Thị trường thực phẩm sau Tết ổn định

04:02, 15/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn mười ngày sau Tết, thị trường thực phẩm như thịt, cá trên địa bàn tỉnh vẫn giữ ở mức ổn định, giá các loại rau xanh thấp so với mọi năm.

TIN LIÊN QUAN

Sức mua giảm…

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhiều ngày là yếu tố chính tác động đến sức mua của hầu hết các mặt hàng thực phẩm. Tại các chợ trên địa bàn thành phố và trung tâm huyện các mặt hàng thịt heo, hải sản, gà, vịt tiêu thụ chậm, mặc dù giá ổn định; giá rau, củ, quả  giảm mạnh. Nguyên nhân là do người tiêu dùng lo ngại dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều nơi trong tỉnh. Thêm vào đó là những ngày sau Tết, ngư dân các vùng biển trúng cá cơm và ruốc nên mặt hàng thủy sản cá cơm, ruốc khá rẻ lại tươi nên người dân chuyển sang dùng mặt hàng này nhiều.

 

Gần chiều tối, các tiểu thương bày thịt ra cả lối đi chung, với hy vọng bán hết hàng.
Gần chiều tối, các tiểu thương bày thịt ra cả lối đi chung, với hy vọng bán hết hàng.


Tại chợ tạm thành phố Quảng Ngãi, thịt heo có giá từ 75 - 95.000 đồng/kg tùy loại. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, một tiểu thương bán thịt heo lâu năm ở chợ này cho biết: Ít có năm nào giá thịt heo lại giữ ổn định như năm nay. Trước và sau Tết giá có tăng chút ít, nhưng những ngày này giảm từ 5 - 10.000 đg/kg tùy loại. Theo chị Chi, từ mùng 6 tháng Giêng đến nay, giá thịt giảm là do các siêu thị mở cửa trở lại nên người dân vào siêu thị mua, dẫn đến lượng hàng các tiểu thương bán sụt giảm, kéo giá giảm theo. “Nhưng mấy ngày gần đây, chợ ế ẩm, ít người mua nên tôi chỉ lấy của lò mổ có vài kilôgam thịt bò và hơn chục kilôgam thịt heo để bán. Tuy giá thịt bò giảm 20 - 30.000 đ/kg, thịt heo giảm từ 5 - 10.000 đ/kg, nhưng bán rất chậm", tiểu thương Nguyễn Thị Hồng Toa bán tại chợ tạm cho biết.

Bà Thủy bán rau ở chợ tạm cho biết: Giá cà chua, bắp cải, rau ăn lá như tần ơ, rau muống, mồng tơi, xà lách… giảm vài ba ngàn đồng/kg so với trong Tết. Hiện 1kg rau muống, mồng tơi chỉ 5.000đ. Theo bà Thủy, nguyên nhân là năm nay thời tiết thuận lợi, nhà nào cũng trồng rau nên nhu cầu mua rau khá thấp. "Buổi sáng, rau, củ, quả còn có người mua chứ đến gần trưa và chiều thì rất ế, nhiều hôm tôi phải bán đổ bán tháo mới hết hàng", bà Thủy tâm sự.

Hàng thủy sản tăng nhẹ

Khác với các loại thực phẩm như thịt, rau, các mặt hàng thủy sản tươi sống như tôm biển, mực cơm, mực ống, cua biển, cá hố… lại tăng nhẹ so với trước Tết. Nguyên nhân là các đầu nậu lấy lý do chi phí đầu năm tăng, tàu thuyền đi biển xa ít, cước phí vận chuyển tăng nên phải tăng giá. Theo chị Trần Thị Hà - tiểu thương bán thủy sản ở chợ tạm, giá mực cơm hiện là 130.000 đ/kg, tăng 10.000đồng so với trước Tết. “Giá tăng mình bán khó lắm. Hơn nữa, các loại thủy sản như cá cơm, ruốc và các loại thủy sản giá bình dân nên người dân chuyển sang dùng loại này” - chị Hà thở dài cho biết.

Sau Tết, nhiều gia đình thường mua gà cúng và làm cơm tiễn con cái, người thân vào Nam. Thế nhưng năm nay, dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số địa phương nên giá gia cầm tuy không giảm, nhưng thị trường gần như ngưng trệ. Chị Trương Thị Xuân - kinh doanh gia cầm ở chợ tạm thành phố cho biết, hiện vịt giá từ 50 - 70.000đg/kg, còn gà ta từ 80 - 85.000 đg/kg. “Nghe nói có cúm gia cầm nên tôi chỉ bán có một, hai con gà mà từ sáng đến giờ có ai mua đâu. Còn vịt thì hầu như từ Tết đến giờ tôi chỉ bán được có vài con cho mối quen. Bởi, người dân ngại ăn vịt đầu năm”, chị Xuân lo lắng.

Sau Tết, với tâm lý muốn mua thực phẩm đảm bảo an toàn, đúng giá, nhiều gia đình chọn siêu thị để mua sắm. Theo đó, tại Co.op Mart vào ngày 12.2, giá 1kg bò bắp 185.000đg, thịt đùi bò 219.000 đg/kg, đùi heo 99.000đg/kg… giá tăng nhẹ so với trước Tết. Các mặt hàng thực phẩm khác như gà ta thì lại giảm giá, các mặt hàng thủy sản tăng nhẹ so với trước Tết do biển động...


Giá thực phẩm ổn định nên giá cả các dịch vụ ăn uống bình dân như cơm bình dân, bún, phở... cũng không tăng giá như những năm trước.

Bài, ảnh: Sông Thương
 


.