Đừng để thua ngay trên sân nhà

02:08, 23/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo cam kết tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), từ năm 2015, thuế nhập khẩu gia cầm sẽ bằng 0% và từ năm 2018 mức thuế suất này sẽ áp dụng với thịt heo, thịt bò. Với tình trạng chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ và hậu cần còn nghèo nàn như hiện nay, ngành chăn nuôi tỉnh nhà đang gặp khó khi sắp phải đối đầu, cạnh tranh gay gắt với sản phẩm ngoại nhập giá rẻ, chất lượng tốt từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

Loay hoay với khó khăn cũ

Nhiều năm qua, người chăn nuôi phải đối mặt với tình trạng giá con giống, thức ăn, thuốc thú y không ngừng tăng cao. Trong khi đó, giá cả thị trường lại không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, khiến người chăn nuôi luôn bơi trong bể khó. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, một người có thâm niên nuôi heo hơn 15 năm ở Đức Tân (Mộ Đức) cho biết: “Từ lúc chăn nuôi tới giờ, giá heo hơi bấp bênh vô chừng. Nhiều thời điểm chỉ còn dưới 50 nghìn đồng/kg. Còn giá cám thì lại liên tục tăng. Chỉ tính riêng cám Con Cò, phải tốn đến hơn 500 nghìn để mua được 25kg cám, thì hỏi thử người chăn nuôi chúng tôi tìm được lợi nhuận ở đâu?”

 

Chăn nuôi theo kiểu chăn thả, khiến người nông dân bị động về nguồn thức ăn.
Chăn nuôi theo kiểu chăn thả, khiến người nông dân bị động về nguồn thức ăn.


Không chỉ đối mặt với hàng loạt những khó khăn về giá cả, mà trên địa bàn tỉnh ta, tình trạng chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún và phương thức chăn nuôi lạc hậu là rào cản khiến ngành chăn nuôi chưa thể bứt phá. Chỉ tính khâu chuẩn bị nguồn thức ăn trong chăn nuôi gia súc, phần lớn nông dân tỉnh nhà vẫn chưa chủ động được. Trên địa bàn huyện Bình Sơn, dù có đàn gia súc lên đến gần 70.000 con, nhưng số diện tích cỏ trồng để chủ động cung ứng nguồn thức ăn cho gia súc mới chỉ dừng lại ở con số 750 ha. Còn tại huyện Tư Nghĩa, dù đã nỗ lực nâng diện tích trồng cỏ lên 900ha nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ cho đàn gia súc 30.590 con trên địa bàn toàn huyện.

Theo tính toán của nông dân Trần Tấn Diệp, một nông dân trồng cỏ nuôi bò gần 10 năm nay ở thôn Nguyên Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) thì, trung bình mỗi con bò, cần đến 1 sào cỏ mới đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn quanh năm. Bởi thế, nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, thì vào mỗi mùa nắng nóng, khi ruộng đồng “cháy” khô vì thiếu nước, vật nuôi sẽ không thể nào sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

Không thiếu nguồn cỏ tự nhiên như huyện đồng bằng Bình Sơn, Tư Nghĩa… huyện miền núi Tây Trà lại vướng phải cái khó về vấn đề chăm sóc thú y, phòng trừ dịch bệnh. “Trên địa bàn huyện Tây Trà, hiện vẫn chưa có cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng như thức ăn chăn nuôi nào. Do kinh tế còn quá khó khăn, nên khi vật nuôi bị bệnh, người dân không kham nổi chi phí điều trị. Hơn nữa, điều kiện đi lại còn khó khăn, nên bà con cũng chẳng mặn mà với việc thông báo tình hình vật nuôi bị bệnh cho cán bộ thú y”, ông Phạm Trung Thông - Trạm trưởng Trạm thú y huyện Tây Trà chua xót.

“Đối mặt” trước thách thức mới

Trong khi những khó khăn, khúc mắc của người nông dân vẫn chưa được gỡ rối, thì giờ đây, họ sắp phải tiếp tục đối diện với luồng cạnh tranh mới. Việc tham gia AFTA đồng nghĩa với việc hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ được giảm thuế. Vào AFTA, từ năm 2015, thuế nhập khẩu gia cầm sẽ bằng 0%, từ năm 2018 sẽ áp dụng với thịt heo và thịt bò. Điều này sẽ tạo cơ hội cho những sản phẩm chăn nuôi giá rẻ, chất lượng tốt từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… ồ ạt vào nước ta.

Chị Nguyễn Thị Thương, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP.Quảng Ngãi cho biết: “Những năm gần đây, thịt gà đông lạnh luôn là sự lựa chọn số 1 của chúng tôi. Bởi nếu giá gà ta lúc thấp nhất cũng đã hơn 60 nghìn đồng/kg, thì gà đông lạnh ngoại nhập chỉ vào khoảng 30-40 nghìn đồng”.

Trước sức ép cạnh tranh mới, liệu người nông dân có đủ sức chống đỡ, khi hiện tại, phần lớn sản phẩm chăn nuôi của nông dân tỉnh ta chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình? Những yếu tố vệ sinh chuồng trại cùng hàng loạt điều kiện về thú y, chăm sóc... hầu như vẫn chưa thật sự được bà con quan tâm đúng mức. Hơn nữa, vấn đề liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm... vẫn chỉ là người chăn nuôi trong tỉnh phải “tự bơi”.

Ông Lê Văn Khoa - Phó Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn kiến nghị: “Để sản phẩm chăn nuôi tỉnh ta có thể đứng vững khi hội nhập vào AFTA, thì các ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo con giống, đầu tư yếu tố an toàn dịch bệnh và tăng cường tìm đối tác để gỡ khó về đầu ra sản phẩm cho người nông dân. Nếu không, người nông dân sẽ phải thua cuộc khi cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập”. Tuy nhiên, theo ông Khoa, để thực hiện được cả 3 điều trên, không phải là việc dễ dàng. “Đón đầu” AFTA, huyện Bình Sơn đã đẩy nhanh được việc chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn về môi trường nuôi. Riêng yếu tố thứ 3 về liên kết, tìm đối tác để giải quyết đầu ra sản phẩm, thì huyện chỉ có thể chờ đợi từ cấp trên vì không đủ lực.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.