Mặn mòi cá "đoàn"

06:06, 22/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 1-5 âm lịch hàng năm là mùa cá “đoàn”- cách mà ngư dân đặt cho những loại cá nhỏ đi theo bầy và thường hay vướng vào lưới. Để rồi sau mỗi phiên biển, khi cập về bờ, chủ tàu phải huy động tất cả thuyền viên, thậm chí thuê thêm người mới giũ sạch được lưới ...

TIN LIÊN QUAN

Khổ vì cá “đoàn”

Ngay từ sáng sớm, cảng cá Tịnh Hòa, xã Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) đã rộn ràng. Xen lẫn trong mùi cá tanh nồng, là tiếng người í ới gọi nhau đi gỡ cá. Mẻ lưới đầy mang về cho ngư dân nhiều hải sản có giá trị, nhưng cũng kèm theo nỗi “phiền toái”, khi cá “đoàn” lũ lượt “rủ” nhau dính vào lưới. Cật lực “giũ” suốt 4 tiếng đồng hồ, nhưng vẫn chưa sạch được lưới, anh Nguyễn Tấn Hải ở xã Tịnh Hòa, mỏi mệt cho hay:  “Mỗi lần tàu cập cảng là anh em lại nhờ tôi ra giũ lưới. Tới mùa, là mấy chủ tàu lại khổ vì gặp phải cá “đoàn”. Có bữa, cá dính vào nhiều quá, mười mấy anh em phải giũ từ sáng tới chiều mới xong”.

 

Ngư dân cật lực giũ sạch cá “đoàn” ra khỏi lưới.
Ngư dân cật lực giũ sạch cá “đoàn” ra khỏi lưới.


Còn tại cảng cá Lý Sơn, mỗi lần đến mùa cá “đoàn” là các chủ tàu lại phải chấp nhận bỏ ra 1 triệu đồng chỉ để thuê một người giũ lưới trong 3 giờ đồng hồ. Nhưng cũng chẳng mấy ai mặn mà. Bởi lẽ: “Có lần, đến mùa cá đoàn, cánh xe ôm chúng tôi rủ nhau nghỉ làm để đi giũ lưới, 1 triệu đồng trong 3 tiếng, đâu phải là ít. Nhưng được 1 ngày là bỏ cuộc. Bởi loài cá ấy, về đến bờ là không còn tươi nữa. Chỉ cần thứ nước cá bắn vào là người bị phồng rộp cả lên và ngứa ngáy cả tuần không khỏi”, ông Nguyễn Lộc, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn ngao ngán.

Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân hành nghề lâu năm trên biển, loài cá “đoàn” tuy nhỏ bé, nhưng một khi mắc vào lưới, chúng sẽ “đồng tâm hiệp lực” rủ nhau bơi ngược xuống đáy biển. Vậy nên nếu chẳng may vướng phải luồng cá “đoàn” khổng lồ, nếu không cẩn thận thì tàu có thể bị cá “kéo” chìm như chơi. Bởi thế, với ngư dân, cá “đoàn” trở thành nỗi ám ảnh.

Tiểu thương phấn khởi

Thứ cá đi theo bầy mà các ngư dân  phải lắc đầu chào thua ấy, tưởng chừng như chỉ có thể vứt đi, nhưng lại là cả cơ nghiệp của nhiều người. Bằng cách thu mua lại rồi trộn thêm muối để chuyển vào đất liền bán cho những cơ sở làm mắm, ông Lê Đức Thọ ở xã An Vĩnh (Lý Sơn) đã kiếm được tiền triệu mỗi ngày. “Ngày ít thì cũng nửa tấn, ngày nhiều có khi lên đến 20-30 tấn. Cứ thế, tôi thu mua hết  để chuyển vào đất liền bán cho những người làm mắm”.

Có mặt tại cảng cá ngay từ sáng sớm, sau khi thu mua cá “đoàn” từ các chủ tàu với giá 5.000 nghìn đồng/kg (lúc cá nhiều thì chỉ còn 1.500 đồng/kg), ông Thọ sơ chế ngay trên cảng rồi dồn vào bao tải chuyển vào đất liền. Bình quân mỗi kilôgam, ông hưởng chênh lệch khoảng 500- 1.000 đồng. Vậy là chỉ cần một ngày thu mua được 10 tấn, ông đã có thể bỏ túi từ 5- 10 triệu đồng. Tuy nhiên, con số 10 tấn chỉ là mức trung bình, còn vào mùa cao điểm, nhất là tháng 4, tháng 5 hằng năm, mỗi ngày ông thu mua từ 20-30 tấn từ các tàu cá. Không chỉ giải quyết được lượng cá “đoàn” cho ngư dân, ông Thọ còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động trên đảo.

Quần quật cả ngày bên những mẻ cá “đoàn”, cái nghề tưởng như chỉ là thu gom “phế phẩm” của biển này, lại mang về cho ông Thọ một nguồn thu nhập đáng mơ ước. “Qua bao nhiêu đợt giũ lưới, cá mềm oặt lại, quyện vào muối tạo thành vị mắm rất thơm và mặn mòi”- ông Thọ cười tươi nói.

 

Bài, ảnh: Ý THU

 


.