Nghĩa Hành: Dồn lực xây dựng nông thôn mới

01:03, 07/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Nghĩa Hành trong gần ba năm qua đã có những bước tiến đáng kể, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

TIN LIÊN QUAN

Điểm sáng ở xã điểm


Là xã được chọn làm điểm của tỉnh về xây dựng NTM, sau ba năm thực hiện, đến nay diện mạo nông thôn ở xã Hành Minh đã có nhiều khởi sắc. Những ngày này  về Hành Minh đi trên những con đường được bê tông mới khang trang, chúng tôi thấy rõ đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Xã đã bê tông hóa được 70% đường xã, 46% đường thôn và 20% đường xóm. Trụ sở làm việc của UBND xã được xây mới khang trang, với tổng phí đầu tư 6,3 tỷ đồng vừa hoàn thành. Để cán đích NTM vào năm 2015,  xã đã có những bước đi vững chắc, hiệu quả trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là áp dụng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, đây cũng là mục tiêu chính của địa phương.

 

Mô hình trồng cà chua ghép đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Hành Minh.
Mô hình trồng cà chua ghép đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Hành Minh.


Để làm được điều này, Ban chỉ đạo chương trình NTM  của xã đã năng động, sáng tạo trong việc xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình trồng cà chua ghép thay thế cây đậu phụng, được trồng thử nghiệm vào cuối năm 2013 trên 6.000 m2 tại thôn Long Bàn Bắc, thu hút hơn 10 hộ gia đình tham gia. Ngay trong năm đầu tiên, cây cà chua ghép đã cho năng suất 4,2 tấn/sào với thu nhập khoảng 12 triệu đồng/sào/vụ khiến nhiều nông dân ở đây rất phấn khởi. Ông Hồ Trung Đức, thôn Long Bàn Bắc hồ hởi cho biết: Xã đã hỗ trợ mỗi người dân 2,5 triệu tiền mặt cùng với phân bón, giống, bạt để thực hiện mô hình trồng cà chua ghép. Nhà tôi trồng hơn 2 sào đất, bước đầu có hiệu quả, cây nào cũng oằn quả. Nếu trước đây tôi trồng đậu phụng, chỉ thu về khoảng 2-3 triệu đồng/sào thì mô hình này đem lại nguồn thu gấp 3 - 4 lần”.

Hiệu quả của việc xây dựng NTM ở xã điểm Hành Minh còn thể hiện ở chỗ người dân ngày càng nhận thấy rõ vai trò chủ thể của mình. Dân trong xã đã tự nguyện đóng góp hơn 600 ngày công và hơn 10.000 m2 đất để xây dựng 4km đường giao thông, kéo 5km điện thắp sáng. Ông Nguyễn Thượng Hải, thôn Tình Phú Nam đã hiến 1.000m2 mà không nhận tiền bồi thường. “Đóng góp được gì cho địa phương, có lợi cho dân là tôi thấy không gì vui bằng”. Tinh thần, nghĩa cử của ông Hải cũng là tinh thần của người dân Hành Minh hôm nay. Từ sự đồng lòng này mà địa phương triển khai xây dựng NTM khá thuận lợi. Trong vụ sản xuất vừa qua, xã đã xây dựng khoảng 25ha cánh đồng mẫu lớn trồng lúa tại thôn Tình Phú Bắc, cho năng suất 75 tạ/ha. Bước vào vụ đông xuân, địa phương tiếp tục nhân rộng ra 35ha và thực hiện tại 2 thôn Tình Phú Bắc và Tình Phú Nam.

Ông Đoàn Tấn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Hành Minh, cho biết: “Năm 2014, xã sẽ quy hoạch lại một số cánh đồng để người dân thuận lợi hơn trong sản xuất và đẩy mạnh cải tạo vườn tạp tại thôn Long Bàn Nam. Đây là vùng đất bồi pha khá màu mỡ, rất thích hợp để đưa vào trồng những giống cây ăn quả như chôm chôm, bưởi, sầu riêng…Ngoài ra, xã sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện các tiêu chí còn lại để “về đích sớm”.

Dồn sức, quyết tâm “cán đích”

Là huyện điểm của tỉnh Quảng Ngãi trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, khi bắt tay vào thực hiện, Nghĩa Hành gặp không ít khó khăn, bởi xuất phát điểm thấp, người dân trong huyện chủ yếu sống bằng nghề nông. Bình quân mỗi xã chỉ đạt khoảng 5 tiêu chí. Nhưng nhờ sự nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay Nghĩa Hành có 2 xã đạt 13 tiêu chí; 3 xã đạt 12 tiêu chí; 2 xã đạt 11 tiêu chí; 2 xã đạt 9 tiêu chí và 2 xã đạt 8 tiêu chí.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện đã tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đưa nhiều mô hình, nhiều giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: Xây dựng cánh đồng mẫu lớn tập trung với năng suất lúa đạt 75 tạ/ha; ứng dụng mô hình sản xuất lúa giống hiệu quả cao; phát triển mô hình chăn nuôi bò lai... Đến nay, 100% số xã của huyện đều sử dụng cơ giới hóa khâu làm đất, góp phần giảm chi phí làm đất 1ha hơn 400 nghìn đồng. Trong hai năm 2012-2013, huyện Nghĩa Hành đã huy động được nguồn vốn gần 125 tỷ đồng để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương và tỉnh 41 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp và huy động doanh nghiệp 43 tỷ đồng. Còn lại là vốn ngân sách huyện, xã.

Mục tiêu trong năm 2014, huyện Nghĩa Hành phấn đấu xây dựng ở mỗi xã đạt 3-4 tiêu chí. Huyện tiếp tục tập trung tái cấu trúc ngành nông nghiệp; tận dụng lợi thế phát triển kinh tế rừng; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn. Ông Phan Bình- Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay của huyện là thiếu nguồn vốn để hoàn thành tiêu chí giao thông, thủy lợi; nâng cao thu nhập bình quân đầu người theo tiêu chí là 23 triệu/người/năm. “Khó là vậy, nhưng với sự chung sức, đồng lòng và cùng với hỗ trợ của Trung ương, tỉnh chúng tôi sẽ nỗ lực cán đích theo lộ trình đề ra”, ông Bình khẳng định.
 

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.