HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Dương: Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất

07:02, 04/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm gần đây, HTX DV NN Bình Dương (Bình Sơn) đã từng bước tiến hành việc dồn điền, đổi thửa được 150 ha trong tổng số 250 ha đất lúa theo chủ trương của tỉnh. Nếu vẫn cứ sản xuất lúa thủ công hoặc cơ giới hóa không đồng bộ theo kiểu cũ thì sẽ không khai thác hết hiệu quả của Chương trình dồn điền, đổi thửa. Vì vậy,  HTX DV NN Bình Dương đã mạnh dạn hợp đồng với Sở Khoa học và Công nghệ để hai bên cùng thực hiện Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ  nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên đất dồn điền, đổi thửa tại HTX DV NN Bình Dương".

 Dự án này là đề tài khoa học cấp tỉnh, thực hiện trong thời gian 24 tháng (từ tháng 9.2013 đến tháng 9.2015) với  mục tiêu cụ thể là: Xây dựng mới tổ hợp tác để nâng cao năng lực hoạt động dịch vụ cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm lúa của HTX. Xây dựng cánh đồng mẫu lớn quy mô 150 ha, canh tác đạt năng suất từ 65 - 70 tạ/ha/vụ, chất lượng và độ đồng nhất sản phẩm hàng hóa tốt, thu nhập của người sản xuất tăng từ 15 - 20%. Với tổng kinh phí đầu tư cho dự án trên 18 tỷ đồng (trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ trên 2,7 tỷ đồng, ngân sách huyện 513 triệu đồng, vốn HTX và xã viên trên 14,9 tỷ đồng).

 

Máy cày Kubota của HTX DV NN Bình Dương trang bị cho tổ Hợp tác cơ giới hóa phục vụ sản xuất theo Dự án.
Máy cày Kubota của HTX DV NN Bình Dương trang bị cho tổ Hợp tác cơ giới hóa phục vụ sản xuất theo Dự án.


Dự án được thực hiện với quy mô cụ thể là thành lập 1 tổ hợp tác cơ giới hóa, có 6 máy cày Kubota loại L408, 2 máy gặt đập liên hợp Kubota loại DC60, 2 máy đào Huyndai ROBEX 27 Z-9, 1 nhà để xe, máy rộng 100m2 và  sân phơi 150 m2; xây dựng cánh đồng mẫu lớn 150 ha canh tác, sản xuất 3 vụ (450 ha gieo trồng, gồm 100 ha lúa lai, 350 ha lúa thuần). Có 650 hộ nông dân tham gia dự án/vụ.

Sản phẩm của dự án là tạo ra mô hình thâm canh lúa thuần và lúa lai trên đất phèn mặn, đạt tiêu chuẩn lúa thương phẩm. 10 kỹ thuật viên cơ sở và 1.400 nông dân qua tập huấn làm chủ được kỹ thuật trồng lúa lai, lúa thuần trên đất phèn mặn tại xã Bình Dương. Tổ Hợp tác cơ giới hóa hình thành và hoạt động đúng quy định pháp luật; hoạt động kinh doanh có lãi lớn hơn lãi vay ngân hàng thương mại cùng thời điểm.

Bình Dương là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tiêu chí khó khăn nhất trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay là  tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Vì thế, đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập là giải pháp tối ưu giúp xã Bình Dương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.

Sau khi kết thúc dự án, HTX DV NN Bình Dương sẽ đảm nhận trách nhiệm tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn ra phạm vi toàn HTX 250 ha, trên cơ sở tiếp tục dồn điền đổi thửa 100 ha đất lúa còn lại. Đồng thời tiếp tục mở rộng dịch vụ cơ giới hóa và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa. Chính quyền địa phương và các tổ chức hội đoàn thể cấp xã sẽ hỗ trợ cho HTX DV NN Bình Dương thực hiện phương án mở rộng theo mô hình tổ chức của dự án này.

Từ kết quả thực hiện ở Bình Dương, huyện Bình Sơn và các huyện đồng bằng khác trong tỉnh đều có thể học tập kinh nghiệm tổ chức thực hiện, bổ sung hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn và cơ giới hóa sản xuất lúa tại HTX DV NN Bình Dương ra  phạm vi toàn tỉnh.


Bài, ảnh: PV
 


.