Màu xanh trên vùng cát trắng

08:06, 25/06/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ trước đây là vùng đất ven biển khô cằn, đầy cát. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Quy Thiện đã vực dậy, đi đầu trong sản xuất nông nghiệp của địa phương nhờ sự cần cù, mạnh dạn trong sản xuất của người nông dân.
 
 
“Mang” điện ra đồng 
 
Từ UBND xã Phổ Khánh, men theo con đường bê tông dài khoảng 4km, qua khỏi thôn Phước Điền là đến thôn Quy Thiện. Cùng một điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nhưng dọc 3 thôn ven biển khác như Phước Điền, Trung Hải, Phú Long chỉ là những ruộng mì, ruộng bắp khô héo. Còn ở Quy Thiện, dù đang là mùa khô nhưng khắp nơi, đâu đâu cũng thấy một màu xanh tươi tốt của cây trồng. 
 
Không khuất phục trước thiên nhiên, được sự đồng ý và hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ năm nhiều năm nay, gần 350 hộ dân ở thôn Quy Thiện đã dày công đầu tư, kéo điện ra đồng, khoan giếng, sắm máy bơm để khai thác nguồn nước ngầm. 
 
Có điện, nuồn nước tưới chủ động, người làm nông nghiệp ở Quy Thiện đã phá được thế độc canh các loại cây chờ nước trời và chuyển dần sang lối đa canh, xen canh với nhiều chủng loại cây trồng phong phú, đa dạng.
Có điện, nguồn nước tưới chủ động, người làm nông nghiệp ở vùng đất cát Quy Thiện đã phá được thế độc canh và chuyển dần sang lối đa canh, xen canh với nhiều loại cây trồng phong phú, đa dạng.
 
Ở Quy Thiện, chỉ cần khoan giếng là có nước, đây là điều thuận lợi nhất. Ông Trương Thi, xóm 31, một trong những người tiên phong trong việc kéo điện ra đồng ở Quy Thiện cho biết: Ban đầu chỉ có vài hộ tham gia. Về sau, nhận thấy vai trò nguồn nước trong việc phủ xanh cát trắng, cả thôn đã cùng nhau hưởng ứng và giúp đỡ lẫn nhau trong việc khoan giếng.
 
Trước đây khi không chủ động nước tưới nên người dân chỉ trồng được một vụ cho năng suất thấp hoặc phải điều chỉnh vụ mùa theo nước trời. Không ít diện tích đất bị bỏ hoang hoặc canh tác cầm chừng. 
 
Từ ngày có nước, người dân đã chủ động hơn trong việc tưới tiêu cho cây trồng. Khoảng 4 giờ sáng, khắp các cánh đồng ở Quy Thiện sáng rực như ban ngày, đó là lúc người dân bắt đầu cho một ngày làm việc với công việc tưới nước. Vì thế, gần 200ha đất canh tác luôn được phủ một màu xanh mượt.
 
“Khi chưa chủ động được nguồn nước, kinh tế của người dân chỉ bám trụ vào nghề biển. Một số không làm biển phải tha phương. Khi có nước thường xuyên, sản xuất nông nghiệp phát triển, rất nhiều người đã quay trở về với quê hương làm kinh tế…” ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho hay.
 
Đất khó cho “quả ngọt”
 
Có được nguồn nước tưới chủ động, người dân Quy Thiện đã phá được thế độc canh các loại cây chờ nước trời như mì, bắp và chuyển dần sang lối đa canh, xen canh với nhiều chủng loại cây trồng phong phú, đa dạng, cho thu nhập cao. 
 
Cây tiêu đang được người dân Quy Thiện trồng từ 3 năm nay. Đây là loại cây công nghiệp dài ngày, có giá trị xuất khẩu cao. Đặc biệt, sản lượng và năng suất ngày một tăng. Người dân ở Quy Thiện đã chọn và họ đã đúng. Thu nhập từ trồng tiêu đã giúp nhiều hộ từ chỗ “xóa đói giảm nghèo”, vươn lên làm giàu.
 
Ông Võ Minh Ba (59 tuổi, xóm 33)- một trong những nông dân tiêu biểu trong thôn cho biết, chỉ cần trồng một sào tiêu, với giá bán 170.000 đồng/1kg như hiện nay, chúng tôi có thể thu về khoảng 60 triệu đồng mỗi năm.
 
Quy Thiện còn nổi tiếng với các loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao như mãng cầu, thanh long...
Quy Thiện còn nổi tiếng với các loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao như mãng cầu, thanh long...
 
Ngoài tiêu, Quy Thiện còn nổi tiếng với các loại cây ăn quả. Không ít người ví nơi đây giống như một “Nam Bộ thu nhỏ”, với nhiều chủng loại, chất lượng thơm ngon như thanh long, mãng cầu. Chỉ “trồng cho vui” trong vườn, các loại cây cây ăn quả này đem về cho ông Ba mỗi năm 20 triệu đồng.
 
Cùng thôn với ông Ba, gia đình bà Trà Thị Út (56 tuổi) cũng rất thành công với mô hình trồng mãng cầu trên vùng đất cát này. Dẫn chúng tôi tham quan 6 sào mãng cầu (3.000m2), bà Trà Thị Út nói, nếu như 10 năm trước bà không mạnh dạn chuyển đổi từ trồng điều sang mãng cầu thì gia đình bà không có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Theo tính toán của bà Út, mỗi năm chỉ bỏ khoảng 10 triệu đồng tiền công chăm sóc và phân bón, vợ chồng bà thu về hơn 80 triệu đồng mỗi năm.
 
“Một trong những yếu tố dẫn đến thành công trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp là nước tưới. Đồng thời, người dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bởi làm nông nghiệp thời buổi này mà không có kỹ thuật thì độ rủi ro, thất bại rất lớn", bà Võ Thị Tranh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Khánh cho hay.
 
Song song với việc trồng trọt, nhiều hộ nông dân còn kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi bò vỗ béo. Họ đã tận dụng chất thải từ chăn nuôi để bón cho cây trồng và lấy sản phẩm trong trồng trọt đầu tư trở lại cho chăn nuôi. Cách làm này tuy không mới, nhưng đã giảm chi phí đầu tư và giảm thiểu được việc gây ô nhiễm môi trường, lại thu được hiệu quả kinh tế cao. Toàn thôn có đến 200 hộ đang kết hợp trồng trọt với nuôi bò vỗ béo với khoảng 800 con. Thu nhập bình quân từ nuôi bò vỗ béo đã đem lại thêm cho người nông dân từ 30 - 40 triệu đồng mỗi năm.
 
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.