Mở rộng KKT Dung Quất: Cần những chiến lược mới

08:07, 25/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- KKT Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép mở rộng diện tích từ 10.300ha lên 45.332ha. Đây là cơ hội mới để KKT Dung Quất phát triển, nhưng đồng thời cũng có một lượng lớn người dân phải được tái định cư (TĐC), giải quyết việc làm.

TIN LIÊN QUAN

Khó khăn trong giải quyết việc làm

Theo thống kê của Ban Quản lý KKT Dung Quất, đến nay, có trên 3.500 lao động ở các xã trong KKT Dung Quất trong tổng số 7.000 lao động của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh hiện đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp tại KKT Dung Quất và KCN Tịnh Phong. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 3.700 lao động chưa qua đào tạo, hơn 3.100 người chưa có việc làm và xấp xỉ 700 hộ có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề. Phần lớn dân cư trên địa bàn KKT Dung Quất chủ yếu sống bằng các nghề truyền thống là nông nghiệp và đánh bắt hải sản.

 

Nhiều doanh nghiệp ở Khu Kinh tế Dung Quất đòi hỏi lao động có trình độ tay nghề cao.                 Ảnh: N.TRIỀU
Nhiều doanh nghiệp ở Khu Kinh tế Dung Quất đòi hỏi lao động có trình độ tay nghề cao. Ảnh: N.TRIỀU

Trong quá trình quy hoạch KKT Dung Quất, nhiều khu vực người dân bị thu hồi hết đất, không còn để sản xuất. Thế nhưng, nhiều lao động có học vấn thấp, chưa thích ứng kịp thời với lao động công nghiệp, nhất là những người lớn tuổi. Do đó, rất ít người dân ở các khu TĐC được vào làm việc ở các doanh nghiệp có dây chuyền thiết bị hiện đại.

Cú hích từ VSIP

Định hướng đến năm 2020, KKT Dung Quất tiếp tục phát triển mạnh các ngành công nghiệp, trọng tâm là thu hút đầu tư trên các lĩnh vực lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, luyện cán thép, đóng tàu… gắn với cảng biển nước sâu. Phấn đấu đến năm 2015, KKT Dung Quất thu hút đầu tư đạt 13 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Ngoài ra, khi tổ chức thi công các dự án của Khu công nghiệp - đô thị -  dịch vụ VSIP và nhiều dự án khác, khả năng thu hút lao động của các nhà thầu từ 10.000 - 14.000 lao động qua đào tạo chưa tìm được việc và lao động phổ thông trong vùng.

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, không sử dụng hết quỹ thời gian lao động trong nông nghiệp là tình trạng chung của lao động ở KKT Dung Quất. Ông Đỗ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Bình Sơn), cho biết: Để giải quyết việc làm cho bà con địa phương, xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung cho các hộ dân TĐC, giúp họ có điều kiện nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa được cơ quan chức năng chấp thuận, do vướng phải quy hoạch tổng thể khu công nghiệp phía tây của KKT Dung Quất.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn KKT Dung Quất, doanh nghiệp có lượng nhân lực lớn như Doosan Vina, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… thì đòi hỏi trình độ kỹ thuật của người lao động rất cao. Điều này cũng khiến cho lao động phổ thông không có “cửa” vào làm việc ở các đơn vị này. Còn các doanh nghiệp không đòi hỏi tay nghề quá cao, thì đã sử dụng máy móc vào hầu hết các công đoạn sản xuất, như các nhà máy dăm gỗ, gạch tuynel… Vì vậy, nhà máy thì cứ mọc lên, còn việc làm cho người dân thì vẫn xa ngái.

Ông Lê Văn Thái - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), cho rằng: Nguồn lao động vùng thu hồi đất trong KKT Dung Quất khá dồi dào, nhưng số không có việc làm, thiếu việc làm khá cao, trong khi doanh nghiệp vẫn khát lao động có tay nghề. Trên thực tế, cung và cầu, chính sách đào tạo và giải quyết việc làm trên địa bàn KKT Dung Quất vẫn còn rất nhiều bất cập. Hiện nay, trong KKT Dung Quất có gần 2.000 lao động được đào tạo ra trường không tìm được việc làm.

Để Đề án không nằm trên giấy

Trước nhu cầu phát triển, mở rộng KKT Dung Quất và giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án, năm 2014, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án đào tạo, giải quyết việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho lao động thuộc các hộ dân nhường đất cho dự án trong KKT Dung Quất giai đoạn đến 2015, với mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 3.600 lao động và tập huấn chuyển đổi ngành nghề cho 2.400 lao động các hộ gia đình tái định cư và bị thu hồi đất, giải quyết việc làm cho 5.000 lao động…
 

 

Lao động phổ thông có cuộc sống rất bấp bênh.
Lao động phổ thông có cuộc sống rất bấp bênh.

Dự kiến kinh phí thực hiện trên 64 tỷ đồng. Trước đó, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các doanh nghiệp sử dụng đất khi có nhu cầu sử dụng lao động phải ưu tiên tuyển dụng ít nhất 60% lao động phổ thông hoặc tuyển ít nhất 40% trở lên lao động có tay nghề thuộc các hộ di dời, nhường đất cho dự án.
 
Theo đề án của tỉnh, mỗi năm, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh thu hút khoảng 1.320 lao động trong tỉnh vào làm việc. Do đó, ngoài các dự án đầu tư chiến lược như lọc hóa dầu, công nghiệp nặng… tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức và cá nhân có điều kiện thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã sản xuất, dịch vụ, tổ hợp sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong KKT Dung Quất. Ngoài ra, lao động có nguyện vọng, đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn xuất khẩu lao động, đã được đào tạo nghề thì được cơ quan chức năng hỗ trợ tham gia xuất khẩu lao động.

Theo ông Lê Văn Thái, từ năm 2013 đến nay, hằng năm, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm cho người lao động tại địa bàn. Đồng thời tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, giúp họ tiếp cận nhiều hơn về cơ hội việc làm. Trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát thực tế nhu cầu tuyển dụng của tất cả các doanh nghiệp đóng trên địa bàn KKT Dung Quất, để từ đó, tỉnh có căn cứ để có giải pháp đào tạo nghề, sát với nhu cầu thực tế.

Ông Lê Văn Dũng - Phó Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất, cho biết: Trong thời gian đến, KKT Dung Quất sẽ dành quỹ đất để xây dựng các khu nông nghiệp, cụm kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ mới, gắn với công tác chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó thu hút lao động nông nghiệp, đồng thời cũng là mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ cho hộ dân cư trong vùng, nâng cao hiệu quả sản xuất và chăn nuôi.
 
Ngư dân sẽ được tăng cường đầu tư, nâng công suất tàu thuyền để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực để đến năm 2015, KKT Dung Quất có 50% lao động qua đào tạo nghề. “Dạy nghề phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội, gắn với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế” – ông Dũng nói.
 
Bài, ảnh: N.TRIỀU - K.NGÂN

 

.