉnh và Khu 5. Những địa danh quật khởi vẫn còn đó như: Núi Mum, Đá Vách, núi Kỳ Lân, Thác Trắng, suối Tía, sông Phước Giang, Nước Lác… đã đi vào lịch sử đấu tranh, mãi là niềm tự hào của đồng bào Hrê Minh Long. Ngày 17.8.1974, Minh Long được giải phóng. Chiến thắng này đã góp phần mở rộng ra một vùng giải phóng rộng lớn, nối liền các vùng căn cứ địa kháng chiến miền Tây Quảng Ngãi, là hành lang vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực cho các huyện đồng bằng, tạo nên bàn đạp thuận lợi góp phần cho giải phóng nông thôn, đồng bằng và thị xã Quảng Ngãi vào tháng 3.1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng 30.4.1975.

 

Với tổng diện tích hơn 1.000ha, cây keo trở thành cây thoát nghèo của nông dân huyện Minh Long.                        Ảnh: ý thu
Với tổng diện tích hơn 1.000ha, cây keo trở thành cây thoát nghèo của nông dân huyện Minh Long. Ảnh: Ý Thu


Bốn mươi năm qua là chặng đường mà Đảng bộ và nhân dân Minh Long trải qua vô vàn gian khó. Vùng đất này vốn hoang tàn, đổ nát trong chiến tranh. Sau ngày hoà bình phải tiếp tục bước vào cuộc chiến chống lại đói nghèo, lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới. Xác định giao thông là “mạch máu” cho sự phát triển của huyện nghèo, hàng chục năm qua, huyện Minh Long đã huy động các nguồn lực xây dựng hàng nghìn kilômét đường liên xã, liên huyện, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới quốc gia.

Đến nay, Minh Long có 43 thôn có đường ô tô, 5/5 xã có đường nhựa từ huyện đến trung tâm xã; 93% tuyến đường từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn được thâm nhập nhựa, hoặc bê tông. Đặc biệt, các tuyến đường liên huyện Minh Long đi Ba Tơ và Minh Long đi Sơn Hà được khai thông đã tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho đồng bào miền núi. Cùng với đó là cơ sở vật chất và các dịch vụ phục vụ sản xuất và dân sinh được chăm lo đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bộ mặt làng quê Minh Long ngày càng thêm tươi đẹp, tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn 38,6% theo chuẩn mới.

 Bứt phá công tác giảm nghèo

Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững 6 huyện miền núi, Minh Long đã xây dựng nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực tập trung cao nhất cho công tác giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết, nhìn chung kinh tế của huyện qua từng năm tiếp tục tăng trưởng theo hướng tích cực. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm sau tăng hơn năm trước, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2012 là 16,4% (Nghị quyết 14-15%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần giá trị và tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng: Nông- lâm- ngư chiếm hơn 38%; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- xây dựng chiếm 28% và thương mại- dịch vụ chiếm 32%.

Để tập trung phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, Minh Long đã tăng cường đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi kiên cố. Ba hồ chứa nước Đồng Cần (Thanh An), Biều Qua (Long Sơn), Hố Cả (Long Mai) góp phần đảm bảo nguồn nước tưới, phục vụ sản xuất. Cùng với đầu tư hạ tầng, cán bộ huyện đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình tự phát triển kinh tế gia đình. Hàng chục mô hình chăn nuôi, trồng trọt triển khai đến tận tay người nông dân, đồng bào được hỗ trợ, áp dụng mô hình mới, đưa cây con giống mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả.  

Năm 2013, diện tích lúa nước trên địa bàn huyện tăng 1.580 ha, với năng suất bình quân đạt 43 tạ/ha; cây mì đạt 140 tạ/ha. Một trong những thế mạnh của địa phương là tập trung phát triển kinh tế rừng, toàn huyện có 780ha rừng sản xuất, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của huyện. Về chăn nuôi có bước phát triển vượt bậc, trâu là một trong những vật nuôi được đồng bào Hrê lựa chọn, đàn trâu của huyện đến nay đã tăng hơn 4.900 con. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ đồng bào đã bước đầu tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi nhận thức trong đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Phải nói rằng, cách nghĩ, cách làm của bà con đã dần thay đổi đáng kể. Giờ đây người dân Minh Long không chỉ đủ ăn mà nhiều nông dân còn biết làm giàu với những mô hình cây, con, ngành nghề đa dạng.

Đô thị mới trong tương lai

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Minh Long lần thứ XVII thì đến năm 2015, trung tâm huyện lỵ sẽ trở thành thị trấn. Để đạt được các tiêu chí của đô thị loại V, trong những năm qua, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các tuyến đường giao thông, khu dân cư, công viên cây xanh, điện chiếu sáng đã làm thay đổi diện mạo khu vực trung tâm huyện lỵ. Tuyến đường trung tâm xã Long Hiệp dài gần 2km, có mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, mặt đường trải nhựa rộng 10,5m, chiều rộng vỉa hè từ 2,5 đến 5m, hệ thống thoát nước bằng bê tông và đèn chiếu sáng tạo diện mạo mới cho Minh Long. Trong 3 năm qua, Minh Long đầu tư hàng chục tỷ đồng mở mới và nâng cấp các tuyến đường giao thông khu vực trung tâm huyện lỵ theo tiêu chí đô thị loại V.  

Minh Long đang đầu tư xây dựng khu du dịch Thác Trắng nhằm khai thác tiềm năng du lịch ở địa phương.
Minh Long đang đầu tư xây dựng khu du dịch Thác Trắng nhằm khai thác tiềm năng du lịch ở địa phương.


Nếu như trước đây, người dân thôn 1, xã Long Hiệp và học sinh tại các trường học bên sông Phước Giang nơm nớp lo sợ sạt lở bờ sông, mỗi năm lấn dần 3-5m đất ở thì nay có thể thở phào khi có công trình bờ kè kiên cố. Cùng với các công trình như kênh mương thoát nước, khu công viên cây xanh... đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo khu trung tâm huyện. Hiện tại, Minh Long tiếp tục đầu tư thực hiện một số công trình dự án trọng điểm tại trung tâm huyện lỵ nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Tiến hành quy hoạch chung đô thị Minh Long giai đoạn 2011-2020, với quy mô 110 ha.

Từ nay đến 2015, huyện sẽ tập trung đầu tư nhà thi đấu thể thao cấp huyện, nhà văn hóa cấp huyện, đầu tư, nâng cấp chợ trung tâm huyện. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất là vốn đầu tư, vì vậy, huyện kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm đầu tư để tạo điều kiện cho huyện đạt các tiêu chí đô thị loại V vào năm 2015.

Như mạch nguồn dòng sông Phước Giang hiền hòa chảy mãi, 40 năm là chặng đường dài đánh dấu sự nỗ lực, phát triển đi lên của Minh Long. Hơn ai hết, mỗi người dân Minh Long nhận thấy rằng, quá khứ vinh quang của mảnh đất anh hùng là nền tảng hình thành nên những giá trị vật chất, tinh thần cho ngày mai tươi sáng hơn. Thế hệ con cháu quê hương Minh Long hôm nay sẽ kế thừa và phát huy truyền thống quê hương để chăm lo, vun đắp cho vùng đất này ngày càng giàu đẹp.

NGUYỄN VĂN THUẦN

 


.