Lý Sơn: Sẵn sàng đón nhận điện lưới Quốc gia

10:08, 07/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, tại Lý Sơn, chúng tôi thấy rõ sự khẩn trương ở các hạng mục công trình nằm trong dự án kéo cáp ngầm cấp điện cho huyện đảo duy nhất của tỉnh ta.

TIN LIÊN QUAN

Toàn bộ dự án do Tổng Công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư. Dự kiến đến tháng 10 năm nay sẽ hoàn thành và đưa điện lưới quốc gia ra với nhân dân quê hương Hải đội Hoàng Sa. Tổng nguồn vốn đầu tư dự án là 652,5 tỷ đồng, riêng tại đảo Lý Sơn tổng kinh phí cho các hạng mục là khoảng 29 tỷ đồng, bao gồm việc cải tạo, mở rộng và xây mới một số cơ sở hạ tầng lưới điện.

Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Điện luôn là vấn đề thời sự của nhân dân trên đảo bấy lâu nay, nên khi có dự án về mặt chính quyền, chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng và đã bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho đơn vị thi công lưới điện”.

 

Đơn vị thi công đang lắp đặt trạm biến áp gần trung tâm huyện Lý Sơn.
Đơn vị thi công đang lắp đặt trạm biến áp gần trung tâm huyện Lý Sơn.


Còn ông Lê Thanh Tùng- Giám đốc Điện lực Lý Sơn, cho biết: “Toàn bộ hạng mục công trình nằm trong dự án trên đảo Lý Sơn có tên là Tiểu dự án Cải tạo và nâng cấp lưới điện huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành trên 80% khối lượng dự án”. Cụ thể, xây mới 7,43km đường lưới điện trung áp (22KV); 8,5km đường lưới điện hạ áp (0,4KV); lắp mới 9 trạm biến áp phụ tải; nâng cấp 6 trạm biến áp phụ tải, tổng điện áp của 15 trạm biến áp trên là 3.330 KVA. Hiện nay, đã hoàn thành về cơ bản 2 đường dây trên; đã nghiệm thu, đóng điện 12/15 trạm biến áp.

Cũng nằm trong nỗ lực giúp người dân Lý Sơn tiếp cận và sử dụng nguồn điện quốc gia, ông Tùng cho hay: Điện lực Lý Sơn đã và đang tiến hành sửa chữa mạng lưới điện hiện có và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9.2014. Đồng thời, thay mới 4.187 công tơ điện loại DT01P-RS do Việt Nam sản xuất, có độ sai lệch trong việc ghi số điện sử dụng là 0,1, trong khi loại cũ có độ sai lệch là 0,2. “Với loại công tơ điện này, việc ghi số điện sử dụng cho các hộ dân sẽ bớt phức tạp và tránh được việc gây khó chịu cho các chủ hộ, do sử dụng bộ điều khiển từ xa với bán kính hoạt động tầm 100m.

Ngoài ra, hạn chế tối đa sai sót trong quá trình tính số điện như trước kia. Hơn nữa, nếu như trước đây phải mất 14 công nhân làm việc liên tục trong 1 ngày thì bây giờ, chỉ cần 4 công nhân trong 6 tiếng đồng hồ là đã hoàn thành tính toán số điện mà người dân sử dụng”, ông Tùng cho biết thêm.

 

Bài, ảnh: Xuân Khánh

 


.