Khó khăn ở hợp tác xã điểm

09:05, 30/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hợp tác xã  đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh  -Bình Sơn (HTX Bình Chánh) là một trong những HTX thí điểm trong Đề án Xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác thủy sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015. Thế nhưng, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Ban quản trị và xã viên của HTX này đang gặp rất nhiều khó khăn…

TIN LIÊN QUAN


HTX nhiều không

Ra đời vào tháng 8.2011, HTX Bình Chánh được kỳ vọng sẽ là chỗ dựa cho ngư dân an tâm bám biển, bám ngư trường. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, HTX này khó trở thành điểm tựa của xã viên và ngư dân trong vùng.

Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm HTX, giới thiệu nơi từng được xem là trụ sở của HTX, rồi thở dài bảo: “Hồi mới thành lập, UBND xã nói mượn tạm nhà đài trực icom cộng đồng của địa phương để hoạt động, từ từ cấp đất xây trụ sở sau. Ban chủ nhiệm HTX vui vẻ nhận lời và đồng ý treo tấm biển để có nơi giao dịch và hội họp. Từ năm 2013 đến nay, người đài trực icom lấy lại trụ sở, nên HTX chỉ còn tấm biển treo chứ không có nơi sinh hoạt”.

 

Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm HTX bên nơi từng đặt trụ sở giờ bị đơn vị chủ quản lấy lại.
Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm HTX bên nơi từng đặt trụ sở giờ bị đơn vị chủ quản lấy lại.

Để có nơi sinh hoạt và triển khai các nhiệm vụ, Ban chủ nhiệm và các xã viên HTX phải mượn tạm hiên nhà Chủ nhiệm để hội họp. Ông Nguyễn Hữu Lộc, chủ tàu QNg-95524TS ngao ngán: “Trụ sở hội họp, giao dịch với đối tác còn không có chứ nói gì đến bến bãi neo trú, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Dù đây là HTX thành lập trên tinh thần tự nguyện của xã viên, nhưng Nhà nước cũng cần hỗ trợ để chúng tôi hoạt động. Đừng để đến lúc xã viên nản chí mới làm, lúc đó sợ có trụ sở nhưng không còn xã viên đâu!”.

Bên cạnh khó khăn do không có trụ sở, thì việc không có bến neo đậu, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền cũng là thiệt thòi cho xã viên HTX. Bởi muốn sửa chữa hay nâng cấp tàu là xã viên phải tìm đến các nơi đóng tàu khác. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của HTX Bình Chánh khi thành lập đã được công bố rõ ràng là sẽ có đất để làm bến đóng, sửa chữa tàu. Thực tế, tại xã Bình Chánh có một bến sửa chữa tàu thuyền do Nhà nước quản lý đang cho tư nhân thuê.

Cần sự hỗ trợ

Theo ông Ngọt, khi mới thành lập, HTX có 18 xã viên với 20 tàu cá tham gia và đến nay có 25 tàu cá với 23 xã viên. Hiện quỹ vốn của HTX hơn 400 triệu đồng. Nguồn vốn này do xã viên tự nguyện đóng góp. Mặc dù số vốn của HTX hiện có cũng khá cao, nhưng theo ông Ngọt thì đó cũng chỉ là quỹ để HTX hoạt động chứ chưa thể là “ngân hàng” để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi cũng như thu mua hải sản của ngư dân.

Hầu hết hải sản do xã viên của HTX đánh bắt được đều được thương lái thu mua với giá thấp. Trong khi đó, theo ông Ngọt, điều khiến xã viên bức xúc chính là chức năng của HTX khi thành lập với mục tiêu trở thành một trong những HTX phát triển mạnh về đánh bắt thủy sản xa bờ của khu vực và cả nước, nhưng khó thành hiện thực.

Chiến lược của HTX là tập trung cho việc tăng trưởng, tạo ra thương hiệu có uy tín cao về khai thác hải sản, dịch vụ thương mại. Các xã viên được hình thành các tổ, đội sản xuất thường xuyên giữ liên lạc trên biển để hỗ trợ nhau. Đồng thời, HTX cung cấp dịch vụ đầu vào cho các tàu đánh bắt xa bờ về nguyên, nhiên liệu, ngư lưới cụ và các nhu yếu phẩm. HTX có chức năng  hoạt động tín dụng nội bộ; giúp xã viên thủ tục để được hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước về khai thác hải sản ở vùng biển xa; hướng dẫn xã viên lập dự án đóng mới tàu có công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ nhằm đạt hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro. HTX còn đảm nhận dịch vụ tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm cho xã viên... Thế nhưng, hiện nay với nguồn lực yếu ớt thì HTX này chưa thể thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Nói gần hơn, hiện tại HTX Bình Chánh chưa đủ sức để “bao” hậu cần nghề cá cho tàu thuyền của xã viên ra khơi và cả đầu ra của sản phẩm. Một khi chưa làm được dịch vụ hậu cần nghề cá cung cấp cho xã viên HTX và ngư dân trong vùng, thì HTX khó làm điểm để ngư dân tựa vào.  

Theo tính toán của ngư dân Nguyễn Tấn Điệp, chủ tàu QNg-95384TS, thì một chuyến ra khơi của mỗi tàu câu mực ở Bình Chánh cần chi phí hơn 200 triệu đồng. “Như vậy nếu 25 tàu cùng ra khơi, thì chi phí trên 5 tỷ đồng. Trong khi vốn của HTX chỉ có chừng ấy thì không thể giúp được nhiều cho xã viên. Do đó xã viên buộc phải “dựa” vào đầu nậu và phải chấp nhận vay tiền với lãi suất cao. Kéo theo là mực câu về phải bán cho đầu nậu với giá thấp hơn giá thị trường. Vì vậy xã viên sẽ luôn gặp khó khăn” – ông Điệp tâm sự.

“Mong sao chính quyền địa phương và các cấp sớm cấp đất để chúng tôi xây trụ sở cũng như xưởng sửa chữa, đóng mới tàu thuyền để HTX đi vào hoạt động ổn định và có một nguồn tiền đủ lớn để HTX thực sự là “bà đỡ” cho ngư dân” – Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh Nguyễn Hữu Ngọt nói.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 

.