Nỗi lo thừa tiền

12:04, 17/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chưa có lúc nào thanh khoản ở các ngân hàng thương mại Quảng Ngãi lại dồi dào như lúc này. Kinh tế suy thoái, giá vàng hạ dài, lãi suất giảm sâu... nên đồng vốn nhàn rỗi trong dân cư, các tổ chức vẫn tiếp tục chảy vào ngân hàng. Nỗi lo thừa tiền ở các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang nóng lên từng ngày. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi, quý I/2014, tổng dư nợ ước đạt 29.000 tỷ đồng, giảm đến 5,3% so với cuối năm 2013.  Con số trên cho thấy, tình hình tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu giảm mạnh.    

TIN LIÊN QUAN


Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, trung tuần tháng 2 vừa qua, các ngân hàng trên địa bàn Quảng Ngãi đồng loạt hạ lãi suất cho vay lẫn huy động để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hấp thụ vốn hoạt động trở lại. Trong khi số dư nợ giảm sâu nhưng số tiền huy động giảm vẫn không đáng kể. Tổng số huy động vẫn còn ở mức trên 26.430 tỷ đồng, giảm 0,83% so với cuối năm 2013.

Đồng vốn ở các ngân hàng khá dồi dào, nhưng khách hàng giao dịch rất nhỏ lẻ.
Đồng vốn ở các ngân hàng khá dồi dào, nhưng khách hàng giao dịch rất nhỏ lẻ.


Ông Trần Luyện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi phân tích, mặc dù lãi suất huy động hiện nay giảm sâu, nhưng thị trường bất động sản, sản xuất vật tư, kinh doanh... vẫn còn ngưng đọng, bởi đây chưa phải là đỉnh của thời điểm cần vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, sản xuất kinh doanh.

Đồng tiền nhàn rỗi trong dân cư, trong các tổ chức lúc này chảy vào, hay nằm im trong ngân hàng là cách lựa chọn có tính toán của khách hàng. Bởi hiện nay, ngoài khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì đầu tư vào vàng cũng không mấy khả quan. Giá vàng hiện nay hạ dài, nhưng đầu tư vào lĩnh vực này cũng đầy rủi ro, khó lường, khi chưa có ngân hàng nào đứng ra giữ hộ, còn giữ vàng trong nhà thì không mấy an toàn.

Thế nên, đồng vốn gửi tiết kiệm cứ tăng đều. Đến cuối tháng 3.2014, trong tổng số 26.430 tỷ đồng huy động  thì tiền gửi tiết kiệm ước đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2013.

Trước nguồn tiền dồi dào lần lượt vào ngân hàng, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh bắt đầu lo lắng. Tại Chi nhánh Oceanbank Quảng Ngãi, hiện nguồn huy động đã lên đến 3.400 tỷ đồng. Oceanbank đã thực hiện giảm lãi suất sâu, nhưng nguồn vốn này vẫn còn nguyên trong ngân hàng. Phó Giám đốc Chi nhánh Oceabank Vương Thị Thành Phương lo ngại vì lãi suất huy động và cho vay hiện nay không mấy chênh lệch, trong khi đó nguồn vốn không giải ngân được nên ngân hàng cũng lo trong vấn đề trả lãi suất cho nguồn huy động.

Về việc có nên tiếp tục hạ trần lãi suất huy động lẫn cho vay để các ngân hàng duy trì hoạt động, ông Trần Luyện - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi cho rằng, lãi suất hạ quá thấp sẽ không tốt, làm mất ổn định nền kinh tế. Hơn nữa, vấn đề hạ lãi suất hiện nay không còn quan trọng đối với doanh nghiệp. Bởi, với tình hình hiện nay thì doanh nghiệp chưa biết vay để làm gì và đồng vốn nhàn rỗi cũng không biết đầu tư vào lĩnh vực nào để khả thi, nên ngân hàng vẫn tiếp tục thừa vốn.

Biện pháp tốt nhất hiện nay là, ngoài sự nỗ lực của các ngân hàng tìm kiếm các khách hàng tốt, thì các ngành, các cấp cần sớm vào cuộc. Trong đó cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 24, Dự án VSIP...; thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản; giải ngân vốn từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ cũng như tăng cường hiệu quả sử dụng vốn; tạo điều kiện cho các dự án FDI vào triển khai hoạt động... Có vậy, thì "tảng băng vốn” ở các ngân hàng mới tan chảy, thúc đẩy kinh tế phục hồi, phát triển.
         

Bài, ảnh TRƯỜNG AN

 


.