Xử lý mạnh tay buôn lậu và gian lận thương mại

09:02, 18/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, gây thất thu lớn ngân sách nhà nước, mà còn tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội và sức khỏe người dân.

TIN LIÊN QUAN

Kiểm soát khó khăn

Trong năm 2013, các cơ quan chức năng là thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 127) đã thanh tra, kiểm tra 3.234 vụ, phát hiện 1.782 vụ vi phạm, xử lý hành chính 1.147 vụ, đang tạm giữ chờ xác minh làm rõ để xử lý 9 vụ, thu nộp ngân sách gần 42 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa và chấp hành các quy định của Nhà nước về hoạt động kinh doanh tại 832 doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể, phát hiện 165 vụ vi phạm, xử phạt 86 cơ sở, thu nộp hơn 350 triệu đồng.

Ban Chỉ đạo 127 tỉnh kiểm tra tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường.
Ban Chỉ đạo 127 tỉnh kiểm tra tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường.


Các cơ quan thanh tra khác kiểm tra hơn 2.400 vụ, phát hiện hơn 1.600 vụ vi phạm, xử nộp kho bạc hơn 12,5 tỷ đồng; xử phạt và truy thu thuế, giảm khấu trừ, giảm lỗ khoảng 65 tỷ đồng. Đồng thời tịch thu lâm sản, hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trị giá 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó có 9 vụ tính chất nghiêm trọng, đang xác minh làm rõ gồm: Vận chuyển buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại như vi phạm thủ tục hải quan, trốn lậu thuế, hóa đơn, chứng từ…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh, hiện nay phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp, được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất, nhập lậu, vận chuyển đến tiêu thụ từ các cửa khẩu vào sâu trong nội địa. Các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại  sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, thay đổi biển số xe, địa điểm giao nhận hàng. Đồng thời, các đối tượng này lợi dụng việc quản lý nhà nước có phần lỏng lẻo về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường và việc quản lý, in ấn hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Đặc biệt, tình trạng giá ghi trên hóa đơn thường rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 10 - 20% giá trị thực tế trên thị trường để đối phó với cơ quan chức năng nhằm trốn thuế. “Kiểm soát hành vi này rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng mới có thể phát hiện, xử lý, ngăn chặn” , ông Trần Quang Toản-Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, kiêm Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo 127 tỉnh cho biết.

Báo động gian lận thuế

Năm 2013, Chi cục Thuế TP. Quảng Ngãi phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm Kinh tế & chức vụ đã phát hiện hồ sơ kinh doanh của doanh nghiệp Kim Thuyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua điều tra xác minh phát hiện bà Lê Thị Kim Thuyền – chủ doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp và hoạt động nhưng không có sổ sách kế toán. Năm 2012 không có báo cáo tài chính, không có kho vật tư, không có hợp đồng lao động với nhân viên kế toán, không có thủ kho, thủ quỹ, nhân viên bán hàng; không có đủ chứng từ hóa đơn mua vào – bán ra như hợp đồng vận chuyển, giao nhận hàng. Vì thực chất bà Thuyền thành lập doanh nghiệp để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý theo pháp luật.

Năm 2013, Cục Thuế tỉnh đã đề nghị cơ quan chức năng xác minh 2.517/4.338 hóa đơn, phát hiện 8 hóa đơn bất hợp pháp, đã xử lý khấu trừ thuế; xác minh theo đề nghị hơn 1.600 hóa đơn, phát hiện 9 hóa đơn người mua không kê khai. Đồng thời tiến hành kiểm tra, thanh tra tại 522 đơn vị, phát hiện vi phạm truy thu và phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gian lận thương mại về thuế hơn 37,5 tỷ đồng; giảm khấu trừ hơn 4,3 tỷ đồng, giảm lỗ gần 35 tỷ đồng.

Vi phạm kinh doanh xăng dầu, phân bón

Năm 2013, Thanh tra Sở KH&CN phát hiện hơn 12.000 phương tiện đo quá hạn kiểm định, 2 cột bơm xăng dầu, 6 lô hàng không đạt yêu cầu về đo lường (không đủ định lượng), 8 cột bơm không đạt yêu cầu về đo lường. Cơ quan chức năng qua tuần tra đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm kinh doanh xăng dầu trái phép khác. Điển hình vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Dung Quất phát hiện tàu gỗ biển kiểm soát V76-0063 do ông Nguyễn Văn Quốc, thường trú tại Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) điều khiển vận chuyển 11.200 lít xăng A92 đang từ hướng Nhà máy đóng tàu Dung Quất thuộc thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn) về cảng Marina. Qua kiểm tra, ông Quốc không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số xăng nói trên, không có giấy đăng ký kinh doanh dịch vụ vận chuyển xăng dầu. Chỉ huy trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Dung Quất đã ra quyết định xử phạt hành chính 65 triệu đồng, tịch thu 10.200 lít xăng A92.

Thanh tra Sở NN&PT nông thôn đã tiến hành 16 đợt thanh tra, kiểm tra tại 627 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản, giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi... Kết quả phát hiện 4 mẫu giống không đạt chất lượng, 2 mẫu thức ăn không đạt chỉ tiêu, 3 mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu N, 1 mẫu không đạt chỉ tiêu P2O5. Thanh tra đã phạt 54 trường hợp, thu hơn 220 triệu đồng.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.