Nghĩa Hành: Nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả

08:04, 28/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xác định phát triển kinh tế trang trại là "đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế-xã hội, làm bước đệm vững chắc để xây dựng NTM, nông dân huyện Nghĩa Hành đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao.

TIN LIÊN QUAN

Với 3.600 con heo nuôi tập trung, mỗi năm xuất bán 2-3 đợt, lãi gần 300 triệu đồng/đợt nên gia đình anh Võ Văn Tình, ở thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) ngày một khấm khá. Đây là 1 trong 4 mô hình được huyện Nghĩa Hành chọn làm điểm để nhân rộng ra địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trong tiến trình “cán đích” nông thôn mới vào năm 2015.

 

Mô hình chăn nuôi heo khép kín của anh Võ Văn Tình được nhiều người đến tham quan học hỏi.
Mô hình chăn nuôi heo khép kín của anh Võ Văn Tình được nhiều người đến tham quan học hỏi.


Trước đây anh Tình hành nghề lái xe tải, nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá lên được, nên bỏ nghề ở nhà cùng vợ mở cơ sở xay xát gạo và chăn nuôi  hơn 100 con heo và 5 con bò giống.  Với ý tưởng tạo dựng một cơ sở chăn nuôi lợn tập trung với quy mô lớn, anh Tình khăn gói đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Năm 2011, anh Tình bán xe, máy xát gạo và vay Ngân hàng NN&PTNT đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi hơn 500 triệu đồng trên diện tích đất thuê 2ha ở xóm Trũng, thôn Mễ Sơn.  

Ban đầu ít vốn, anh đầu tư xây dựng 3 dãy chuồng, mỗi dãy 7 ô nuôi, với sức chứa khoảng 1.000 con/dãy. Chỉ trong năm đầu tiên nuôi thử nghiệm nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Từ đó, anh Tình mạnh dạn đầu tư mở thêm 2 dãy chuồng để thả nuôi với số lượng đàn đông hơn. Xây dựng hầm Biogas và hệ thống xử lý phân thải để tận dụng trồng cỏ chăn nuôi bò, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. “Gia đình liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP nên được bao tiêu sản phẩm, không phải lo về nguồn giống, thức ăn, thuốc men. Từ khi nuôi tới giờ, chưa xảy ra dịch bệnh. Một năm tôi có thể xuất bán được 2-3 lứa, mỗi lứa 1.800 con, thu lãi gần 300 triệu đồng”, anh Tình chia sẻ kinh nghiệm.

Anh Tình còn nuôi 11 con bò đực vỗ béo và 40 con nhím. Mỗi năm xuất bán, thu về hàng chục triệu đồng. Nhờ thế mà nay gia đình anh có điều kiện trang trải cuộc sống, lo cho 3 con ăn học đến nơi đến chốn. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, với mức lương 3,6 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, nhiều nông dân của huyện Nghĩa Hành đang ăn nên làm ra với nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung. Ông Võ Văn Chung, ở xã Hành Thịnh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi heo gần 2 ha, với quy mô trên 2.000 con. Mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Trên địa bàn huyện còn có hơn 70% nông dân đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò lai cho thu nhập kinh tế cao. Đây chính là điều kiện giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Ông Đàm Bàng- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết: Toàn huyện có 55 mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng phát triển kinh tế trang trại. Trong đó, có 4 mô hình đang làm thủ tục để sớm đạt chuẩn theo tiêu chí chung của Bộ NN&PTNT. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại hiệu quả cho bà con ứng dụng. Đối với những trang trại quy chuẩn, hiệu quả kinh tế cao, huyện sẽ tiếp tục trực tiếp hướng dẫn làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, phối hợp với Phòng TN&MT huyện tạo điều kiện cho các hộ này thuê đất lâu dài để ổn định chăn nuôi, sản xuất. Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng cho các hộ có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất”.    
   

Bài, ảnh: KN 

 


.