Trở lại công trường sau Tết...

03:02, 24/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau Tết, những người thợ làm đường, đào hầm, xây dựng các công trình trên đất Sơn Tây đã bắt đầu trở lại công trường. Hối hả, khẩn trương, bao công việc thường nhật của đời thợ lại tất bật theo ngày tháng…

TIN LIÊN QUAN

Mở đường trong mây

Cung đường Đông Trường Sơn – con đường chiến lược chạy qua địa phận các xã Sơn Dung – Sơn Mùa – Sơn Bua của huyện Sơn Tây chỉ dài chừng 40km. Nhưng trong quãng đường ấy có biết bao vất vả, nhọc nhằn. Nhiều đoạn đường phải vắt qua sông, qua suối, qua lưng chừng đèo cao. Và đường mở đến đâu là cuộc sống của người dân được mở ra một trang mới: Nhà cửa khang trang, cửa hàng, cửa hiệu mọc lên thay cho cảnh âm u của miền sơn cước trước đây.

 

Rộn rã trên công trường đập thủy điện Đắkdrinh.
Rộn rã trên công trường đập thủy điện Đắkdrinh.


Chúng tôi lên Sơn Bua vào giữa tháng giêng năm Giáp Ngọ. 8 giờ sáng mà trời vẫn một màu trắng đục của sương mù. Trong màn sương ấy, những người lính công binh Lữ đoàn 270 Quân khu 5 đang hì hục bám theo cung đường thi công, xây lắp. Mồ hôi đổ giữa sương lạnh. Nhưng đó chỉ là một phần trong vô vàn khó khăn mà hằng ngày các chiến sĩ trẻ công binh phải bám trụ làm đường. Bàn tay chai sần vừa mềm lại sau những ngày nghỉ Tết, hôm nay lại dày lên, phồng rộp, nhưng sức trẻ cứ cuồn cuộn cuốn các anh vào những mục tiêu mới trên mặt đất.

Con đường bê tông phẳng lì hiện thêm nét mới sau mỗi bước chân, đôi tay và khối óc các anh. Binh nhì Nguyễn Hoàng Dũng, Lữ đoàn 270 nói vui: “Mở đường trong mây mệt nhưng thú vị lắm!. Mây mênh mông như biển. Tiếng chim hót rộn hơn cả tiếng đàn. Vui nào bằng mở đường Trường Sơn chứ!”.

Phấn đấu vì ngày phát điện

Vào ca sớm nhất có lẽ là các công nhân thi công thủy điện Đắkđrinh. Từ trung tâm điều hành nhà máy, phóng tầm mắt nhìn về đường hầm, từng tốp công nhân cùng phương tiện cơ giới khẩn trương xoay vần những khối đất đá hoàn thiện đường hầm trước ngày phát điện. Nhiều người thợ từ Quảng Bình, Nghệ An vào đây lao động đã quen việc ấy trên công trường này 2 năm rồi. Cứ xuân về lại ra đi mang theo bao hoài bão, ước vọng vào công việc đời thợ đường hầm. Anh Nguyễn Văn Danh, quê ở Quảng Bình, vào đây lao động trên đường hầm số 6, bảo rằng: “Công việc nặng nhọc nhưng quen rồi. Với lại thu nhập ổn định, có tiền gửi về lo cho con cái ăn học. Để đảm bảo tiến độ công trình, đơn vị đang tăng ca, bận rộn lắm!”.

Ông Đặng Hữu Thắng – Phó Giám đốc Công ty CP thủy điện Đắkđrinh dường như không có thời gian rảnh rỗi. Chiếc xe cơ động chở ông cứ loáng cái từ khu vực trung tâm điều hành lại trở về đập VH2 với quãng đường khoảng 30km. Nhanh nhẹn, quyết đoán, nơi nào "có vấn đề” là ông có mặt hỗ trợ anh em thi công ngay. Cánh thợ trẻ túc trực luân phiên để đảm bảo tiến độ hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 dự kiến khoảng 2 tháng nữa. “Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng làm việc hết công suất, đảm bảo nhà máy phát điện đúng tiến độ” – ông Đặng Hữu Thắng cho biết.

Cung đường mùa xuân

Chưa có năm nào khí thế ra quân làm đường giao thông ở Sơn Tây lại rộn rã như năm nay. Tất cả các xã có đường giao thông bị sạt lở chưa khắc phục xong đều tổ chức ra quân làm đường. Khí thế lao động hăng say, tình đoàn kết chung tay của hơn 1.500 dân các xã Sơn Màu, Sơn Tinh, Sơn Lập đã biến con đường dài hơn 7km tắc tị sau lũ lịch sử trở nên thông thoáng, xe máy dễ dàng lưu thông.

Thế nhưng, có lẽ vui nhất trong mùa xuân này là bà con khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh, xã Sơn Long. Nhờ sự chung tay của đoàn viên thanh niên, người dân trong xã, Nước Đốp đã có đường từ trung tâm xã về đến tận làng dài hơn 5km. Xe máy hôm nay đã có thể chạy bon bon chứ không còn phải đi bộ xuyên rừng như trước nữa. Chuyện học hành, giao thương, vận chuyển nông sản đã thuận lợi.

Tại xã Sơn Dung, những ngày đầu năm bà con ở các khu dân cư dọc tuyến đường Đông Trường Sơn cũng rủ nhau khắc phục sạt lở sau trận lũ giữa tháng 11.2013. Những con đường dẫu chỉ là tạm thời phục vụ đi lại nhưng ai cũng vui khi đóng góp một chút công sức cho việc làng. Già làng Đinh Văn Bút, thôn Ca Sim, xã Sơn Dung bảo: “Việc nhỏ bà con mình phải ra tay làm. Việc lớn mới cần đến chính quyền giúp sức. Một đoạn đường tắc, một cái suối bị đá chặn dòng là việc của dân làng. Chuyện của làng cùng nhau làm, cùng nhau hưởng lợi mới vui”.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.