"Chuẩn hóa" vàng trang sức, mỹ nghệ

02:06, 16/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thông tư số 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường vừa được áp dụng nhằm mục đích để các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ lập lại trật tự, buôn bán sản xuất đảm bảo chất và số lượng, hướng đến “chuẩn hóa” vàng trang sức, mỹ nghệ.

Thông tư 22 được áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng; tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được chỉ định; cơ quan quản lý có liên quan đến quản lý đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh vàng…

Theo quy chuẩn, một món nữ trang vàng 18k có hàm lượng vàng không được thấp hơn 75%; với vàng 24k, hàm lượng vàng không được thấp hơn 99,9%. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo nên thực chất lượng vàng nữ trang 18k, lâu nay bán ra thị trường thường không “đủ tuổi” (chỉ khoảng 58-68% là vàng). Theo Thông tư 22, vàng nữ trang phải được bán “đúng tuổi” gần như 100%.

 

Nhiều khách hàng vẫn chưa biết Thông tư 22, nên việc mua bán vàng trang sức vẫn diễn ra bình thường ở nhiều nơi trong tỉnh .
Nhiều khách hàng vẫn chưa biết Thông tư 22, nên việc mua bán vàng trang sức vẫn diễn ra bình thường ở nhiều nơi trong tỉnh .


Khi Thông tư này có hiệu lực, nhiều tiệm vàng lo ngại sẽ phải đóng cửa vì kinh doanh vàng không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, cũng có một số công ty kinh doanh vàng làm ăn có uy tín trên địa bàn tỉnh thì cho rằng, đây là cơ hội để người tiêu dùng được tiếp cận với vàng “chuẩn”.

Ông Lê Quang Luật, giám đốc một công ty kinh doanh vàng ở thành phố Quảng Ngãi, cho biết: “Công ty hoạt động lâu năm, uy tín luôn đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, cũng có nhiều đơn vị buôn bán làm ăn thất tín, bởi sự gian lận trong việc sản xuất mua, bán vàng trang sức nên khách hàng  nghi ngờ. Giờ, quy định có hiệu lực, nếu các ngành chức năng lập lại được trật tự sản xuất, buôn bán thì người dân sẽ tin tưởng hơn, vì họ không còn sợ mua vàng “không đủ tuổi”. Còn bà Phạm Thị Thọ - Giám đốc Công ty TNHH vàng bạc đá quý Ninh Thọ, thì cho rằng, Thông tư 22 có hiệu lực là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán “chuẩn hóa” vàng trang sức mỹ nghệ.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhỏ lẻ tỏ ra băn khoăn khi “mới chỉ nghe nói” chứ chưa rõ nội dung Thông tư 22 là như thế nào. Tương tự, người mua hàng trang sức hiện cũng chưa biết nhiều đến nội dung Thông tư 22 quy định nên việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ ở một số doanh nghiệp diễn ra trên địa bàn tỉnh vẫn bình thường như cũ.

Thông tư số 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ bắt đầu có hiệu lực, các hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ về đo lường, tiêu chuẩn về chất lượng và hàm lượng sản phẩm. Đặc biệt, Thông tư yêu cầu các đầu mối phải tuân thủ một loạt thông tin như cam kết tuyệt đối về trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang, gắn với tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ, kiểu dáng, kích cỡ… theo nhãn mác và niêm yết công khai.  

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Quảng Ngãi Trần Luyện, cho biết: Sau khi Thông tư 22 có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng, đặc biệt là vàng trang sức mỹ nghệ phải đảm bảo chất lượng, nhằm đảm bảo lợi ích cho khách hàng. Đặc biệt là các doanh nghiệp làm ăn chính đáng không bị lẫn lộn với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính kém, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gian dối về tuổi vàng. Trong thời gian đến, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Quảng Ngãi sẽ phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm chất lượng, đoàn sẽ lập biên bản xử lý.
 

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.