"Tổ đội Hoàng Sa" đầu tiên ở Lý Sơn

10:07, 13/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 32 năm qua, thuyền trưởng của 2 tàu cá chuyên đánh bắt ở Hoàng Sa luôn sát cánh bên nhau trong mỗi hải trình. Hôm nay, dẫu tuổi đã ngoài 60, họ vẫn cùng nhau cầm lái những con tàu đi biển. Cặp đôi ấy là biểu hiện sinh động của tình đoàn kết vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

TIN LIÊN QUAN

“Đôi bạn Hoàng Sa”

Chúng tôi đã may mắn gặp “Đôi bạn Hoàng Sa” trên đất đảo Lý Sơn. Đó là ông Dương Minh Thạnh (60 tuổi), thuyền trưởng, chủ tàu cá QNg 96509TS và ông Nguyễn Lợi (60 tuổi), thuyền trưởng, chủ tàu cá QNg 96307TS. Cả hai ông cùng tuổi 60, cùng sinh ra và lớn lên ở xã An Hải. Họ say sưa kể cho chúng tôi nghe về tình bạn Hoàng Sa 32 năm dài gắn bó, giúp nhau vượt qua bao hoạn nạn, không một chút xích mích, giận hờn.

 

“Tổ đội Hoàng Sa” của Lý Sơn ra khơi.
“Tổ đội Hoàng Sa” của Lý Sơn ra khơi.


Đảo Lý Sơn vào những năm 1980, nghề đánh bắt xa bờ chưa phát triển như bây giờ. Ngư dân đi biển chủ yếu là thúng chai, tàu gỗ 5 – 7 CV, tối ra khơi sáng vào bờ. Biển bình yên, cuộc sống ngư dân cũng bình yên như biển. Đôi bạn chài Dương Minh Thạnh và Nguyễn Lợi thuở ấy chỉ mới 28 tuổi. Sau bao năm đi biển gần bờ, cả hai đã có cùng suy nghĩ “phải đóng thuyền to để ra Hoàng Sa đánh cá”.

Cả hai chạy vạy vay mượn, gom góp được mỗi người hơn 30 cây vàng, tìm đến xưởng đóng tàu Bình Thạnh (Bình Sơn). Sau nhiều ngày tìm hiểu, hai ông quyết định đóng mỗi người một con tàu 16CV để đi đánh… cá chuồn! Khi ấy thuyền có mã lực cỡ này là “hạng A” rồi. Ông Dương Minh Thạnh nhớ lại: “Năm đó, hai chiếc tàu của chúng tôi là lớn nhất đảo. Đóng tàu xong, nợ bao vây nhưng trong lòng sướng lắm. Chúng tôi chọn ngày 16.2.1982, sau khi làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vài tiếng đồng hồ, nổ máy khởi hành đến Hoàng Sa. Sóng êm, biển lặng, tinh thần thoải mái, tàu đi một mạch 25 tiếng đã đến Hoàng Sa”.  

Tàu của ông Thạnh khi ấy mang số hiệu 073; còn tàu ông Lợi mang số hiệu 071. Ông Nguyễn Lợi bảo rằng: “Tàu ra đến Hoàng Sa là quăng lưới ngay. Cá nhiều vô kể. Hai anh em tôi neo tàu, quăng 5 mẻ lưới, tàu đã đầy ắp cá chuồn”. Cá chuồn thời ấy được bảo quản bằng cách muối mặn, chứ không phải muối đá như bây giờ. Chở cá cặp bờ Sa Kỳ, nhưng cá nhiều, nậu không mua hết. Hai ông lại nổ máy đưa thuyền ra tận Đà Nẵng để bán cá. “Phiên biển đầu tiên, trừ tổn, hai anh em tôi còn đổ được mấy cây vàng, trả bớt nợ cho người ta” – ông Dương Minh Thạnh hồ hởi khoe như thể chuyện ấy vừa xảy ra hôm qua, dù nó đã trôi qua 32 năm rồi.

Tình ngư phủ kết tình thông gia

Suốt chặng đường 32 năm bám biển, đôi bạn Thạnh – Lợi không phải chỉ toàn gặp may. Lão thuyền trưởng Dương Minh Thạnh kể rằng: “Đời tôi đến nay đã có 7 con tàu. Không phải vì tôi sắm được 7 chiếc tàu đâu nhé. Cứ chiếc này mất thì đóng chiếc khác. Mấy phen lao đao, nợ nần chồng chất, nhưng không đời nào ngồi bờ bỏ biển được”. Người thuyền trưởng cao niên này nhớ lại: “Năm 1986, tàu tôi gặp hỏa hoạn cháy rụi. 36 cây vàng mượn năm 1982 chưa trả hết, lại tiếp tục mượn đóng chiếc tàu mới.

Ông Nguyễn Lợi (trái) và ông Dương Minh Thạnh đôi bạn đi biển Hoàng Sa gắn bó với nhau suốt 32 năm qua.
Ông Nguyễn Lợi (trái) và ông Dương Minh Thạnh đôi bạn đi biển Hoàng Sa gắn bó với nhau suốt 32 năm qua.


Rồi 5 năm sau, tức năm 1991, khi tàu đang đánh cá ở Hoàng Sa gặp bão tới, không trở tay kịp. Gió giật cấp 12 xé toang con  tàu giữa biển khơi. May mà có ông Lợi cứu vớt, nếu không thân tôi và 12 anh em khác đã nằm lại Hoàng Sa rồi”. Ông Thạnh nhắc chuyện xưa, ánh mắt nhìn ông bạn già Nguyễn Lợi với sự biết ơn. Và cũng chính vì cái tình ngư phủ ấy, hai ông quyết kết tình sui gia. Con trai lão thuyền trưởng Dương Minh Thạnh “đón” con gái lão ngư Nguyễn Lợi về xây tổ ấm. Từ đó, hai ông lại có “cớ” để dựa vào nhau khắng khít hơn trong mỗi phiên biển Lý Sơn – Hoàng Sa cho đến tận bây giờ.

 Đoàn kết bảo vệ Hoàng Sa

Hai ông bạn này trong 32 năm đi biển của mình, còn nhiều lần cứu ngư dân Trung Quốc, nhường từng bát cơm, manh áo để giữ gìn mạng sống cho họ. Nhiều lần còn bỏ mẻ lưới trĩu cá ở Hoàng Sa để chở giúp ngư dân Trung Quốc bị nạn trên biển trở về bờ an toàn.

Ông Thạnh nhớ lại: “Khoảng tháng 8.1999, khi bão đổ bộ vào biển Đông, các tàu cá của ngư dân Trung Quốc đánh bắt gần đó đều tấp vào đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh bão. Có một chiếc tàu của ngư dân Trung Quốc đã bị gió giật đứt dây neo, tàu trôi vô định. Khi bão vừa tan, tàu của tôi ra cứu, dìu vào bờ an toàn”.

Câu chuyện đang hay bỗng ông Thạnh “bẻ” sang hướng khác với những lần bị tàu Trung Quốc vây ép, rượt đuổi. Ông Thạnh tặc lưỡi: “Chẳng biết đâu mà lần. Mình tốt với ngư dân Trung Quốc như thế nhưng lắm phen họ lại muốn hại ngư dân mình. Giờ ra Hoàng Sa mà thấy tàu bằng sắt của Trung Quốc mình phải chủ động tránh. Họ hung hãn, thủ đoạn với ngư dân mình lắm!”.

Hiện nay hai ngư dân Thạnh – Lợi vẫn là tấm gương can trường bám biển Hoàng Sa. Hai ông không ngừng đầu tư tiền tỷ để cải hoán tàu cá. Từ con tàu 16 CV đầu tiên đóng năm 1982, sau nhiều lần nâng cấp, đến nay tàu cá của ông Dương Minh Thạnh tới 400CV; tàu của ông Nguyễn Lợi 550 CV. Ngày xưa hai ông đi lưới chuồn, nay chuyển sang lặn hải sâm, bắt cá ngừ vi vàng – loại cá ngừ đại dương có giá trị xuất khẩu.

Thu nhập từ biển đã cho hai ông cuộc sống khấm khá, nhà to, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Cuộc sống khá đầy đủ, tuổi cũng đã bước qua 60 thế mà chẳng ông nào chịu… nghỉ hưu cả! “Tôi chưa thể nghỉ ngơi được. Còn sức khỏe, còn tàu mình vẫn cầm lái đến Hoàng Sa chứ. Có mình trên tàu, anh em thuyền viên có  thêm niềm tin, động lực bám biển. Đi biển coi vậy mà thú vị lắm” – ông Thạnh thổ lộ lòng mình.

Ngư dân Lý Sơn, đặc biệt là ngư dân trẻ, họ đã học ở “đôi bạn Hoàng Sa” này nhiều kinh nghiệm quý. Nhìn vào tình yêu biển của hai ông, lớp ngư dân trẻ có thêm động lực, tình yêu vô bờ đối với từng tấc biển quê hương. Còn với Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, “tình bạn, tình ngư phủ” của hai lão thuyền trưởng này đã trở thành ý tưởng để nghiệp đoàn xây dựng mô hình “Tổ đội Hoàng Sa” đoàn kết bám biển. “Chúng tôi kêu gọi ngư dân đoàn kết trên biển theo hình thức tổ đội Hoàng Sa một phần cũng từ thực tế hoạt động trên biển của đội tàu ông Thạnh và ông Lợi. Các ông ấy chính là “Tổ đội Hoàng Sa” đầu tiên của Lý Sơn đấy!”, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải thổ lộ.

Bài, ảnh: Thanh Nhị
 


.