Nông dân hái lộc đầu năm

04:02, 12/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lúa tốt chắc hạt, rau quả được giá, mực cá đầy khoang. Với nông dân, họ chỉ mong có thế. Hẳn vậy mà ngay từ những ngày đầu xuân mới Giáp Ngọ này, nông dân khắp nơi trong tỉnh đã nô nức xuống đồng, ra biển hái và giữ lộc…  

TIN LIÊN QUAN

Căng buồm hái lộc biển

Giữa lúc hương vị Tết, khí thế Xuân vẫn còn lan tỏa, hiện diện trên khắp các nếp nhà, con xóm thì ngư dân-những người quanh năm sống nhờ biển lại căng buồm đi hái lộc. Sớm nhất phải kể đến ngư dân xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh). Mùng 2 Tết, họ đã rủ nhau xuất hành. Điểm đến là vùng biển trong tỉnh. “Lộc” mà họ hái được là cá cơm, “mẻ cá để lấy may đầu năm, không mong gì nhiều”.

 

Làng chài Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) nhộn nhịp, tất bật với lộc cá cơm.                                                                                         Ảnh: MỸ HOA
Làng chài Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) nhộn nhịp, tất bật với lộc cá cơm. Ảnh: MỸ HOA


Chẳng thế mà ngay phiên biển “mở hàng”, tất cả tàu thuyền trở về trong tình trạng ì ạch vì nặng…cá cơm thì cả làng chài vui như hội. Họ bảo: “Đầu năm lộc (cá) nhiều thế này, may mắn đầy cả năm”. Mà may mắn đầu tiên chính là khoang tàu liên tục đầy ắp cá cơm, cộng với giá bán ở mức cao (13.000-15.000 đồng/kg) nên chỉ sau một ngày đêm (từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau) quăng lưới, nhiều ngư dân như Nguyễn Hoài Linh, Trần Sáng, Phạm Bênh, Lê Văn Tính…đã bỏ túi từ 30-50 triệu đồng; thậm chí có người được cả trăm triệu đồng. Chẳng trách những ngày này, người dân-nhất là chị em phụ nữ làng chài Tịnh Kỳ í ới gọi nhau ra cảng cá để… vừa du xuân, vừa kiếm lì xì bằng công việc gánh chuyển cá, phơi cá hay mót cá. Vì nói như chị Nguyễn Thị Yến thì: “Tết, chủ tàu trả công hào phóng lắm, lại lì xì thêm. Thế nên mỗi ngày làm việc ở đây cũng được vài trăm nghìn”.     

Trong khi ngư dân đánh bắt gần bờ hái lộc ngay phiên biển đầu năm thì, những chủ tàu chuyên chinh phục ngư trường xa bờ cũng hăm hở căng buồm, rẽ sóng vươn khơi. Lý giải sự khẩn trương này, chủ chiếc tàu có công suất 380 CV Phạm Tấn Vân ở xã Tịnh Kỳ bảo rằng: “Tháng Giêng, biển bình yên, cá được giá nên mình phải tranh thủ xuất hành”. Chẳng thế mà mới mùng 3 Tết, tàu của anh Vân đã no dầu, đá, lương thực và bánh mứt Tết để mùng 4 Tết nổ máy, đưa chủ tàu và bạn chài ra các vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa đánh bắt hải sản.

Cùng với anh Vân, ngư dân các địa phương nức tiếng với nghề đánh bắt xa bờ như xã Bình Châu (Bình Sơn), Phổ Thạnh (Đức Phổ), Nghĩa An (Tư Nghĩa) cũng bắt đầu du xuân ra biển lớn. Họ đi không chỉ để hái lộc biển đầu xuân cho gia đình, mà còn góp sức giữ  gìn sự bình yên cho vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân Nguyễn Hữu Phúc ngụ thôn Phú Qúy, xã Bình Châu (Bình Sơn) bảo: “Biển bình yên là điều mong mỏi lớn nhất mà ngư dân ai cũng muốn giữ gìn. Vì biển yên, tàu mới đầy cá mực”.  

Ra ruộng giữ lộc đồng

Giữa lúc ngư dân hái được lộc biển ngay từ những ngày đầu năm thì, người trồng lúa, làm rau trong tỉnh cũng tranh thủ ra đồng để tìm và giữ lộc cho mình. “Lộc” với họ không chỉ là tiền tươi từ những bó rau, cân củ bán đầu năm mà là lúa xanh thân khỏe, rau quả tốt tươi lại được giá. Hẳn vì ý nghĩa này nên từ chiều mùng 1 Tết, tôi đã bắt gặp nhiều nông dân “xông ruộng” nhà mình. Lão nông Trần Hồng ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) bảo rằng: “Vãi phân phun thuốc đợt 2 cho lúa từ 29, 30 Tết rồi nhưng trong lòng vẫn không yên tâm. Mình ăn Tết, lỡ sâu bệnh nó cũng tìm lúa để…ăn Tết thì khổ. Vì vậy mình ra đồng thăm ruộng đầu năm là hợp lý nhất!”.

 

Nông dân tích cực chăm sóc lúa trên đồng ngay trong ngày Tết.
Nông dân tích cực chăm sóc lúa trên đồng ngay trong ngày Tết.


Tuy muộn hơn ông Hồng nhưng sáng mùng 4 Tết, nông dân các xã Tịnh Châu, Tịnh An (Sơn Tịnh) cũng đã tay xách cuốc, tay kẹp túi phân và lỉnh kỉnh cây lá, hình nộm, bẫy chuột ra đồng chăm sóc, bảo vệ ruộng lúa. Họ bảo hiện giờ, lúa đang ở trạng thái “lá tốt, thân khỏe” nhưng vẫn không thể chủ quan với bệnh đạo ôn và chuột. Lý do, hai loại này-nhất là đạo ôn rất thích cắn phá lúa vụ đông xuân. Mà một khi “chuột với đạo ôn rủ nhau ăn thì chỉ trong một đêm, đám lúa xanh um sẽ hóa…rạ chứ chẳng chơi”, ông Nguyễn Y ở xã Tịnh Châu bảo thế. Ấy nên dù đạo ôn chưa ghé, chuột cũng ít thăm nhưng giờ, đám lúa nhà ông Châu đã rợp cờ, hình nộm.

Trong khi nông dân trồng lúa cẩn thận thì, người làm rau màu cũng khẩn trương “dọn cũ, trồng mới”. Lý do là trước Tết, rau xanh, củ quả các loại không mang lại niềm vui trọn vẹn cho chủ nhân của nó khi mà giá cả trượt thảm hại. Dù những ngày giáp Tết, các mặt hàng này có tăng giá nhưng nói như ông Nguyễn Xí, người trồng rau ăn lá ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) thì: “Chẳng thấm vào đâu vì sau Tết, họ nhà cải, rồi xà lách, tần ơ vẫn rẻ như cho”. Vậy nên hiện giờ, ông Xí cũng như nhiều người trồng rau trong tỉnh tranh thủ dọn đất xuống giống mới hay tập trung chăm ớt, khổ qua hay đậu cô ve. Với hy vọng sẽ có nguồn thu nhập kinh tế ổn định.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.