Doanh nghiệp Quảng Ngãi: Chuyển hướng thị trường

08:07, 16/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 2 tháng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thị trường xuất nhập khẩu giữa hai nước đã có những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tái cơ cấu lại và có sự chuyển hướng, chuyển đổi trong hoạt động xuất nhập khẩu, để không quá phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

TIN LIÊN QUAN

Với các doanh nghiệp Quảng Ngãi, họ cũng đã có những bước đi cụ thể nhằm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác.

Tác động dây chuyền

Trong những sản phẩm xuất khẩu của tỉnh thì sản phẩm tinh bột mì, nguyên liệu giấy và các sảm phẩm nhập khẩu như nguyên vật liệu, hương liệu chế biến thực phẩm, máy móc phụ tùng thay thế, sắt thép hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Và khi thị trường này “biến động” thì nó đã tác động đến sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng này. Trong 6 tháng đầu năm nay, dăm gỗ nguyên liệu giấy chế biến ước đạt 99.500 tấn, giảm 33,8% so với cùng kỳ và sản phẩm tinh bột mì cũng mới đạt gần 23.000 tấn, giảm 32,6%. Không chỉ tác động đến sản xuất, xuất khẩu của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mà điều này cũng ảnh hưởng lây lan đến một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển.

 

Sản xuất bao bì tại Công ty CP Bao bì Việt Phú.
Sản xuất bao bì tại Công ty CP Bao bì Việt Phú.



Ông Nguyễn Duy Ngọc-Giám đốc Cảng Quốc tế Gemadept Dung Quất cho biết: Nếu như trong 5 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường thì từ tháng 6 đến nay, lượng hàng xuất qua cảng Gemadept giảm tương đối nhiều. Bởi phần lớn hàng hóa xuất đi từ cảng Dung Quất (chủ yếu là dăm gỗ) đều đến thị trường các nước Trung Quốc, Đài Loan. “Tính đến nay lượng hàng qua cảng mới đạt 750 nghìn tấn. Mọi năm đây là giai đoạn cao điểm của xuất khẩu, nhưng nay lại khá ảm đạm. Vì thế kế hoạch 1,6 triệu tấn hàng qua cảng trong năm nay sẽ khó đạt”-ông Ngọc dự tính.

Chuyển hướng để giảm sự phụ thuộc

Trong tháng 5 vừa qua, đoàn công tác của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã sang Indonesia nghiên cứu công nghệ, thiết bị chế biến mía đường. Đây là lần đầu tiên Công ty Đường chuyển hướng hợp tác ngoài “đối tác truyền thống” Trung Quốc. Ông Võ Thành Đàng-Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho hay, đây là bước đi đầu tiên của công ty nhằm từng bước giảm bớt sự phụ thuộc từ Trung Quốc. Không chỉ tìm kiếm, đa dạng đối tác làm ăn mà thay vì nhập thiết bị từ thị trường Trung Quốc phục vụ cho sản xuất như trước đây, thì nay Công ty đang định hướng chuyển sang mua thiết bị mà các doanh nghiệp trong nước sản xuất được.

 Trong khi đó, để ứng phó trước những biến động của thị trường,  Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cũng đã chủ động tìm hướng đi phù hợp. Nếu như những năm trước đây, sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc và Đài Loan thì hiện nay doanh nghiệp này đã tập trung nâng cấp sản phẩm (modify) để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm tinh bột mì, vừa đảm bảo cho đầu ra của sản phẩm đa dạng hơn. Ngoài thị trường Trung Quốc, Công ty mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh tinh bột mì sang Campuchia. Đối với mặt hàng cồn, Công ty củng cố thị trường Hàn Quốc và phát triển thị trường Singapore, Nhật, Úc. Đồng thời tiếp tục củng cố và tăng thị phần ở thị trường nội địa bằng việc cải tiến chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, từng bước nâng dần thương hiệu sản phẩm.

Trước những diễn biến của thị trường nước ngoài trong thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường. Và bước đầu doanh nghiệp đã thâm nhập vào các thị trường "khó tính" như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đối với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, doanh nghiệp cần mạnh dạn tái cấu trúc, linh hoạt tìm những nguồn hàng tương đương hoặc có chất lượng tốt hơn từ các nước thành viên trong ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí từ Mỹ, EU…

Có thể nói, trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu các nền kinh tế đều sẽ chịu những chi phối qua lại. Sau khi gia nhập WTO, hội nhập kinh tế của Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới khi chúng ta đang đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sâu rộng với các đối tác lớn nhất thế giới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cộng đồng kinh tế ASEAN, FTA với EU, Hàn Quốc… Điều này sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế, đặc biệt là hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế Trung Quốc.
 

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 


.