"Ngựa sắt" ở Lý Sơn

10:05, 07/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cũ kỹ và hoen rỉ, những chiếc xe Honda 67 ở Lý Sơn tưởng như chỉ có thể là thú vui cho những tay săn lùng xe cổ. Ấy vậy mà, vững chãi trước nắng gió, hơn 30 con “ngựa sắt” của “vương quốc tỏi” vẫn mải miết chạy để phục vụ du khách, phục vụ những ruộng tỏi bạt ngàn...

Lạ lẫm “taxi yên dài”

8 giờ 30 phút sáng, tàu cao tốc chở du khách từ đất liền cập đảo Lý Sơn. Vừa bước chân xuống tàu, mọi người bắt gặp những lời mời đặc sệt chất giọng miền biển: “Anh, chị đã có chỗ nghỉ chưa. Chưa thì lên taxi yên dài này đi. Em chở”. Taxi yên dài mà anh tài xế hóm hỉnh đặt tên là một chiếc xe Honda 67 cũ kỹ, loang lổ những vết rỉ sắt, nhưng được “độ” thêm phần yên xe dài gấp đôi. Trên phần khung sắt dài được chắp thêm ở đuôi xe, các bác tài đặt thêm miếng bìa cạc tông cho tươm tất. Bấy nhiêu thôi, là đã đủ để bắt đầu một ngày đưa, đón khách thập phương.

 

Những chiếc Honda 67 trở thành phương tiện vận chuyển hàng hóa chủ lực ở đảo Lý Sơn.
Những chiếc Honda 67 trở thành phương tiện vận chuyển hàng hóa chủ lực ở đảo Lý Sơn.


Không lôi kéo, gạ gẫm khách, bác tài Hồ Quang Trưởng, một người có thâm niên lái “taxi yên dài” hơn 20 năm chỉ lặng lẽ đứng đợi khách. “Lúc đầu, ai cũng thấy ái ngại và nhìn xe chúng tôi với ánh mắt lạ lẫm. Nhưng rồi, khi leo lên xe rồi thì ai cũng thích. Nhanh gọn lại rẻ, taxi “yên dài” trở thành sự lựa chọn hàng đầu đối với những du khách đi riêng lẻ khi đến với Lý Sơn.  Phương tiện dân dã này đã trở thành nét độc đáo của đảo.

Xe đa năng của người dân xứ tỏi

Đối với du khách, những chiếc xe có tuổi đời mấy mươi năm này là “taxi yên dài”, còn với người dân trên đảo thì đây là phương tiện không thể thiếu dùng để chuyên chở cát, vật liệu xây dựng. Những chiếc xe Honda 67 tưởng chừng đã cũ mòn này, lại  như những con ngựa sắt có thể thồ từng thùng cát nặng trĩu, len lỏi vào tận chân ruộng khó đi nhất.

“Mỗi lần sắp xuống vụ, là chúng tôi lại thuê những chiếc xe này để chở cát. Vì xe tải thì không vào được ruộng tỏi do không có đường đi. Còn vận chuyển bằng xe mình, thì yên xe ngắn quá không đủ để đặt thùng đựng cát”, bà Nguyễn Thị Thành (An Vĩnh, Lý Sơn) giải thích.

Đưa từ 2 - 3 tạ cát lên xe, lại chở đến tận ruộng, nhưng giá cho mỗi lần vận chuyển cũng chỉ dao động từ 25 - 30 nghìn đồng. Ông Dương Quang Sung, một trong những người đầu tiên “biến tấu” xe Honda 67 thành xe “yên dài” trầm tư: “Ngày xưa, mua được chiếc xe wave thôi là đã rất quý rồi, ai nỡ dùng nó để chở cả tạ cát đâu.  Vậy nên, mấy cái xe cổ cũ rích này mới có đất dụng võ. Cũng là do cuộc sống vất vả quá nên hồi đó, người ra mới nảy ra ý tưởng kéo dài thêm yên xe”.

Mùa du lịch thì chở khách, đến tháng 6 -7 hàng năm lại chở cát. Chỉ trừ mùa biển động,  những ngày tháng còn lại, hầu như ngày nào, những người lái xe 67 trên đảo cũng làm việc không ngơi tay. Gom góp từng đồng từ những đợt chở hàng, bình quân mỗi ngày, người làm nghề này cũng thu được từ 150 -300 nghìn đồng. Dù một số bộ phận trên xe đã được thay thế bằng loại khác, chắp vá đủ kiểu…nhưng những chiếc xe 67 ấy, vẫn đồng hành cùng đất và người Lý Sơn.


Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 


.