Chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67: Động lực mới cho kinh tế biển

01:08, 07/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 67/2014/NĐ – CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành là tin vui đối với ngư dân (có hiệu lực vào ngày 25.8 tới). Những ngày này, các ngân hàng đã tập trung vốn, cải cách thủ tục vay để sẵn sàng giải ngân cho các ngư dân, các đơn vị, tổ chức phát triển thủy sản.

TIN LIÊN QUAN


Phấn khởi với chính sách mới

 Nghe thông tin Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, chủ cơ sở đóng mới cải hoán, nâng cấp tàu thuyền Lê Văn Phương, thôn Tân An xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vui mừng: “Khi nghị định có hiệu lực, tôi sẽ vay vốn ngân hàng để mua máy mới, đầu tư thiết bị để sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền để cơ sở của mình bề thế hơn, chứ lâu nay không dám nhận đóng nhiều tàu vì cơ sở của mình còn khiêm tốn quá”.

 

Với cơ sở nhỏ hẹp, vốn ít, chưa có điều kiện đầu tư, nhiều chủ cơ sở đóng mới tàu thuyền trong tỉnh đang chờ Nghị định 67 có hiệu lực.
Với cơ sở nhỏ hẹp, vốn ít, chưa có điều kiện đầu tư, nhiều chủ cơ sở đóng mới tàu thuyền trong tỉnh đang chờ Nghị định 67 có hiệu lực.


Cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu thuyền của anh Phương có 10 công nhân đều có kinh nghiệm lâu năm. Một năm cơ sở anh đóng từ 30 – 40 chiếc tàu có công suất từ 350CV – 450CV. Theo lệ lâu nay, ngư dân đóng tàu ứng  trước cho cơ sở 70% giá trị con tàu. Số tiền còn lại chủ cơ sở phải tự lo cho đến lúc con tàu hoàn thành hạ thủy thì mới được thanh toán. Tuy nhiên, không ít trường hợp chủ tàu vì khó khăn nên sau khi nhận tàu vẫn… khất nợ. Thế là anh Phương đành ôm nợ và buộc phải vay mượn ngân hàng. Những lúc lãi suất cao ngất ngưởng (đến 11,1%/năm), anh cũng đành chịu vì để giữ mối với khách hàng.

Quảng Ngãi hiện có khoảng 2.700 chiếc tàu có công suất trên 90CV tham gia đánh bắt hải sản từ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ cho đến vùng biển Tây Nam Bộ. Phần lớn các tàu này đều đóng bằng vỏ gỗ, thiết bị, ngư lưới cụ thiếu nên khi bão tố đến rất đáng lo ngại. Thế nên bà con ngư dân muốn nâng cấp, đóng mới tàu để vững lòng vươn khơi. Do vậy, Nghị định 67 ra đời đã giúp ngư dân thoả mãn ước mơ vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngân hàng sẵn sàng tiếp vốn

Sau khi Nghị định ban hành, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đề xuất với Chính phủ gói tín dụng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển thủy sản. Đầu tháng 6 vừa qua, BIDV đã triển khai cho vay vốn lưu động với lãi suất 5%/năm hỗ trợ các chi phí khai thác, hậu cần, thu mua hải sản đối với ngư dân, hộ gia đình tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa mà chủ yếu là đội tàu đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1.

Ngoài ra, BIDV cũng dành gói 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp thi công đóng tàu nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đóng tàu đảm bảo tiến độ đóng mới tàu cho ngư dân và chủ tàu. Ngân hàng này cũng đã dành gói 5.000 tỷ đồng theo hình thức BT, cho vay ứng trước đối với chương trình phát triển thủy sản do Nhà nước bố trí vốn.  Trong đó, gói 4.500 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản và gói 500 tỷ đồng gia tăng năng lực chế biến hải sản, cá ngừ đại dương.  Hiện nay, hệ thống ngân hàng BIDV đã chuẩn bị nguồn vốn, thủ tục, hồ sơ để triển khai sau Nghị định có hiệu lực vào ngày 25.8.

 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.