Ươi được mùa, núi rừng náo động (Kỳ 1)

09:06, 30/06/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Chưa bao giờ, “cơn lốc” thu hái hạt ươi tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi lại có "sức nóng" như hiện nay. Lợi nhuận "khổng lồ" từ hạt ươi đã khiến hàng nghìn người dân đổ xô lên các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây để khai thác ươi. Việc khai thác một cách ồ ạt của người dân đã dẫn đến nhiều hệ lụy... và không ít những cánh rừng ươi dần bị “xóa sổ”.
 
Kỳ 1: Đổ xô vào rừng nhặt "quả vàng"
 
Theo chu kỳ khoảng  4-5 năm ươi mới ra hạt một lần, uơi ra hạt tạo điều kiện cho bà con đồng bào miền núi có thêm nguồn thu nhập từ việc đi nhặt ươi. Năm nay ươi được mùa, được giá nên rất đông người dân ở các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây đổ xô vào rừng nhặt ươi để bán. Từ chỗ là loại cây không được quan tâm mấy, nay bỗng nhiên được giá nên người dân ví quả ươi là “ quả vàng” của rừng.
 
Kiếm tiền triệu mỗi ngày
 
Vào những ngày này, khắp những cánh rừng già thuộc huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây đâu đâu rộn ràng không khí người dân đua nhau đi nhặt ươi. Chúng tôi có mặt tại xã Sơn Lập vào lúc trời còn chưa sáng, nhưng dọc theo tuyến đường của xã chúng tôi đã gặp từng đoàn người nối nhau lên núi, để tìm nhặt  "lộc rừng".
 
Thấy nhóm người khoảng 5-6 người chuẩn bị vào rừng nhặt ươi đang ngồi nghỉ bên vệ đường, chúng tôi lân la bắt chuyện. Trò chuyện với chúng tôi, ông  Đinh Văn Hải (50 tuổi) ở thôn Nước Rin xã Sơn Lập- một người trong nhóm cho biết: "Ươi năm nay được mùa, giá lại cao, nhặt quả ươi thu nhập cao hơn nhiều so với công việc làm nương rẫy của bà con địa phương nên ở đây hầu như nhà nào cũng đi ươi. Cái rẫy để làm sau, phải vào rừng nhặt ươi đã, chậm chân là hết"-  ông Hải hồ hởi.
 
“Cơn lốc” hạt ươi "nóng" đến mức ở đâu cũng nghe đồng bào kể với giọng thật vui. Năm nay, ươi được giá, hiện nay mỗi ký ươi bay khô (trái ươi chín rụng) thương lái thu mua với giá từ 150 nghìn đồng/kg- 160 nghìn đồng/kg; ươi xô (vừa tươi, vừa khô) thương lái thu mua khoảng 100 nghìn đồng- 120 nghìn đồng. Bên cạnh đó, thương lái còn thu mua cả ươi tươi với giá 40 nghìn đồng - 50 nghìn đồng/kg.
 
So với mọi năm, năm nay ươi vừa được mùa, được giá
So với mọi năm, năm nay ươi vừa được mùa, được giá
 
Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, cây ươi phải trên 20 năm mới cho quả và có chu kỳ 4 năm cho trái một lần. Mùa ươi thường bắt đầu từ giữa tháng 6 kéo sang đầu tháng 8, khi trời mưa xuống là hết, vì ươi gặp nước bung nhựa, không bán được, nên người dân ai cũng tranh thủ.
 
Có nhiều cách thu hoạch loại quả này nhưng chủ yếu là bằng cách lượm. Quả ươi được giá nhất khi chúng đã chín và rụng xuống đất, còn gọi là “ươi bay”.
 
Trở về sau một ngày lặn lội trong rừng, cõng trên vai gần 10kg ươi, quệt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên trán, ông Đinh Văn Hớn (50 tuổi) ở xã Sơn Lập, cười tươi: “Đây là lần ươi được mùa nhất trong nhiều năm qua. Nhà của mình có ba người con thì cả vợ chồng mình và con cái đều vào rừng nhặt ươi. Từ đầu mùa ươi đến giờ, gia đình mình cũng đã kiếm được vài chục triệu rồi đấy. Tuy đi nhặt trong một thời gian ngắn và cũng khá vất vả, nhưng được cái là thu nhập cao bằng cả năm gia đình mình làm rẫy. "Sáng đi, chiều về có trong tay tiền trăm, tiền triệu, cái bụng đồng bào mình nó sướng lắm"- ông Đinh Văn Hớn nói thêm.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, bình quân mỗi ngày vào rừng, một gười có thể nhặt từ 6-7kg ươi, còn nếu "gặp may" một người cũng có thể nhặt được khoảng 9-10kg ươi. Với giá ươi hiện nay, mỗi ngày một người thu nhập không dưới 1 triệu đồng.  Có những gia đình một ngày đi “săn” kiếm vài triệu. Số tiền mà nằm mơ họ chẳng cũng chẳng thấy, khiến cho hạt ươi trở thành một “cơn lốc” thật sự giữa đại ngàn.
 
"Du mục" cùng ươi
 
Ươi được mùa, được giá nên không chỉ người dân địa phương tham gia nhặt ươi mà còn thu hút người dân ở khắp nơi đổ về đây nhặt ươi. Chưa có con số chính thức, nhưng theo ước tính của chúng tôi, mỗi ngày có đến hàng trăm người bỏ cả công việc thường ngày cơm đùm gạo gói lên vùng núi xã Sơn Lập (Sơn Tây) và xã Ngọc Tem (Kon Plông, Kontum)- nơi được mệnh danh là "trung tâm ươi" để nhặt "lộc rừng". 
 
Chọn cho mình khu vực "đóng đô" là gầm cầu trên tuyến đường liên xã nối từ xã Sơn Lập và xã Ngọc Tem (Kon Plông, Kontum), để tiện cho việc nhặt ươi, chị Định Thị Nết ở xã Sơn Thủy (Sơn Hà) cho biết, nhóm của chị gồm 5 người, đều ở xã Sơn Thủy, lên vùng này nhặt hạt ươi được gần 1 tuần. Sáng sớm cả nhóm kéo nhau lên rừng, “cắm mặt” trong rừng suốt ngày, chiều tối mới về điểm tập kết bán hàng cho thương lái, xong xuống gầm cầu nấu ăn, nghỉ ngơi, sáng hôm sau lại vào rừng.
 
"Gia đình khó khăn nên tranh thủ lúc ươi có giá mình cố gắng đi nhặt để dành dụm, chứ đi nhặt ươi khổ lắm, sống trên rừng thiếu thốn, thức ăn chủ yếu là mì tôm sống, chứ nhiều lúc ở trong rừng mấy ngày không có mang theo xoong nồi để nấu ăn được. Đấy là chưa kể, nhiều lúc đi còn gặp rắn, bò cạp núi, muỗi,  vắt... cắn, nguy hiểm lắm"- chị Nết bộc bạch. 
 
Ươi được mùa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân
Ươi được mùa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
 
“Săn” hạt ươi giờ đã thành công việc mang lại thu nhập khá cao cho người dân ở vùng núi. Theo những người đi nhặt hạt ươi, những ngày trước họ đã lùng sục quanh cánh rừng huyện Sơn Hà, Sơn Tây. Tuy nhiên, do số người khai thác quá nhiều, ươi cũng hết dần. Vì vậy, họ phải đi xa qua địa phận bên tỉnh Kon Tum mới còn hạt ươi khai thác. 
 
"Bên xã Ngọc Tem ươi chín rất nhiều, nên chúng tôi dựng lều ở hẳn trong rừng sát với xã Ngọc Tem để khai thác 9-10 ngày mới về nhà. Tuy nhiên, rất nhiều người giành nhau khai thác ươi cũng như gặp phải sự truy đuổi quyết luyệt của lực lượng chức năng bên xã Ngọc Tem nên việc lấy được hạt ươi không dễ dàng” - ông Đinh Văn Nha ở xã Sơn Tân (Sơn Tây) cho biết. 
 
Theo ông Nha, bên cạnh việc nhặt những quả ươi khi chín bay xuống đất thì người đi tìm ươi thường phối hợp với nhau thành từng nhóm độ 5 người trở lên. Trong đó có ít nhất một người biết leo trèo, bởi cây ươi có độ cao trung bình từ 30m trở lên, thân thẳng, lên tới đọt mới phân nhánh, muốn hái được trái phải leo lên rung nhánh cho ươi rơi xuống. Đây là công việc rất nguy hiểm không phải ai cũng làm được nên người leo cây là người quan trọng nhất. 
 
Dù phải đi giữa rừng từ tờ mờ sáng cho tới chập tối rất vất vả, nhưng với những người đi nhặt hạt ươi, bù lại cho những vất vả đấy là nguồn thu nhập khá để trang trải cuộc sống gia đình...
 
 
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 

.