Chênh vênh nghề biển

08:05, 07/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi năm, gần 5.600 chiếc tàu thuyền mang về cho tỉnh hơn 147 ngàn tấn thủy hải sản các loại. Sản lượng này dẫn đầu giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Có điều, khi ngư dân được biển cho nhiều “lộc” thì họ lại không buồn mang lộc ấy về quê, khiến những người sống bám vào cảng cá ngày càng khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Tàu nhiều nhưng cảng vắng

“Cả đời tôi cũng không ngờ có một ngày, cảng cá Sa Huỳnh lại ra nông nỗi này”. Đó là câu cửa miệng mà các bà, các chị ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) thường nói mỗi khi có ai nhắc đến cảng cá Sa Huỳnh.

 

Phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi).                                                   Ảnh: P.V
Phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi). Ảnh: P.V


Không bất ngờ sao được khi từ một cảng cá sầm uất vào loại bậc nhất tỉnh thì giờ nó lại hoang vắng, đìu hiu đến thảm hại. Hẳn vậy mà khi trò chuyện với những bà hàng buôn, chị làm cá nơi đây, ở họ là sự than vắn thở dài đến tội nghiệp. Nhất là bây giờ, những con tàu nặng cá về đây ngày càng ít; rồi cảnh xe máy, xe tải tấp nập, nườm nượp ra vào cũng chẳng còn. Thậm chí là những phên cá, mực phơi nắng ngày nào giờ cũng dần thưa vắng.

Sự lặng lẽ này đã khiến những người từng sống nhờ vào cảng cá cảm thấy chơi vơi, chông chênh. Lý do, “cảng cá Sa Huỳnh là nơi cho người dân Phổ Thạnh chúng tôi từ giàu đến nghèo miếng cơm bát gạo. Vì vậy mà trước đây, tàu đánh bắt ở đâu cũng trở về đây cân cá, bán mực. Nhưng giờ thì nó bị cát trắng lấp chiếm hết rồi”, bà Nguyễn Thị Hương, một trong những người gánh cá, sơ chế mực trải lòng.   

Còn ở Cửa Lở, điểm giao lưu buôn bán nức tiếng xưa kia của người dân các xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) và Đức Lợi (Mộ Đức) giờ cũng trong tình trạng đìu hiu vì tàu thuyền rơi vào cảnh “gần nhà xa ngõ”. Thế nên, thay vì về Cửa Lở chia “lộc” biển cùng bà con làm công việc thu mua, chế biến thì, phần lớn ngư dân phải bấm bụng bẻ lái đưa tàu về cảng Sa Kỳ hay Thọ Quang (Quảng Nam) hoặc vào Quy Nhơn (Bình Định) để bán sản phẩm. Mặc dù biết làm thế là bẻ gãy chiếc cần câu cơm của hàng trăm người dân đang sống nhờ vào Cửa Lở, nhưng nói như ngư dân Đỗ Anh, thôn Kỳ Tân (Đức Lợi) thì: “Cửa Lở giờ nó dở chứng quá! Tôi có muốn cho tàu về cũng sợ mắc cạn. Nhất là mùa này gió nồm, cát chặn kín cửa”.

Hẳn vì lý do này nên càng ngày, cả Cửa Lở lẫn Sa Huỳnh càng thưa tàu nặng cá, mực trở về. Có chăng chỉ là những chiếc về nghỉ ngơi, bảo dưỡng. Vậy nên những người từng kiếm gạo nơi đây bằng việc gánh cá, chuyển mực cũng chật vật đổi nghề. Có người vào Nam, có người đi bán mắm, phơi vỏ tôm. Và cũng có người khắc khoải đợi cảng cá hồi sinh…

 Bao giờ phát triển xứng tầm?

Quảng Ngãi có đội tàu đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ thuộc diện hùng hậu trong cả nước thì hoạt động thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm ắt phải sầm uất, nhộn nhịp. Thế nhưng vì “cửa biển bồi lấp”, tàu thuyền ngại ra vào khiến các cảng cá vang bóng một thời giờ chỉ còn là hư danh.

Được mùa cá cơm, lao động hậu cần nghề cá ở bãi biển Tịnh Kỳ phấn khởi.
Được mùa cá cơm, lao động hậu cần nghề cá ở bãi biển Tịnh Kỳ phấn khởi.


Nghề biển, trên phương diện chế biến, tiêu thụ vì thế cũng… lùi dần đều! Nhất là hiện giờ, toàn tỉnh vẫn chưa có một nhà máy, công ty nào đủ lực đứng ra quán xuyến, thu gom sản phẩm của ngư dân nên mới xảy ra nghịch lý: Ngư dân nơi này cập cảng cá chỗ khác, nên nhiều chủ cơ sở sản xuất cá, mực của địa phương phải sang tay sản phẩm với giá cao. Nghịch lý này không chỉ khiến ngư dân thiệt thòi vì chi phí đỗ đậu, nguyên nhiên liệu cao; giá bán sỉ thấp... mà kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển cũng bị ảnh hưởng. Trong đó phải kể giá trị sản xuất và lực lượng lao động làm công việc hậu cần bị ảnh hưởng.

Đơn cử như xã Đức Lợi. Là địa phương có nghề chế biến nước mắm truyền thống nên những năm trước, sản phẩm đánh bắt của ngư dân nơi đây được tiêu thụ tại chỗ, đáp ứng cho nhu cầu làm mắm của người dân địa phương. Tuy nhiên mấy năm gần đây, Cửa Lở hết lở lại bồi khiến tàu thuyền bỏ bến. Người làm mắm cũng điêu đứng vì phải chạy vạy tìm nguồn nguyên liệu nơi khác. Thế nên ông Lê Thanh Phách - Chủ tịch UBND xã Đức Lợi bảo rằng: “Nếu nghề đánh bắt, khai thác với chế biến, tiêu thụ không gặp nhau, mà cứ mạnh ai nấy sống như hiện giờ thì người dân sống bám vào nghề biển vẫn cứ phải long đong lận đận”.

Quả thật, một ngành nghề được xác định là cú huých cho ngành nông nghiệp nói riêng, kinh tế toàn tỉnh nói chung nhưng hiện giờ, nghề biển vẫn chậm tiến. Để rồi nhiều người lo lắng hỏi: Đến bao giờ, nghề biển mới không còn chênh vênh và có được chỗ đứng đúng với vị trí của mình?

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.