Công nhân thủy nông: Lắm nỗi nhọc nhằn

11:06, 25/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng liên tục kéo dài, vụ hè thu đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Điều này đã khiến cho công tác điều tiết, cung ứng nước tưới của cán bộ thủy nông càng trở nên nhọc nhằn hơn.

Những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi theo chân các công nhân thủy nông (trực thuộc Trạm thủy nông số 4) ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành đang làm công việc điều tiết nước tưới. Trong cái nắng như thiêu như đốt, anh Lê Xuân Cường, một công nhân thủy nông vẫn hì hục vớt từng mảng rác bám dưới lòng kênh để khơi thông dòng chảy, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.

 

Công nhân Trạm thủy nông số 4 đang vớt rác tại tuyến kênh N14, xã Hành Minh.
Công nhân Trạm thủy nông số 4 đang vớt rác tại tuyến kênh N14, xã Hành Minh.


Đối với anh Cường và các cán bộ thủy nông khác, đây là công việc thường xuyên và liên tục. Anh Cường chia sẻ: “Ngày nào anh em chúng tôi cũng phải đi dọc các tuyến kênh để vớt rác, khơi thông dòng chảy. Bởi nếu không vớt thì rác sẽ làm tắc nghẽn dòng chảy, nước không về đồng được. Khổ nỗi ý thức của người dân còn thấp nên vứt rác bừa bãi, nhất là xác xúc vật. Có những hôm vớt rác xong anh em bỏ cơm luôn”.

Hiện tại, Trạm thủy nông số 4 đảm nhận quản lý 15 tuyến kênh, với tổng chiều dài trên 35km. Bình quân mỗi cán bộ, công nhân thủy nông phải quản lý đoạn kênh dài khoảng 4 - 5km. “Làm cán bộ thủy nông dường như chẳng có ngày nghỉ. Mùa hạn thì đội nắng, đội gió lo việc điều tiết nước sao cho hợp lý để từng chân ruộng phải có nước sản xuất. Còn mưa thì không lo thiếu nước mà lo việc kiểm tra, bảo dưỡng kênh vì sợ mưa gió làm sạt lở, vỡ kênh là ngập ruộng gây hư hại hoa màu”, ông Nguyễn Ba, một công nhân thủy nông tâm sự.

Khó khăn, nhọc nhằn là thế nhưng đôi khi các công nhân thủy nông còn bị người dân la mắng, than phiền. Bởi ai cũng muốn ruộng mình có nước sớm, trong khi nguồn nước tưới phải có sự điều tiết hợp lý theo quy trình. Khổ nhất là có nhiều tuyến kênh cống cao hơn so với kênh chính nên việc dẫn nước gặp nhiều khó khăn. Những lúc như thế, công nhân thủy nông phải phối hợp với các thủy nông viên của các hợp tác xã cùng người nông dân để tìm hướng khắc phục.

Ông Tống Hùng – Trạm phó Trạm thủy nông số 4 cho biết: Công việc của cán bộ thủy nông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời điểm nắng nóng kéo dài như hiện nay. Một số cống nước bị hỏng, không thể đóng mở, anh em phải dùng rơm rạ để bít lại. Điều này khiến việc điều tiết nước gặp nhiều trở ngại và tốn nhiều thời gian. Không chỉ có thế, hầu hết các tuyến kênh đều đã xuống cấp, gây thất thoát nước, khiến chỗ thiếu, chỗ ngập úng. Trong đó, có tuyến kênh N12-1 tưới cho các cánh đồng xã Hành Đức, Hành Minh và thị trấn Chợ Chùa đã bị hư hỏng nặng (khoảng 300m) gây ngập úng cho hai bên bờ kênh và gây thiếu nước cho vùng Xuân Phú (Hành Đức). Tuy nhiên, để khắc phục thì cần nguồn kinh phí lớn. Vì vậy tình trạng này vẫn diễn ra từ nhiều năm nay.

Cũng theo ông Hùng, trong thời điểm nước tưới trở nên khan hiếm như hiện nay thì cần phải có các giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn nước tưới cho các diện tích lúa cũng như hoa màu của nông dân. Vì vậy bắt đầu từ 20.6, Trạm thủy nông số 4 tiến hành tưới luân phiên cho một số cánh đồng trên địa bàn huyện.
 

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.