Sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp: Cần đúng hành lang pháp lý

03:01, 27/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác trồng rừng ở tỉnh ta ngày càng phát triển, làm tăng thêm mật độ che phủ rừng khoảng  7.000 - 8.000 ha/năm. Trong đó, công tác sản xuất giống cây lâm nghiệp đã có nhiều đóng góp đáng kể. Tuy nhiên, việc quản lý, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đang có một số bất cập cần sớm khắc phục.

Khó khăn trong quản lý

Kể từ khi Pháp lệnh Giống cây trồng và Quy chế Quản lý giống được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý để thực hiện trong lĩnh vực này. Đây là thuận lợi cơ bản giúp các cấp ngành hữu quan trong tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp hoạt động theo đúng quỹ đạo.

Tuy có được những thuận lợi như vậy, nhưng công tác quản lý giống cây trồng ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là cơ quan quản lý không đủ nhân sự để bố trí cán bộ chuyên trách quản lý giống tại địa phương.

 

Sản xuất keo lai mô bằng công nghệ hiện đại tại Công ty TNHH Nông Tín.
Sản xuất keo lai mô bằng công nghệ hiện đại tại Công ty TNHH Nông Tín.


Sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp tại các địa phương hiện chưa có nguồn giống hữu tính. Trong khi đó, việc chọn tạo giống cần có các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, thời gian dài và nguồn kinh phí lớn... nhưng ngân sách chưa có nguồn để bố trí thực hiện nội dung này.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh cũng chưa chủ động, tích cực trong công tác xây dựng nguồn giống cây lâm nghiệp. Trong khi hạt giống để gieo tạo cây con thì địa phương chưa có, phải đi mua từ các đơn vị sản xuất kinh doanh ngoài tỉnh, nên chất lượng giống còn phụ thuộc vào nơi cung cấp.

Sự xuất hiện nhiều hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất kinh doanh giống nhưng không thực hiện việc quản lý, giám sát theo chuỗi hành trình quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, đã tạo ra sự lộn xộn về giá và chất lượng giống trên thị trường. Ước tính hiện nay số đơn vị, cá nhân sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp không thực hiện việc quản lý đã lên đến 413 đơn vị, gây ra rất nhiều trở ngại và phức tạp trong công tác quản lý và sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Có giấy phép khó cạnh tranh không phép

Theo số liệu thống kê của Chi cục lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có 20 đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đã thực hiện quản lý giống cây trồng lâm nghiệp chính theo chuỗi hành trình như có đăng ký kinh doanh, có địa điểm xây dựng vườn ươm, có nguồn giống cây lâm nghiệp được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận nguồn giống. Trong đó, nhiều nhất là các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi có từ 2 đến 5 đơn vị, còn lại ít nhất mỗi huyện cũng có một đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh.
 
Các vườn ươm này mỗi năm sản xuất hơn 18,2 triệu cây các loại, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu giống cây lâm nghiệp có chất lượng để phục vụ kế hoạch trồng rừng của tỉnh. Trong đó có một số vườn ươm sản xuất kinh doanh hiệu quả như Doanh nghiệp tư nhân Tài Nguyên.

Doanh nghiệp Tài Nguyên chuyên sản xuất và kinh doanh giống cây trồng nông lâm nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2002. Doanh nghiệp đã xây dựng 4 vườn ươm tại huyện Sơn Tịnh, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) và xã Sơn Tân (Sơn Hà), mỗi vườn rộng khoảng 2ha, với năng lực mỗi năm cả 4 vườn ươm này sản xuất được khoảng 6 triệu cây giống, chủ yếu là các loại giống keo lai, keo tai tượng sản xuất từ hạt và giâm hom.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sản xuất thêm nhiều loại giống cây khác như xà cừ, sao đen, lim xanh, bời lời, sa nhân, mây nước, huỳnh đàn đỏ và các loại cây cảnh quan. Doanh nghiệp đã thuê công nhân làm theo thời vụ, có người quản lý và nhân viên kỹ thuật hướng dẫn làm  đúng quy trình kỹ thuật. Khi cây đủ tiêu chuẩn đều có cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận nguồn gốc trước khi xuất vườn.

Ông Châu Thiên Long- Trưởng phòng kinh doanh của doanh nghiệp Tài Nguyên cho biết: Từ khi thành lập đến nay đơn vị luôn được Chi cục Lâm nghiệp Quảng Ngãi hướng dẫn xây dựng vườn ươm, tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất giống cây lâm nghiệp... Địa bàn tiêu thụ sản phẩm là các huyện đồng bằng và 6 huyện miền núi. Từ năm 2012 trở về trước, nhiều chương trình đầu tư cho miền núi phát triển mạnh như Chương trình 30a, 135... đã tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra cho doanh nghiệp tiêu thụ nguồn giống cây lâm nghiệp với số lượng lớn, doanh thu hàng năm đạt khoảng 51 tỷ đồng.  

Vài năm gần đây các hộ gia đình tự phát lập ra nhiều vườn ươm không đăng ký kinh doanh, không đầu tư vườn ươm cây giống theo đúng quy định. Cây giống sản xuất ra không rõ nguồn gốc, không có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, không phải đóng thuế nên giá thành thấp, bán rẻ. Người dân cứ thấy cây rẻ là mua, đặc biệt là đồng bào miền núi chưa hiểu biết nhiều về chất lượng nên sẵn sàng mua cây giống ở bất cứ đâu, miễn là giá rẻ nhất để trồng rừng, nên doanh nghiệp rất khó cạnh tranh, nhiều khi phải hạ giá bán xuống dưới giá thành mới tiêu thụ được.

Ví dụ như giá giống keo tai tượng sản xuất từ hạt và keo lai giâm hom của vườn ươm tự phát, gia đình mua giống trôi nổi trên thị trường đưa về ươm thành cây giống bán với giá dưới 500 đồng/cây. Trong khi doanh nghiệp mua giống có mã số, có cán bộ kỹ thuật chăm sóc theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT, bán với giá 1.200 đồng/cây thì rất khó cạnh tranh với các vườn ươm tự phát.

Sự tác động qua lại giữa hai cách sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp như trên đã tạo những bất hợp lý, cần có sự can thiệp của các cấp ngành hữu quan mới khắc phục được.

Chọn chiến lược để phát triển lâu dài

Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Nông Tín là doanh nghiệp có quy mô lớn, được cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2006. Riêng về giống cây trồng lâm nghiệp, Công ty có cơ sở vườn ươm khoảng 5 ha tại xã Hành Dũng và Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). Hằng năm đơn vị này sản xuất ra 3 triệu cây giống lâm nghiệp. Những năm trước đây, cây giống sản xuất ra đều tiêu thụ hết, nhưng vài năm trở lại đây bị tồn đọng do vườn ươm tư nhân tự phát phát triển ồ ạt.

Trước tình hình đó, Công ty đã chọn hướng chiến lược phát triển lâu dài bằng cách đột phá từ khâu sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô. Từ cuối năm 2011, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở nuôi cấy mô, nhằm áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào việc phát triển lâm nghiệp. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong tỉnh ứng dụng thành công phương pháp nuôi cấy mô vào sản xuất.

 

Giống keo lai mô có nhiều ưu điểm vượt trội so với keo giâm hom.
Giống keo lai mô có nhiều ưu điểm vượt trội so với keo giâm hom.


Trước tiên doanh nghiệp đã chọn 3 dòng keo lai BV 10, BV 16 và BV 32 để sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Từ năm 2012 đến nay, Công ty đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 2 triệu cây keo lai mô. Tuy bán với giá 1.700 đồng/cây (cao hơn gấp đôi so với giá cây keo giâm hom cùng thời điểm), nhưng người tiêu thụ vẫn chấp nhận vì có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các loại giống keo khác nên việc tiêu thụ thuận lợi. Tín hiệu từ thực tiễn của nhiều địa phương trồng rừng bằng giống keo lai mô đã xuất hiện. Hộ ông Nguyễn Văn Đoàn và hộ ông Nguyễn Văn Trung ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) trồng 5ha keo lai mô  từ năm 2012 cho biết: Hiện tại 5 ha keo này đã có chiều cao trung bình 5m và đường kính gốc đạt khoảng 8cm. Dự kiến sau 5 năm trồng sẽ thu hoạch được 140 tấn/ha, cao gấp đôi so với keo giâm hom.

Từ thành công ban đầu trong việc sản xuất nhân giống keo lai mô, Công ty TNHH Nông Tín  dự định sẽ vươn tới sản xuất nhiều loại giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô với hy vọng giá thành mỗi cây giống lai mô sẽ hạ xuống thấp hơn hiện tại để tạo điều kiện cho người dân trong tỉnh trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là định hướng chiến lược lâu dài của Công ty TNHH Nông Tín và cũng là đích vươn tới của các đơn vị khác trong tỉnh, nhằm sản xuất ra được nhiều giống cây trồng lâm nghiệp đạt chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trồng rừng trong tỉnh.

Vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Trong tình hình sản xuất kinh doanh giống cây trồng trong tỉnh hiện nay đang cộm lên vấn đề cạnh tranh không lành mạnh làm thiệt hại đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp tuân thủ theo chuỗi hành trình quản lý, nên các đơn vị này đều có chung kiến nghị là: Đối với tỉnh cần phải có sự thống nhất chỉ đạo, quản lý, kiểm tra chặt chẽ để việc sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng hành lang pháp lý.

Đối với Sở NN&PTNT cần phải quy hoạch lại hệ thống vườn ươm giống cây lâm nghiệp, đơn vị nào đã được cấp giấy phép kinh doanh mà làm không đúng theo quy định thì buộc phải thu hồi giấy phép kinh doanh. Còn các vườn ươm tự phát chưa đăng ký kinh doanh thì phải đưa dần vào khuôn khổ quản lý theo đúng hành lang pháp luật. Đối với các cấp, ngành hữu quan cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người trồng rừng hiểu biết đúng về chất lượng cây giống, vì đó là yếu tố quan trọng để tạo nên chất lượng rừng, đầu tư vào giống cây trồng rừng chiếm tỉ lệ nhỏ mà hiệu quả thu lại rất lớn.


    Bài, ảnh: Nguyễn Khâm
 


.