Tự hào đi lên cùng đất nước

02:04, 30/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 30.4.1975 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Dấu mốc lịch sử này đánh dấu kết thúc chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh và chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một chặng đường mới cho cách mạng Việt Nam. 39 năm đã trôi qua, kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi không ngừng nỗ lực vượt qua bao khó khăn thử thách, cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ  vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Quảng Ngãi tự hào đi lên cùng đất nước trong chặng đường gần 40 năm ấy!


Đi lên từ gian khó

Quảng Ngãi là tỉnh bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề. Sau năm 1975, Quảng Ngãi sáp nhập với Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Giai đoạn này nhân dân cả tỉnh ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, sớm ổn định đời sống và đầu tư cho sự phát triển.

Phân xưởng chính của Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất.                                                                                               Ảnh: PV
Phân xưởng chính của Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất. Ảnh: PV


Có thể nói, hàng chục năm liền sau giải phóng, đời sống của nhân dân trong tỉnh ở mức rất thấp; hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu; nhiều ngành sản xuất thiếu điều kiện đầu tư phát triển...

Nhớ lại những ngày đầu tái lập tỉnh (7.1989), sản xuất nông nghiệp của Quảng Ngãi rất bấp bênh. Còn khi nói đến công nghiệp chỉ có thể nhìn vào Nhà máy đường với công nghệ cũ kỹ, lạc hậu và Nhà máy cơ khí An Ngãi chỉ đủ năng lực làm ra những công cụ thô sơ phục vụ sản xuất nông nghiệp... Trung tâm tỉnh lỵ là thị xã Quảng Ngãi nhỏ bé với hạ tầng lạc hậu. Địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo thiếu điện, thiếu đường, thiếu trường, thiếu trạm, thiếu lương thực, thực phẩm và những nhu cầu thiết yếu khác phục vụ sản xuất, dân sinh...

Tập trung phát triển sản xuất

Với sự hỗ trợ của Trung ương và những nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, năm 1997 Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đại công trình thủy lợi Thạch Nham tưới cho 30.000 ha đất canh tác. Sau Thạch Nham, những công trình như Núi Ngang, Nước Trong và hàng loạt hồ, đập lớn nhỏ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đã đặt nền móng cho sự ổn định và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Nhờ nguồn nước Thạch Nham, cuộc “cách mạng xanh” đã trải rộng khắp làng mạc, ruộng đồng Quảng Ngãi, mang lại nguồn lương thực, thực phẩm ngày càng dồi dào, phục vụ tiêu dùng nội tỉnh và xuất khẩu.

Từ một tỉnh mà công nghiệp không có gì đáng kể, xuất phát điểm thấp, chúng ta đã xây dựng thành công các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Phổ Phong, đặc biệt là Khu Kinh tế Dung Quất nằm trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung với định hướng phát triển các ngành công nghiệp lọc - hoá dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển...

Sau gần 18 năm hình thành và phát triển, KKT Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế thành công trong cả nước, trở thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng với tốc độ cao.

Tại KKT Dung Quất, sau nhiều năm xây dựng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành. Đầu năm 2009, nhà máy này cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên. Sự kiện này đã tạo nên một cú huých mới cho nền công nghiệp của tỉnh. Đến thời điểm này, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất và tiêu thụ 26,7 triệu tấn sản phẩm các loại, tổng doanh thu 543.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 86.000 tỷ đồng.

TP.Quảng Ngãi đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh.                Ảnh: ĐL
TP.Quảng Ngãi đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Ảnh: ĐL


Trong những năm gần đây, đối với Quảng Ngãi, tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn... có sự tác động mạnh từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Và mới đây Khu liên hợp Công nghiệp– Đô thị và Dịch vụ VSIP khởi công, cùng những dự án lớn đã và đang khởi động đã mở ra tiềm năng và những triển vọng mới đối với Quảng Ngãi trong quá trình phát triển, mà mục tiêu hướng đến là đến năm 2020 Quảng Ngãi “cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong giai đoạn 2008 - 2013, bình quân mỗi năm GDP của Quảng Ngãi tăng trưởng 15,4%. Trong đó công nghiệp – xây dựng tăng 24%, dịch vụ tăng 13%. Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng từ tỷ lệ thấp, đến cuối năm 2013 đã chiếm gần 64% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đây là sự chuyển dịch hết sức tích cực.

Những năm đầu tái lập tỉnh, thu ngân sách của Quảng Ngãi là con số khiêm tốn. Sau 20 năm phấn đấu, đến năm 2009,  tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 14.000 tỷ đồng. Và 4 năm sau, năm 2013 chúng ta đạt tổng thu 30.536 tỷ đồng, trở thành một trong 4 tỉnh, thành phố có mức thu cao nhất nước. Trong 5 năm GDP bình quân đầu người của Quảng Ngãi tăng 3,4 lần - từ 608 USD (năm 2008) lên 2.058 USD (năm 2013). Vị thế Quảng Ngãi và mức sống của người dân trong tỉnh được cải thiện, nâng lên đáng kể.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật

39 năm qua, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Điện lưới quốc gia đã kéo về hầu hết các vùng quê trong tỉnh, phục vụ ngày càng tốt hơn sản xuất và đời sống. Hệ thống đường sá, cầu cống đã được nhựa hóa, bê tông hóa ngày càng nhiều. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mọi nguồn lực của Nhà nước và nhân dân được khơi dậy mạnh mẽ... đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, miền núi trong tỉnh từng bước hoàn thiện, phục vụ đắc lực quốc kế dân sinh.

Dưới tác động của chủ trương đẩy mạnh phát triển đô thị, thị xã Quảng Ngãi từ một đô thị nhỏ bé, đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Thành phố đã mở rộng về phía bắc sông Trà Khúc và về phía biển, đang đổi thay hàng ngày, hàng giờ. Thành phố Quảng Ngãi đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại, phấn đấu thành đô thị loại II trong tương lai gần. Thị trấn Đức Phổ đang đầu tư xây dựng và phấn đấu trở thành thị xã thuộc tỉnh vào năm 2015. Các thị trấn, thị tứ từ đồng bằng đến miền núi cũng đã hình thành và phát triển từng ngày, tạo ra những vùng kinh tế động lực cho nhiều địa phương và vùng miền.

Những năm qua, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo không ngừng phát triển. Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Trường Đại học Tài chính – Kế toán đã hình thành và đi vào hoạt động. Một số trường đại học đặt chi nhánh tại Quảng Ngãi. Nhiều trường đào tạo nghề mọc lên... tạo điều kiện thuận lợi cho con em Quảng Ngãi có thể học lên đại học, cao đẳng và học nghề ngay trên quê hương mình. Bên cạnh đó, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở ngày một hoàn thiện, từng bước đảm bảo nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân...

Nắm bắt thời cơ, tăng tốc phát triển

Với những thành quả đạt được sau gần 30 năm đổi mới đã tạo cho Quảng Ngãi một nền móng khá vững chắc để tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn lên là một tỉnh giàu, mạnh xứng đáng với truyền thống anh hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Về kinh tế, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên phạm vi toàn tỉnh. Trong phát triển công nghiệp, luôn tạo điều kiện cho nhà máy lọc dầu hoạt động an toàn, ổn định và tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện Dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây được xem là động lực quan trọng, là đầu tàu của nền kinh tế tỉnh nhà. Bên cạnh nhà máy lọc dầu, hàng loạt công trình, dự án lớn đã và đang khởi động trên đất Quảng Ngãi mở ra tiềm năng to lớn cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách... cho tỉnh.

Cảng Dung Quất, một trong những cửa ngõ mở ra biển lớn của Quảng Ngãi.                                                                                                                         Ảnh: ĐĂNG LÂM
Cảng Dung Quất, một trong những cửa ngõ mở ra biển lớn của Quảng Ngãi. Ảnh: ĐĂNG LÂM


Có thể nói, Quảng Ngãi đang trở thành một đại công trường sau đổi mới. Lãnh đạo tỉnh đang xúc tiến các biện pháp cần thiết, bảo đảm cho các dự án quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của Quảng Ngãi sớm được triển khai. Trong đó đáng chú ý là dự án nhiệt điện Sembcorp, Nhà máy thép; các dự án giao thông quan trọng như mở rộng Quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đường Dung Quất - Sa Huỳnh, dự án điện cáp ngầm cho huyện đảo Lý Sơn... Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để dự án VSIP sớm đi vào hoạt động, nhằm tạo sức bật mới trong phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động.

 Với khối lượng công việc đồ sộ đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực, nắm bắt thời cơ, phát huy mọi tiềm lực để tiếp tục phát triển. Nhiệm vụ đang đặt ra trước mắt chúng ta là phải dồn sức thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 – 2015. Trong đó trọng tâm là thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ đột phá và 2 nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy.
                                         

THANH TOÀN
 

 


.