Trở thành tỷ phú từ gánh hàng rong

09:01, 08/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất thân từ nghèo khó, với hai bàn tay trắng, nhưng chị Lê Thị Mai ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã gầy dựng nên Công ty chế biến thủy sản với quy trình sản xuất quy mô, hiện đại. Nhìn cơ ngơi bạc tỷ hôm nay, ít ai có thể ngờ được rằng, người phụ nữ “chân đất” nhưng tài ba ấy đã khởi nghiệp chỉ từ một gánh hàng rong…

Nhọc nhằn với gánh hàng rong

30 năm về trước, ở vùng muối Sa Huỳnh, những người phụ nữ nơi đây chỉ biết gửi đời mình vào những hạt muối trắng ngần nhưng mặn chát. Mùa nắng làm muối, hết mùa muối lại gánh cá đổi lấy gạo ăn. Oằn mình bên những gánh muối, rong ruổi từ Sa Huỳnh đến tận Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa… nhưng phải 5 - 6 gánh muối mới đổi được 1 gánh lúa.  Thế nên, dù phải quần quật cả năm, nhưng nhiều người vẫn bị cái nghèo bám riết và chị Lê Thị Mai cũng không ngoại lệ.

 

Chị Lê Thị Mai bên sản phẩm bạch tuộc khô của mình.
Chị Lê Thị Mai bên sản phẩm bạch tuộc khô của mình.


Gánh quang gánh trên vai, một bên là đứa con nhỏ mới 2 tuổi, một bên là mực, cá, chị Mai bụng mang dạ chửa rong ruổi từ Phổ Thạnh vào tận Tam Quan để bán cá mực cho các quán ăn. Mỗi ngày, bóng dáng tảo tần của người phụ nữ sắp đến kỳ sinh nở in dấu trên khắp các nẻo đường khiến ai thấy cũng lắc đầu ái ngại. Lắm lúc tủi thân, chị chỉ biết khóc. Nhưng rồi vì con, người phụ nữ ấy lại trở nên mạnh mẽ. Cứ tần tảo đi đi về về gần cả trăm cây số mỗi ngày.

Sau nhiều năm gánh mực đi bán dạo, có được chút vốn ít ỏi, chị Mai bắt đầu theo đuổi nghề chế biến mực khô. Chưa có đủ điều kiện để xây dựng khu chế biến riêng, chị tận dụng luôn căn nhà tuềnh toàng rộng chưa đầy 100m2 của mình làm mặt bằng sản xuất. Không đủ tiền thuê thêm người, cả gia đình 6 người của chị cùng nhau bắt tay vào làm. Nhưng vì chỉ sấy mực theo hướng thủ công nhỏ lẻ, nên dù đầu tắt mặt tối với nghề, nhưng mỗi ngày gia đình chị Mai cũng chỉ làm ra được dăm kilôgam mực khô…

Đến cơ ngơi bạc tỷ

Gom góp từng đồng bạc lẻ, “năng nhặt chặt bị”, sau 10 năm làm lụng không ngừng nghỉ, từ dăm kilôgam mực khô năm nào, chị Mai bắt đầu mở được khu chế biến nho nhỏ và thuê thêm nhân công.

Đặt uy tín lên trên, chấp nhận giá đắt để lấy được nguyên liệu tươi ngon nên những khách hàng sau khi tìm đến chị Mai đều quyết định gắn bó lâu dài với chị. Cứ thế, với sự cần mẫn của một người phụ nữ, cơ sở chế biến của chị dần dần được mở rộng.

Không chế biến mực ống như nhiều cơ sở khác, cơ sở của chị Mai chọn bạch tuộc và mực nang làm nguyên liệu chính. Chính nhờ sản phẩm khác lạ này mà mực khô của cơ sở chị rất được thị trường ưa chuộng, nhất là các tỉnh phía Bắc. Mỗi kilôgam bạch tuộc thành phẩm, chị Mai thu được từ 100 - 150 nghìn đồng, còn mực nang thì có giá 350 - 400 nghìn đồng/kg. Không dừng lại ở việc chỉ buôn bán dựa vào các mối quen, bà chủ Cơ sở chế biến mực Thanh Mai này còn mang mực khô, mang thương hiệu của chính mình đến các hội chợ làng nghề để quảng bá.


Giữ vững phương châm làm việc “không tự hài lòng với những gì mình đang có” nên dù đã có trong tay cơ ngơi sản xuất rộng cả nghìn mét vuông với hơn 100 công nhân, nhưng chị vẫn quyết tâm bỏ vốn đầu tư để hiện đại hóa quy trình. Trả lại mặt bằng từng mượn của địa phương, chị Mai dốc hơn 6 tỷ đồng mua lại trụ sở Công ty HQ APAC để làm xưởng chế biến hiện đại.  

Từ gánh hàng rong và hai bàn tay trắng, nhờ biết tích lũy và có nghị lực mà người phụ nữ nghèo khó năm nào giờ đã trở thành giám đốc của một công ty chế biến, xuất bán ra thị trường hơn 100 tấn mực khô thương phẩm mỗi năm. Hồi tưởng lại những tháng ngày khó nhọc năm xưa, chị Mai bộc bạch: “Ngày đi phơi từng con mực để bán, gom góp từng đồng lãi, tôi chẳng bao giờ tưởng tượng được mình sẽ có một xưởng chế biến như hôm nay. Tôi chỉ nghĩ, khi làm việc thì lúc nào cũng phải cố gắng hết sức mình…”.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.