Nhân rộng mô hình khuyến nông, khuyến ngư đạt hiệu quả

04:02, 25/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013, bám sát mục tiêu phương hướng sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh và yêu cầu của bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ngãi đã triển khai 5 chương trình khuyến nông với 28 mô hình với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Nhiều chương trình, mô hình khuyến nông áp dụng vào thực tiễn sản xuất  mang lại hiệu quả thiết thực.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả kinh tế từ các mô hình

Trong số các mô hình khuyến nông đã triển khai thực hiện trong năm 2013 thì chương trình khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh có 28 mô hình và Chương trình khuyến nông- khuyến ngư Quốc gia có 4 mô hình. Nhìn chung công tác xây dựng, trình diễn mô hình khuyến nông, khuyến ngư trong thời gian qua tiếp tục chuyển biến cả về tổ chức thực hiện và chất lượng chuyên môn, không dàn trải, manh mún nên rất thuận lợi cho công tác chỉ đạo thực hiện cũng như hiệu quả của việc nhân rộng mô hình.

Cụ thể như mô hình cải tiến kỹ thuật sản xuất lúa nước miền núi quy mô 4 ha tại  huyện Sơn Tây và Minh Long có 33 hộ tham gia, cho năng suất bình quân trên 55,8 - 60 tạ/ha. Năng suất và hiệu quả mô hình đạt cao là do cải tiến kỹ thuật trong quá trình chăm bón như sử dụng hạt giống lúa cấp nguyên chủng, sạ thưa hợp lý, bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

 Thu hoạch chôm chôm ở Nghĩa Hành.
Thu hoạch chôm chôm ở Nghĩa Hành.


Mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa có 448 hộ nông dân ở các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn tham gia, cho năng suất 62,5 - 65 tạ/ha, tăng hơn sản xuất đại trà cùng điều kiện từ 3,5 - 10 tạ/ha. Mô hình đã giúp nông dân tiếp cận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa đem lại hiệu quả cao.

Mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 6 ha có 81 hộ nông dân ở Nghĩa Hành, Bình Sơn tham gia, năng suất đậu phụng 20 - 21 tạ /ha, cao hơn so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh năng suất và hiệu quả kinh tế đạt được, mô hình còn tạo ra những tác động tích cực khác như giảm áp lực về nhu cầu nước tưới đối với cây trồng sản xuất ở vụ hè thu, cách ly nguồn sâu bệnh, tăng độ phì cho đất, giúp nông dân khai thác và sử dụng đất đai một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

 Mô hình nuôi thâm canh bò lai chuyên thịt ở Đức Phổ có 60 hộ tham gia nuôi 80 con cho thấy năng suất, chất lượng, tốc độ tăng trọng của vật nuôi đảm bảo với định mức kinh tế kỹ thuật; tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, dễ nuôi, rủi ro thấp. Thu nhập trong giai đoạn vỗ béo đạt hơn 4 triệu đồng/con.

 Về thủy sản, có nhiều mô hình nuôi cá đạt hiệu quả cao như cá mú chấm đen nuôi trong ao đất; nuôi hàu đơn trong lồng; nuôi cá thác lác, cá lóc đầu nhím trong hồ lót bạt; ghép tôm với cá dìa trong ao đất... đều cho thu nhập trên 20 triệu đồng/vụ. Cá biệt có mô hình nuôi cá bớp, cá hồng đỏ trong lồng ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), cá diêu hồng thương phẩm trong lồng ở xã Sơn Giang (Sơn Hà) lợi nhuận thu đạt từ 53 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/vụ.

Cần  nhân rộng

Từ việc triển khai, trình diễn các mô hình khuyến nông, khuyến ngư trong thời gian qua cho thấy, có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao cần được nhân rộng.

Trên lĩnh vực trồng trọt có mô hình cây ăn quả như chôm chôm, bưởi da xanh, cây sầu riêng hạt lép, cây thanh long ruột đỏ. Mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, cải tiến kỹ thuật canh tác lúa nước miền núi. Sử dụng sản phẩm bả diệt chuột sinh học trên ruộng lúa. Trồng rừng thâm canh keo lai hom...

Về chăn nuôi có các mô hình: Lai tạo bò thịt chất lượng cao, vỗ béo bò thịt, nuôi heo hướng nạc, nuôi gà an toàn sinh học. Về thủy sản, cần nhân rộng các mô hình nuôi ghép các loài cá nước ngọt, nuôi cá mú lồng, ghép tôm với cá dìa, nuôi hàu đơn, ứng dụng máy dò ngang trên tàu lưới vây.    

Đối với ngành nghề nông thôn, nhân rộng mô hình xây dựng hầm biogas, máy cày đất, máy phát điện sử dụng biogas...


Bài, ảnh: Nguyễn Khâm

 


.