Sau Tết, hoa và rau xanh rẻ như bèo

04:02, 11/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Những ngày đầu năm mới, không khí lao động đã bừng bừng ở khắp nơi. Tuy nhiên, trên những cánh đồng rau và vườn trồng hoa ở Quảng Ngãi, người nông dân không khỏi thất vọng khi giá rau, giá hoa đang rẻ như bèo.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày sau Tết, nắng đẹp, những ruộng hoa layơn ở Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) đua nhau khoe sắc, khiến người trồng hoa sầu não. Làng hoa Nghĩa Hà là một trong những làng hoa ven sông nổi tiếng của tỉnh. Hàng năm, làng hoa này cung cấp ra thị trường một lượng lớn hoa để phục vụ cho dịp Tết. Loại hoa được trồng chủ yếu trong vùng là layơn với rất nhiều màu sắc như đỏ, vàng, hồng….
 
 
Sau Tết, những ruộng hoa lay ơn mới nở rộ.
Sau Tết, những ruộng hoa layơn mới nở rộ.
 
Chỉ tay về ruộng lay ơn đủ sắc màu đang nở rộ, anh Nguyễn Văn An ở thôn Bình Đông cho biết, vụ hoa Tết này anh trồng 20kg củ giống trên diện tích 1.000m2. Sau 2 ngày xuống giống lũ về đã cuốn trôi một nửa, trước Tết chỉ bán được 2.000 cành, số còn lại sau Tết mới chịu nở. 
 
"Mồng 3 Tết, cả nhà tôi chở lên tận chợ tỉnh bán giá 20.000 đồng 10 cành mà vẫn không có người mua, đến trưa đành đại hạ giá 10.000 đồng rồi 8.000 đồng, thậm chí là 5.000 đồng/bó, giá nào cũng bán. Chưa năm nào trồng hoa lại thất bại thảm hại như vậy. Hoa Tết thì vui mà hoa tháng Giêng não ruột”- anh An than vãn.
 
Ruộng hoa của nhà ông Ngô Văn Việt cũng đang trong tình trạng thừa hoa tháng Giêng, thiếu hoa Tết. Năm nay, ông Việt mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng trồng 6 sào lay ơn, hứa hẹn thời tiết thuận lợi ông sẽ kiếm hơn trăm triệu đồng dịp Tết. Ai ngờ chỉ vỏn vẹn có 1 sào hoa nở đúng hẹn. Với giá bán từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/cành, ông chưa thu lại đủ vốn.
 
Năm nay, người trồng hoa lay ơn bị thiệt hại kép, hết lũ lụt rồi đến lạnh giá kéo dài đến trước Tết Nguyên đán khiến người trồng hoa tốn nhiều chi phí đầu tư và chăm bón. Cố gắng của người trồng hoa là thắp điện ban đêm mong hoa nở kịp Tết, nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình thế. Phần lớn các ruộng hoa của các hộ nông dân lỡ hẹn với nàng xuân.
 
Chính vì hoa không nở trước Tết nên giá hoa thời điểm này khá cao. Thương lái thu mua tại ruộng từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/cành về bán lại đến 10.000 đồng, thậm chí là 13.000 đồng/ cành. Bởi thế mới có tình cảnh, những ngày giáp Tết, nhiều người hỏi giá rồi tặc lưỡi bỏ đi.
 
Giá rẻ như bèo, hoa được làm thức ăn cho bò.
Giá rẻ như bèo, hoa được nhổ về làm thức ăn cho bò.
 

Theo ông Nguyễn Mau, 1 sào đất trồng được 10.000 cây hoa lay ơn, đó là chưa kể số củ bị thối không mọc được. Nếu thời tiết thuận lợi, chi phí để có được 1 cành hoa khoảng 750 đồng, tương đương với 7,5 triệu đồng/sào, chưa kể công chăm bón suốt 3 tháng ròng.

Nếu hoa nở kịp Tết và giữ mức giá 2.000 đồng/cành như năm ngoái thì ít ra người trồng hoa có lãi 12 triệu đồng/sào. Bấy nhiêu với người nông dân đã là siêu lợi nhuận so với trồng lúa, trồng rau.
 
Còn thời tiết bất lợi như năm nay, người trồng hoa phải tốn thêm cả triệu đồng tiền điện thắp sáng cho hoa mà hoa rẻ như bèo, 700-800 đồng/cành như mấy ngày sau Tết thì người trồng hoa chỉ mong thu lại đủ vốn. Nhiều hộ không mặn mà thu hoạch hoa đi bán, đành nhổ về cho bò ăn hoặc đợi hoa khô rồi đốt, vệ sinh đồng ruộng xuống giống vụ rau mới.
 
Cùng với hoa, một tuần trở lại đây, giá hầu hết các loại rau đều giảm mạnh đến 1/2, thậm chí giảm 8-9 phần so với giá trước Tết. Cụ thể, nếu như đậu tây trước Tết được bán ra với giá gốc từ 20-25.000 đồng/kg, thì nay người nông dân phải ngậm ngùi bán với giá 1.000-2.000 đồng/kg. Các loại rau khác cũng giảm giá khá mạnh như: tần ơ 500-800 đồng/kg, xà lách 1.100 đồng/kg, khổ qua giảm mạnh từ 40.000 đồng/kg còn 5.000 đồng/kg…
 
Nhìn giá rau rẻ mạt, không ít người nông dân phải khốn khổ, rơi nước mắt bất lực. Thậm chí, ở nhiều nơi, vì rau xanh trên đồng đến độ thu hoạch quá nhiều mà đầu ra không có nên nhiều người đành phải cắt bỏ hoặc đem cho vật nuôi trong nhà ăn bớt.

 

Người trồng rau vất vả sớm hôm nhưng không được đền đáp vì giá rau quá rẻ mạt
Người trồng rau vất vả sớm hôm nhưng không được đền đáp vì giá rau quá rẻ.
 
Chị Trần Thị Lý đang cặm cụi cắt rau tần ơ trên 1 sào đất ở đồng Liên Ngao, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh) vừa than thở: Trước Tết, rau làm ra không kịp bán, mà lại bán với giá cao. Nhưng cứ hễ sau Tết là ế không cách nào cứu chữa được. Vậy mà ngày nào tôi cũng phải dậy từ 3 giờ sáng để cắt rau cho ra chợ sớm.
 
Tuy nhiên, công sức thức khuya dậy sớm của người nông dân không được đền đáp xứng đáng khi vài ngày trở lại đây, số rau ế mỗi lúc một nhiều. “Mà rau cắt rồi nhưng không bán được thì còn cách đem về ăn. Ăn không hết phải cho gà, bò, heo ăn. Nản lắm. Tính ra vụ này tôi bị lỗ hơn 3 triệu đồng”- chị Lý nói thêm.
 
Số tiền bị lỗ do giá rau rẻ tuy nhỏ so với nhiều người, nhưng nếu tính chi li, công sức bỏ ra của người nông dân quả thật lớn hơn rất nhiều. Nhất là đối với xứ rau như ở xã Tịnh Long (Sơn Tịnh), Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) hay Mộ Đức, Bình Sơn, thu nhập người dân chủ yếu dựa vào rau thì đó là một tổn thất không hề nhỏ.

 

Nhiều hộ nông dân vì bán ế phải cho vật nuôi trong nhà ăn bớt
Nhiều hộ nông dân vì bán ế phải cho vật nuôi trong nhà ăn bớt.
 
Hiện nay, hàng trăm ha rau ở Quảng Ngãi không được thu hoạch đúng kỳ, thậm chị bị bỏ bê. Đối với người nông dân, công sức họ bỏ ra đã quá nhiều, giờ hái bán không được thì đành bỏ già rau ngoài đồng để chờ thời cơ giá rau lên. “Vất vả dậy sớm đi hái rau bán mà thu vài được vài chục nghìn đồng lẻ nên nhiều gia đình mệt mỏi không thèm hái nữa. Cứ để đó chừng nào giá được thì bán sau”- Bà Lê Thị Thúy ngụ thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) trầm ngâm nhìn về hơn 3 sào rau xà lách nói.
 
Tuy nhiên, rau xanh không thể chờ lâu vì sẽ già, héo úa chỉ qua 1, 2 ngày không được khai thác. Nên các hộ nông dân trồng rau đành bấm bụng nhổ bỏ. Bà Nguyễn Thị Tĩnh ngụ thôn Ân Phú, xã Tịnh An (Sơn Tịnh) cũng vừa mới bỏ đi hơn 2 sào đậu tây. Vất vả làm đất để xuống giống cho vụ rau mới, bà Tĩnh chép miệng nói: Nhổ bỏ chính những gốc rau do mình thức khuya dậy sớm vun trồng thiệt xót. Nhưng còn cách nào khác đâu.
 
Sở dĩ, giá rau rớt thê thảm như vậy là do nguồn cung quá nhiều. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ rau xanh sau Tết lại thấp đi. Đây là lí do để nhiều thương lái ép giá người nông dân.
 
Cứ như vậy, giá rau lên xuống cũng khiến nhịp sống của người nông dân thêm cơ cực. Quanh năm họ vất vả vun trồng chờ đến vụ Tết để bán cho được giá. Nhưng lỡ chậm chân không bán ra hết, hoặc rau không ra kịp vụ Tết thì y như rằng, sau Tết họ phải ngậm ngùi bỏ đi. Nhìn những đống rau bị nhổ bỏ, không ai không khỏi xót xa.
 
 
Bài, ảnh: Th.Phương-Ái Kiều

.