Ngư dân nản lòng vì giá cá bị ép

07:07, 09/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Biển Đông “sóng gió”, ngư dân không chùn bước ra khơi, nhưng giá cả bấp bênh do đầu nậu ép giá, phá giá ở phía bờ, khiến nhiều ngư dân trong tỉnh gặp khó.  

TIN LIÊN QUAN


Nản lòng vì giá cá quá thấp

Đang mùa đánh bắt nhưng bến cảng Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi, không nhộn nhịp như mọi khi. Hơn 120 chiếc tàu làm nghề lưới chuồn nằm bờ sớm hơn những vụ mùa trước. Năm nay, ngư dân hành nghề lưới chuồn ở Nghĩa An, Nghĩa Phú, kết thúc mùa biển sớm hơn từ 1 đến 2 tháng. Ngư dân Lê Giúp, ở thôn Tân Mỹ, phàn nàn: Mặc dù ngư trường đánh bắt không còn thuận lợi, nhưng chúng tôi vẫn đều đặn ra khơi. Sản lượng đánh bắt không giảm, nhưng thu nhập lại không cao, do giá cá quá thấp. Điều này khiến nhiều anh em nản lòng...

Cá vào bờ, ngư dân vẫn lo…thất thu.
Cá vào bờ, ngư dân vẫn lo…thất thu.


Theo như nhiều ngư dân giá cá hạ bởi ở bến cảng Nghĩa Phú chỉ có vài “đầu nậu” gom mua cá của ngư dân. Khi thấy tàu thuyền về bến ngày càng dày, sản lượng cá lớn thì họ lập tức liên hệ với nhau hạ giá cá đồng loạt. Nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, cử tri Nghĩa An, Nghĩa Phú đã kiến nghị nhưng đến nay vẫn không thay đổi. Nhiều ngư dân đã linh hoạt cập bến Đà Nẵng, Nha Trang bán cá, nhưng sau vài chuyến biển, thì cũng bị “đầu nậu” phát hiện liên kết bằng điện thoại với nhau khống chế giá.

Không chỉ nghề lưới chuồn mà nghề câu cá ngừ đại dương mới manh nha hình thành ở xã Nghĩa An khoảng hơn 20 chiếc tàu, hoạt động ở Trường Sa và Hoàng Sa thì nay chỉ còn 10 chiếc hoạt động, nhiều tàu đã chuyển sang nghề khác. Một số tàu thì nằm bờ bởi sự ép giá của đầu nậu.

Kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào sâu trong vùng biển của nước ta, đã cản đường ra khơi của ngư dân, nhiều chủ tàu đã linh hoạt mở đường đi mới đến với ngư trường truyền thống đánh bắt. Theo đó, chi phí và thời gian cho một chuyến biển cũng vừa tốn lại vừa dài hơn. Nhưng, khi đánh bắt đưa cá vào bờ thì bị “đầu nậu” ép giá. Thấy không có lãi, thậm chí có tàu lỗ “tổn”, nhiều ngư dân đành phải cho tàu nằm bờ.

Mong ước có điểm thu mua ổn định

Ông Huỳnh Văn Minh - Tổ trưởng tổ đội nghề cá xã Nghĩa An, hoài niệm, ngày trước ở làng cá Nghĩa Phú có một trạm thu mua cá. Ngư dân chỉ lo chuyện ra khơi. Sau khi vào bờ, dù ngày hay đêm, miễn rằng thuyền khẳm đầy cá, là có tổ đội xuống tận khoang thuyền khuân mua. Cả người mua và chủ tàu bán cá đều thống nhất với nhau về giá cả được niêm yết công khai ở trạm. Mỗi loại cá có giá khác nhau. Cá tươi, cá ngâm đá lâu ở thùng đều thống nhất theo bảng giá. Bà con rất hài lòng về chuyện “được lòng người bán, phải lòng người mua”. “Bến cảng nhộn nhịp tàu thuyền nhưng không có tiếng í ới, la lối chửi bới, văng tục như bây giờ. Giá mà…”, ông Minh bỏ lửng câu nói nhìn về phía bến  cảng.

Nhà ông Minh có 3 chiếc tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Trước khi vào nghề này, ông cùng các con ông đã bỏ công sức tìm hiểu cách đánh bắt cũng như cách giữ được chất lượng cá. Thế mà, nhọc công đánh bắt, nâng niu con cá đưa về từ biển khơi, đã bị “đầu nậu” quyết định giá cả. “Anh em bạn thuyền mệt mỏi bám biển, nhưng rồi vẫn không có lãi nên đành tìm cách chuyển nghề”-ông Minh giãi bày.

Thời gian qua đã có nhiều sự tiếp sức để ngư dân vững lòng vươn khơi bám biển, song biện pháp lâu dài với những ngư dân đó là việc tìm đầu ra thật ổn định cho nguồn hải sản đánh bắt. Bởi đó mới là cách giúp cho họ yên tâm bám biển.

Bài, ảnh: MAI HẠ 

 


.