Một lần đến... Ba Xa

09:03, 14/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã Ba Xa (Ba Tơ) nằm tận cùng tây nam của huyện Ba Tơ. Tuy giáp với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, nhưng bị các dãy núi chắn ngự nên địa bàn xã nằm dưới thung sâu. Điều kiện khắc nghiệt nhưng đồng bào nơi đây vẫn bám trụ, sáng tạo trong làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.     

Ở vùng giáp ranh hai tỉnh

Già Phạm Văn Xí ở thôn Ba Ha, Ba Xa bảo: Nơi đây, tìm dải đất bằng để sinh sống và canh tác như đồng bằng khó lắm. Từ trung tâm xã đi hết các dải đất bằng chưa đầy 20 phút đã chạm núi. Ngay trước mặt (hướng nam) là núi Voàn Nhân, đồng bào thôn Gò Re sinh sống theo triền đồi. Qua bên kia sườn núi là giáp tỉnh Gia Lai và một phía giáp với xã Hiếu thuộc huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum. Phía tây nam của xã là núi Pành, Rà Mồi, đồng bào các thôn Nước Lăng, Nước Chạch sinh sống. Phía đông giáp với dòng sông Re - đây là ranh giới giữa xã Ba Xa và Ba Vì.

 

Đồng bào tranh thủ lột vỏ keo, kiếm thêm thu nhập.
Đồng bào tranh thủ lột vỏ keo, kiếm thêm thu nhập.


Theo chỉ dẫn của già Xí, nhìn đâu cũng thấy núi dựng. Dòng sông Re mùa này, nước cạn trơ ra những tảng đá, những bờ vực. Ba Xa chẳng khác nào như ở nơi "đường cùng, ngõ cụt". Thế mà, già Xí vẫn không nói cái khổ của đồng bào mình. Già tự hào: "Nơi đây, vẫn có nhiều hộ khá giả". Già liệt kê hàng loạt tên hộ sản xuất giỏi trong làng, nào là anh Hùng thôn Ba Ha biết làm rẫy, làm ruộng giỏi, lúa gạo quanh năm đầy bồ. Anh Chúp thôn Nước Như biết tận dụng các đồi cao để nuôi trâu đàn, rồi bán mua gạch ngói, xi măng làm nhà kiên cố. Ông Cuốc, ông Him, ông Thái... nhờ chăm chỉ, cần mẫn nên giờ họ đã có cuộc sống đầy đủ!

Ở vùng đất tận cùng này, để có chén cơm bà con phải đổ mồ hôi, phải luyện đôi chân không biết mỏi, đôi tay không có ngày mềm da. Người đi theo con trâu, con bò chăn dắt hết núi này sang núi nọ. Người bỏ cái cuốc làm đồng gieo lúa lên xanh là lo cầm cái rựa lên rẫy phát chồi, đào lỗ trồng mì, trồng keo. Mùa này, hoa màu chưa vào vụ thu hoạch, nhà có keo thì thu hoạch, nhà không rẫy thì đi làm công kiếm tiền. Chăm chỉ trên từng tấc đất nên đồi núi Ba Xa đã phủ xanh.


Còn ở các cánh đồng, từng ô ruộng nhỏ hẹp nằm chen dưới các hóc núi, các mạch nguồn xa. Có đám ruộng đá trái nằm chen ngổn ngang. Nhiều đám bị chia cắt bởi sa bồi, thủy phá... Hệ thống kênh mương nội đồng kiên cố không nhiều. Thế nhưng, bây giờ lúa vẫn lên xanh tốt, đẻ nhánh làm đòng.

Ông Phạm Văn Hùng, thôn Ba Ha, cho rằng: "Đất hẹp nên nơi nào cắm được cây lúa thì mình cắm! Nhà chỉ gieo khoảng 3 ang lúa giống thôi, nhưng tính đến 5 đám ruộng. Có đám ở trên gò cao, đám bị chia cắt bởi suối. Nước không đưa lên tưới được thì mình lấy cây lồ ô, cây tre lớn rồi đục các mắc nối với nhau đưa nước về ruộng. Không có gì khó, chỉ sợ mình không làm thôi!". Nhờ đó, mà năm nào lúa trên đồng cũng trĩu hạt, gia đình ông có đủ gạo ăn. Đồng bào Hrê ở xã Ba Xa này cũng có những suy nghĩ như ông, nên năm nào ở xã Ba Xa lúa cũng đạt năng suất bình quân 45 tạ/ha.

Ba Xa - khoảng cách còn xa!

Có được cuộc sống như hôm nay là từ nội lực bà con vươn lên. Nhưng nhìn tổng thể thì Ba Xa so với nơi khác còn nhiều khoảng cách.  Phó Chủ tịch UBND xã Ba Xa Phạm Văn Tín cho biết, đường về các làng còn rất khó khăn. Có nơi chỉ hơn 1km đường về thôn, nhưng phải qua đến 3 con suối lớn, vài  mương nhỏ, lên dốc cao... Anh Tín cho biết thêm: "Mùa này còn đỡ, sợ nhất là mùa mưa. Con đường đi trở thành rãnh nước từ trên đồi cao đổ về. Các suối lớn nhanh, trẻ nhỏ bỏ học nhiều. Sau mùa mưa có em ham học thì tiếp tục, nhưng kiến thức cũng bị hổng, có em thì bỏ học luôn...".

Ở Ba Xa có nhiều vùng như thôn Gò Re, Nước Lăng vẫn chưa có điện. Đường giao thông cách trở, mùa mưa chia cắt... Thu nhập bình quân của dân trong xã chỉ đạt 3,96 triệu đồng/năm. "Địa phương đã trăn trở điều này, nhưng ngoài khả năng của xã. Hy vọng, chương trình xây dựng nông thôn mới sắp đến đường giao thông, cầu cống được cải thiện, đời sống bà con khá hơn, trẻ em cũng bớt thiệt thòi" anh Tín nói.

Người dân ở vùng đất khó Ba Xa đang vươn lên bằng ý chí, nghị lực bền bỉ. Vì vậy họ rất cần sự trợ giúp của tỉnh và huyện, nhất là việc giao đất, giao rừng  và hướng dẫn bà con trồng cây nguyên liệu để phát triển kinh tế bền vững. Bởi, đất ruộng hẹp, cuộc sống bà con chủ yếu nhờ vào đất rừng.  
  

 Bài, ảnh: PV

 


.