Quản lý tổng hợp vùng đới bờ: Bài học từ thực tiễn

02:07, 31/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quản lý tổng hợp vùng đới bờ (QLTHVĐB) được coi là giải pháp hữu hiệu mà Việt Nam đã học được từ nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hạn chế suy thoái môi trường, bảo vệ tài nguyên và phát triển bền vững. Gần hai năm qua Quảng Ngãi đã triển khai QLTHVĐB, bước đầu đã rút ra những bài học giá trị từ thực tiễn để tiếp tục quản lý tốt công tác bảo vệ vùng đới bờ.

TIN LIÊN QUAN


Song hành với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đới bờ nước ta nói chung và Quảng Ngãi nói riêng thì môi trường và hệ sinh thái ở vùng này cũng ngày càng ô nhiễm và suy kiệt. Theo tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường,  đến nay đã có khoảng 100 quốc gia trên thế giới thấy được tầm quan trọng của việc cần phải quản lý tổng hợp đới bờ nên đã triển khai và thành công.

Rút kinh nghiệm từ các nước, Việt Nam đã tiến hành triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa mô hình QLTHVĐB áp dụng vào thực tiễn, thông qua một số dự án. Trong đó, Dự án VVA do Vương quốc Hà Lan hỗ trợ thực hiện trong 3 năm (1994 - 1996) thực sự tác động rất tích cực, với nhiều kinh nghiệm quý cho một số dự án triển khai sau đó như Dự án điểm trình diễn quốc gia về QLTHVĐB ở Đà Nẵng; Dự án QLTHVĐB Quảng Nam; Dự án quản lý tổng hợp Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Tại tỉnh Quảng Nam, mô hình QLTHVĐB đã triển khai quản lý tổng hợp đối với đảo Cù Lao Chàm. Đến nay, dân trên vùng đảo từ chỗ không biết nguyên nhân nào đã làm nguồn lợi suy giảm, ảnh hưởng thu nhập của cá nhân và kinh tế trên đảo, dần dần họ đã tiếp cận các khái niệm về bảo tồn biển. Họ đã hiểu được việc khai thác, đánh bắt tự do, bừa bãi; hủy hoại san hô là hủy hoại nơi trú ẩn của các loài sinh vật biển và cũng là nguyên nhân gây suy giảm nguồn lợi dẫn đến những khó khăn cho cuộc sống cộng đồng.

Mô hình QLTHVĐB ở Cù Lao Chàm thành công nhờ xây dựng được cơ chế phối hợp, huy động các bên tham gia, đặc biệt vai trò trung tâm của cộng đồng được khẳng định. Kế hoạch quản lý xây dựng và thực hiện với sự tham gia của các bên liên quan, xác định rõ mục tiêu, đối tượng, phạm vi và các nguồn lợi khác nhau; chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ủng hộ tham gia nhiệt tình…

Trên cơ sở này, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt phương án QLTHĐB vào ngày 4.5.2013. Trong quá triển khai gặp nhiều khó khăn. Bởi đây, là phương thức quản lý mới hoàn toàn. Các cấp, các ngành và địa phương chưa hiểu nhiều về phương thức này. Tuy nhiên, tỉnh cũng đã dần khắc phục và thực hiện được một số nhiệm vụ trọng tâm, thành lập Ban, văn phòng ban chỉ đạo, đại diện các sở ban ngành, các phòng chuyên môn biển và hải đảo...

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản để thực hiện, bước đầu đã tác động đến một số địa phương, đặc biệt là cán bộ, nhân dân huyện Lý Sơn. Đặc thù của Lý Sơn cũng giống Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam, nên trong quá trình triển khai huyện đã phối hợp giữa chính quyền với các phòng ban lồng ghép các phương thức hoạt động của dự án Cù Lao Chàm vào thực hiện. Về cấp tỉnh, cũng đã triển khai được một số nhiệm vụ, như điều tra đánh giá tài nguyên biển, tài nguyên rừng ngập mặn, đất ngập nước, điều tra hiện trạng xả thải, đánh giá môi trường vùng bờ…

Ông Đỗ Ngọc Vinh – Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, cho biết: Khó khăn trong việc quản lý tổng hợp đới bờ còn một nguyên nhân khác, là kinh nghiệm, đội ngũ làm quản lý tổng hợp chưa được đào tạo chuyên sâu, va chạm với thực tế chưa nhiều. Nếu có điều kiện, trong thời gian đến, Chi cục sẽ mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm tầm quốc tế và quốc gia nghiên cứu bảo vệ vùng đới bờ.    

Lâu nay sự phối hợp quản lý vùng đới bờ giữa các ngành, đơn vị trong tỉnh chưa nhịp nhàng. Như việc phá rừng, lấn sông để nuôi tôm, phát triển du lịch...  xét về kinh tế thì đem lại lợi nhuận cao, nhưng về môi trường thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, sở, ban, ngành, địa phương cần phối hợp hài hòa với nhau bảo vệ vùng đới bờ. Trong đó cần có một “nhạc trưởng” là Sở Tài Nguyên - Môi trường làm chủ công. Nhưng để chỉ huy tốt cần thành lập Ban điều phối, đứng đầu là phó chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Đỗ Ngọc Vinh cho biết thêm, trong thời gian đến, Chi cục sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo thông qua một số nội dung hoạt động quản lý đới bờ. Trên cơ sở này sẽ triển khai đến các địa phương, xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động quản lý tổng hợp đới bờ. Đây là cứ liệu để xây dựng quản lý tổng hợp đới bờ từ nay đến cuối năm 2015. Trong những tháng cuối năm 2014, Chi cục sẽ tổng hợp các cứ liệu vừa kiểm tra, rà soát, đánh giá. Qua đó, xây dựng cơ chế điều phối đa ngành; nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý tổng hợp đới bờ; xây dựng cơ sở khoa học phục vụ quản lý tổng hợp đới bờ... Đồng thời, Chi cục sẽ  học hỏi các tỉnh đã triển khai thành công các dự án QLTHVĐB như Đà Nẵng, Quảng Nam để áp dụng có chọn lọc vào QLTHVĐB ở Quảng Ngãi...

TRƯỜNG AN
 


.