Hoàng Sa, Trường Sa trong lòng ngư dân trẻ

01:05, 16/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên những con tàu trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, ngư dân trẻ Quảng Ngãi luôn là lực lượng đông đảo. Họ tâm huyết với nghề, xông xáo vượt trùng khơi, bám ngư trường  truyền thống mà cha ông đã khai phá, gầy dựng, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

TIN LIÊN QUAN

Xung kích giữ biển

Trở về sau chuyến biển dài ngày ở Hoàng Sa, những ngư dân tàu cá do anh Ngô Mộc ở xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đang tranh thủ bán cá, chuẩn bị cho phiên biển kế tiếp. Hơn một nửa ngư dân trên tàu là những thanh niên khỏe mạnh, tuổi đời còn khá trẻ.

Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá trên biển.                                                                                                                         Ảnh: MINH THU
Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá trên biển. Ảnh: MINH THU


Thuyền trưởng Mộc chia sẻ: “Tàu của mình có 11 lao động, thì có 7 người độ tuổi từ 18- 30. Ngư dân trẻ có nhiều thế mạnh trong chuyện đi biển. Trong những ngày biển động, nếu số lượng ngư dân trẻ không chiếm đa số, thì mình không dám cho tàu “nổ máy”. Tinh thần quả cảm của những người trẻ tuổi luôn được phát huy khi tàu gặp tình huống bất trắc. Hơn nữa, họ khỏe mạnh, tháo vát, bền bỉ, dẻo dai nên công việc đánh bắt luôn thuận buồm xuôi gió”.

 Bến cá Nghĩa An trong những ngày này, nhiều tàu trở về từ Hoàng Sa. Sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được các ngư dân truyền tai nhau qua nhiều kênh thông tin. Ngư dân ai cũng phẫn nộ trước hành động ngang ngược này của Trung Quốc.

Bận rộn với công việc cào cá từ trong khoang tàu ra, ngư dân Nguyễn Lượm (25 tuổi) ngụ xã Nghĩa An, bộc bạch: “Tốt nghiệp cấp 3 xong, nối nghiệp gia đình, mình theo các chú, các anh ra biển. Hơn 6 năm đi biển, tàu nhiều lần bị phía Trung Quốc gây hấn, xua đuổi khi đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển của nước mình. Nhưng tụi mình không sợ, hà cớ chi phải sợ!. Anh em ai cũng đoàn kết một lòng, quyết giữ lấy ngư trường truyền thống của cha ông đã không tiếc máu xương để gìn giữ từ bao đời nay”.

Trách nhiệm với Tổ quốc

 Sự hiện diện của những ngư dân trẻ trên những con tàu ở Hoàng Sa, Trường Sa luôn được xem là những cột mốc chủ quyền vững chắc. Họ chính là lực lượng kế cận, tiếp nối truyền thống nghề đi biển của tổ tiên.

Đang cùng những bạn tàu tu bổ tàu cá, tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm tại cảng cá Sa Kỳ (Bình Sơn) chuẩn bị ra Hoàng Sa đánh bắt, ngư dân Bùi Văn Thắm (23 tuổi), quê xã An Vĩnh (Lý Sơn) bày tỏ: “Mình theo cha đi biển từ lúc 15 tuổi, nếm trải bao nhiêu sóng gió, bão tố. Những ngày này, phía Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam rồi xua đuổi tàu thuyền của ngư dân, nhưng tụi mình không nao núng tinh thần đâu!. Trên tàu có 14 lao động, trong đó lực lượng trẻ chiếm hơn một nửa. Với những ngư dân trẻ như tụi mình thì đi biển, có mặt ở Hoàng Sa, Trường Sa, bám giữ ngư trường của tổ tiên thì cũng là một cách thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Lệ Thu - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Dân số của xã có hơn 20 ngàn người, trong đó có khoảng 90% làm nghề biển. Lực lượng ngư dân trẻ tham gia đánh bắt thủy sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chiếm hơn 70%. Họ là lực lượng tiếp nối nghề truyền thống của cha ông”.

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) nói: “Lực lượng ngư dân trẻ ở Lý Sơn khá đông đảo. Chỉ tính riêng Nghiệp đoàn nghề cá An Hải đã có 715 đoàn viên tham gia đánh bắt xa bờ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Góp phần bảo vệ hai ngư trường truyền thống này là kim chỉ nam cho hành động của các bạn trẻ. Tinh thần đó không có gì có thể lay chuyển được”.

 

Ngọc Viên

 


.