Kinh tế Miền Trung: Liên kết vùng, vượt khó đi lên!

04:01, 01/01/2014
.

Khó khăn chồng chất khó khăn năm 2013, nhưng bức tranh kinh tế của các tỉnh miền Trung vẫn có nhiều điểm sáng.

Kết thúc năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội của 9 tỉnh duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nhiều địa phương bị thiên tai tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng mà nhiều năm nữa mới có thể khôi phục được. Thế nhưng, vượt lên tất cả, các tỉnh miền Trung thu hút được 66 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, nâng tổng số vốn đầu tư FDI “rót” vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ở khu vực này lên gần 25,5 tỷ USD.
 

Dự án Khu Liên hợp Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ - VSIP Quảng Ngãi ̣̣(Ảnh: SGtimes)
Dự án Khu Liên hợp Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ - VSIP Quảng Ngãi ̣̣(Ảnh: SGtimes)


Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng, cùng với niềm vui khởi động Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, khẩn trương bàn giao mặt bằng thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1A thì dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô được Chính phủ phê duyệt là "cú hích" cho địa phương phát triển kinh tế. Năm 2014, tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương để thu hút đầu tư các dự án lớn, trong đó các dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, quý I khởi công.

Hai năm trở lại đây, Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã đóng góp từ 80 - 90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của địa phương. Sự kiện khởi công Dự án Khu Liên hợp Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ - VSIP Quảng Ngãi là tín hiệu vui, mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp. Hàng loạt dự án quy mô lớn đầu tư tại Quảng Ngãi giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân nơi đây.

Trên hành trình vượt khó, các địa phương ở khu vực miền Trung dần xác định được các ưu thế của mình. Hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi tập trung mạnh cho sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam với lợi thế nổi trội về du lịch đã dồn sức thúc đẩy du lịch phát triển.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Miền Trung với tư cách Vùng, định hướng phát triển mang tính liên vùng, tạo ra kết nối phát triển, cũng như lan tỏa phát triển. Trong quy hoạch vùng này phải tính đến một số điểm cụ thể mang tính cách vùng”.

Càng ngày, sự liên kết giữa các tỉnh miền Trung càng có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương này đã phối hợp với nhau thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020. Đây là quy hoạch vùng cuối cùng được công bố trong số 6 quy hoạch các vùng kinh tế chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch này giúp cho các tỉnh miền Trung mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế.

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tin tưởng: “Với quyết tâm cao của các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Bình Định, sẽ làm thế nào để phát huy nội lực, tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực để vươn lên từ cái khó, cái nghèo, để phát triển kinh tế. Hy vọng, năm 2014 và những năm tiếp theo, các tỉnh miền Trung liên kết chặt chặt hơn cùng với nhau đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội”./.



Theo Hải Sơn/VOV


.