Sôi động cửa ngõ phía tây Ba Tơ

04:03, 10/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm dưới chân đèo Viôlắc, ngã ba xã Ba Vì như nơi tụ hội nông, lâm, thổ sản ở các xã khu Tây huyện Ba Tơ và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai đổ xuống. Nhờ đó, nhịp sống của người dân nơi đây trở nên sinh động nhờ vào việc buôn bán, thu gom và trồng các nguyên liệu từ núi rừng.

TIN LIÊN QUAN

Trời còn mờ sương, trung tâm xã Ba Vì không yên ắng như các xã khu đông của huyện. Nơi đây, đã bắt đầu nhộn nhịp từ lúc gà rừng vừa cất tiếng gáy. Đồng bào Hrê từ các xã Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Tiêu đưa mây, đót, mật ong và các lâm thổ sản khác đến tập kết ở các điểm thu mua tại xã Ba Vì. Người mua từ các nơi khác đến, tổ chức hoạt động thu gom, mua bán tại Ba Vì  từ nhiều năm nay. Họ không cần để bảng thu mua và cuộc trao đổi về giá cả, số lượng cũng diễn ra chóng vánh.

 Nhộn nhịp cảnh buôn bán lâm sản ở cửa ngõ phía Tây huyện Ba Tơ.
Nhộn nhịp cảnh buôn bán lâm sản ở cửa ngõ phía Tây huyện Ba Tơ.


Tại các nơi thu mua keo, mây, đót... thu hút khá đông lao động người địa phương. Người chuyển mây lên xe tải, người lột vỏ keo, phơi đót. Đang chuyển mây lên xe, anh Phạm Văn B thôn Giá Vực, cho biết: "Mình ở đây không đi bứt mây như bà con ở các xã khác, nhưng mỗi ngày bốc vác, vận chuyển mây, đót... lên xe tải cũng kiếm được từ 120.000 - 150.000 đồng". Quanh chiếc xe tải và những đống mây khoảng hơn 20 tấn, còn có khá đông thanh niên, người lớn tuổi đang bốc vác như anh B. Ai cũng vui vẻ vì có việc làm, có thu nhập.

Trên con đường vào xã Ba Xa, hay ra xã Ba Tiêu, Ba Ngạc, nhiều  tốp thanh niên, nam nữ đang lột vỏ keo thuê và chất keo lên xe. Các chị cho biết: "Mùa này thường rơi vào cảnh nông nhàn. Bởi, ruộng trên đồng chưa vào mùa thu hoạch nên tranh thủ đi làm keo kiếm tiền. Mỗi chị em cũng kiếm được 120.000 đồng/ngày".

Theo nhiều người dân thì mùa này vào rừng bứt mây là thuận lợi, bởi rừng khô ráo, dây mây đến độ già, chắc, nặng. Tuy nhiên, phải vào tận rừng sâu mới có. Nhờ đôi chân đã quen băng rừng lội suối, nên ngày nào vào rừng người dân nơi đây luôn kiếm được từ 50-60 kg mây, bán được 200.000 đến 250.000 đồng.

Ở vùng cao phía tây của huyện Ba Tơ, còn có nhiều rừng nguyên sinh. Cây cối đa tầng nên vào mùa xuân, nhiều loài hoa nở rộ. Đây cũng là "mùa con ong đi lấy mật". Đồng bào khai thác được sản phẩm mật ong rừng vùng cao bao giờ cũng được các tiểu thương đón mua với giá cao hơn các loại mật kết từ hoa keo ở các xã vùng thấp. Bình quân mỗi lít bà con bán tại chỗ từ 250.000 đến 300.000 đồng.

Mùa này, núi rừng còn cho đồng bào các sản vật khác như đót, rau rừng, ốc suối... Nơi đây có nhiều thứ rau có vị thuốc như lá lồng đèn, dây khổ qua núi, rau má, rau ranh... cũng giúp bà con có thêm thu nhập.  

 Nhờ khai thác các loại cây nguyên liệu, nông lâm, thổ sản từ núi rừng mà đồng bào vùng cao Ba Tơ có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, khi hoạt động mua bán càng diễn ra sôi nổi, lượng người dồn về Ba Vì càng đông thì cũng dễ nảy sinh các tệ nạn xã hội. Vì vậy, vừa tạo điều kiện cho người dân làm ăn, vừa tăng cường giữ gìn trật tự an toàn xã hội là hai nhiệm vụ không thể tách rời của các cấp chính quyền nơi đây.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.