Mặt trái của những rừng keo -Kỳ 2: Bài toán môi trường cho trồng rừng nguyên liệu

07:06, 14/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước việc trồng keo thiếu quy hoạch và khai thác gỗ keo ồ ạt gây nên tác hại nghiêm trọng cho môi trường, thì việc trồng gỗ keo như thế nào để hạn chế sự tác động xấu đến môi trường là điều mà Quảng Ngãi cần quan tâm.

TIN LIÊN QUAN

 Những khuyến cáo

 Khi đề cập đến vấn đề trồng và khai thác gỗ keo thiếu quy hoạch dẫn đến gây suy thoái nghiêm trọng về môi trường, ông Nguyễn Quốc Tân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) phân tích: Trước đây, Quảng Ngãi vẫn còn nhiều đồi núi không có cây xanh, chủ trương của Chính phủ và tỉnh là trồng cây để "phủ xanh đất trống đồi núi trọc", nhằm mục đích vừa đem lại kinh tế và tăng mật độ che phủ của rừng, hạn chế cạn kiệt nguồn nước, xói mòn đồi núi.

Thế rồi, cây keo đã đứng chân được trên các đồi núi, nhưng nó chỉ đem lại giá trị kinh tế, còn về môi trường thì đã và đang góp phần làm biến dạng đồi núi, xói mòn đất đai, phá vỡ cả hệ sinh thái. Bởi, với cách thức khai thác keo đồng loạt và phá đất đồi để làm đường vận chuyển như hiện nay đã và đang gây nên hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường. Một thực tế cho thấy, việc trồng cây keo không còn dưới đồi thấp mà tận trên các đồi cao. Khi khai thác đồng loạt, thì tất cả các hệ sinh thái bị phơi bày, không giữ được đất, khi gặp mưa thì nó sẽ bào mòn xói lở, không giữ được nước. Việc mở đường lên đỉnh núi khai thác keo, vô hình chung đã tạo thành rãnh thoát nước lớn, gây xói mòn, trượt lở đất nhanh hơn.
 

 

Khuyến cáo người dân trồng keo khai thác đúng chu kỳ để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Khuyến cáo người dân trồng keo khai thác đúng chu kỳ để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Tân thì ngành chức năng cần phải tính toán lại việc quy hoạch và quản lý cách thức trồng rừng. Cần tính toán lại cách thức mở đường để khai thác, đừng biến "con đường keo" thành những khe suối để thoát nước trên các núi cao.

Còn ông Huỳnh Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, mỗi mùa mưa lũ thấy núi bị xói mòn và những cánh đồng bị sa bồi thủy phá huyện rất lo ngại. Huyện đã triển khai đề án trồng keo và  xen canh cây bản địa để bảo vệ đất rừng, với tỷ lệ 60% cây keo thì 40% cây bản địa. Đồng thời, cũng khuyến cáo bà con, khi khai thác phải giữ lại cây trên chóp đồi để mưa xuống hạn chế xói mòn, sạt lở đất. Huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng, hướng dẫn cho dân cách mở đường và san bằng sau khi khai thác, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, khuyến cáo cũng chỉ là khuyến cáo chứ chẳng mấy ai chấp hành. Thậm chí mỗi mùa khai thác keo nếu đường đã mở lên sườn núi bị sạt lở, thì họ lại mở đường khác nên núi ngày càng bị xẻ ngang, xẻ dọc.  

Ông Trần Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục lâm nghiệp (Sở NN&PTNT) cho biết, theo quy trình khai thác rừng trồng sản xuất tại điều 19 Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20.5.2011 của Bộ NN và PTNT quy định, khai thác gỗ rừng trồng tập trung bằng vốn do chủ rừng tự đầu tư hoặc Nhà nước hỗ trợ bằng phương thức khai thác. Riêng đối với rừng sản xuất do chủ rừng tự quyết định, nhưng nếu khai thác "trắng" phải trồng lại rừng mới ngay vụ trồng tiếp theo để ngăn chặn sự xói mòn và việc trồng rừng sản xuất phải đúng quy hoạch, chứ không thể muốn trồng ở nơi nào thì trồng. Quy định là như vậy nhưng thực tế khác xa, hộ trồng keo cứ trồng, rồi "ồ ạt" mở đường khai thác bất chấp những hệ lụy về môi trường đã xảy ra.

Mô hình "trồng rừng hỗn giao"

Ông Ngô Hữu Hạ - Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư (Sở NN&PTNT), cho rằng việc khai thác keo không đúng chu kỳ và ngày càng mở rộng diện tích, một phần cũng là do thị trường điều phối. Hiện ở Quảng Ngãi nhà máy chế biến dăm gỗ mọc lên ngày càng nhiều, không chỉ ở đồng bằng mà ngay các huyện miền núi. Dân thấy lợi ích của việc trồng keo, nên trồng và khai thác ồ ạt, dẫn đến xói lở đất đai, ảnh hưởng môi trường.

Trước thực tế này, Trung tâm đã triển khai mô hình "trồng rừng hỗn giao" ở hai huyện Sơn Tịnh và Sơn Tây. Mỗi điểm 5ha theo hình thức 200 cây gỗ bản địa (gồm sao đen, dầu rái, gỗ lim), xen lẫn với 1.500 cây keo/ha. Đồng thời, Trung tâm cũng có ý định trồng xen cây xà cừ theo bờ biên để sau thu hoạch keo, thì cây bản địa vẫn đứng trên chân đất núi, vẫn giữ màu xanh cho rừng để sau 15 năm khai thác cây xà cừ và các cây bản địa sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.  

Hiện nay, Trung tâm cũng nghiên cứu triển khai mô hình trồng cây Thiên Ngân (loại cây vừa lấy gỗ, vừa lấy dăm) hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn cây keo. Khi các mô hình này triển khai thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao sẽ góp phần giảm áp lực trồng, khai thác, lấy dăm gỗ keo ồ ạt như hiện nay, hạn chế sự suy thoái môi trường... Tuy nhiên mô hình này còn phải chờ  hiệu quả bởi cây trồng xen này phải mất nhiều năm sau mới lớn, mới ngăn chặn tác hại của việc xói mòn đất ảnh hưởng môi trường.  

Đi đôi với việc thực hiện mô hình này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đề nghị cần quy hoạch việc trồng cây gỗ keo để từng vùng đồi núi có nơi cây đến tuổi thu hoạch thì có nơi cây đang lớn sẽ hạn chế việc xói mòn đất, góp phần bảo vệ môi trường.

Đây là những mô hình cần khuyến khích. Bên cạnh đó, nên chăng, tỉnh cũng cần có cuộc hội thảo về ảnh hưởng môi trường từ việc trồng keo để qua đó đưa ra biện pháp phù hợp hạn chế sự hủy hoại môi trường đang rất nghiêm trọng như hiện nay.
 
Bài, ảnh: MAI HẠ
 

.