"Vay nóng", bán keo non trả nợ nhà 167

10:12, 18/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có tên trong danh sách được hỗ trợ tiền làm nhà 167, hàng ngàn hộ nghèo phấn khởi vay mượn để sớm có căn nhà “3 cứng”. Thế nhưng, nhà xây xong, tiền hỗ trợ chẳng thấy, đã đẩy họ vào cảnh nợ nần.

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay trong tỉnh đã có phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh Quảng Ngãi tổ chức thu nợ vay tiền làm nhà 167 của hộ nghèo. Mặc dù khoản vay này mới giải ngân vào năm 2010, còn tới 8 năm nữa mới đến kỳ hạn trả nợ.

Nợ bao vây

Xã Sơn Bao (Sơn Hà) năm 2011 có 17 hộ nghèo được bình xét hỗ trợ tiền làm nhà 167. Ngay sau khi có tên trong danh sách, các hộ nghèo đã tiến hành làm nhà. Sau một thời gian, những căn nhà lá tạm bợ đã được thay thế bằng nhà 167 “tường cứng, móng cứng, mái cứng”. Không chỉ hộ nghèo mà cả chính quyền, nhân dân trong vùng mừng cho người nghèo có nhà mới vững chãi. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.

 

Chị Đinh Thị Tuyết ở thôn Làng Bồ, thị trấn Di Lăng bên rẫy keo chưa đến tuổi đã phải bán trả nợ tiền làm nhà 167.
Chị Đinh Thị Tuyết ở thôn Làng Bồ, thị trấn Di Lăng bên rẫy keo chưa đến tuổi đã phải bán trả nợ tiền làm nhà 167.


Anh Đinh Văn Bi, thôn Làng Mùng (Sơn Bao) kể: Nghe được hỗ trợ, gia đình phấn khởi mượn tiền, mua chịu vật liệu xây dựng để làm nhà. Dự tính khi có tiền hỗ trợ sẽ trả. Nhưng chờ mãi, chẳng thấy được hỗ trợ. Chủ nợ đòi dữ quá, chẳng còn cách nào đành bán đám keo non mới 2 năm tuổi để trả nợ. “Biết trước thế này thì gia đình tôi chưa làm nhà đâu!” – anh Bi buồn rầu bảo.

Tại thôn Làng Bồ, thị trấn Di Lăng năm 2011 chỉ có 7 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà 167. Nhà đã làm xong nhưng cảnh nghèo của tất cả các trường hợp này đều trở nên bi đát hơn trước đó. Nhà mới mọc lên nhưng mỗi ngày có hàng chục người đến đòi nợ. Có gia đình vì không có tiền trả nợ phải bỏ nhà đi tá túc nhà người khác. Thậm chí, có hộ đã làm một căn nhà nhỏ bên cạnh căn nhà 167 để ở, “chẳng màng” cái nhà to nhưng viên ngói, cục gạch, bao xi măng đều đi mua chịu, chứ chẳng phải của mình.

Chị Đinh Thị Tuyết, thôn Làng Bồ, nói: “Nếu mà người bán chịu vật liệu xây dựng đồng ý thì tôi đưa luôn cái nhà này để trừ hết nợ cho rồi!. Nợ đòi suốt, mệt mỏi, chẳng làm ăn gì được!”. Cách đây vài hôm, vợ chồng chị Tuyết đã bán đám keo non hơn 3 năm tuổi với giá 8 triệu đồng để trả một phần nợ làm nhà 167. Thế nhưng số nợ vẫn còn hơn 20 triệu đồng. Chị Tuyết bày tỏ: “Gia đình chỉ mong sớm được hỗ trợ tiền làm nhà 167 để trả hết nợ vay. Nhà xong lâu rồi, không trả nợ họ đòi ráo riết lắm!”.

Tuy nhiên, câu hỏi: "Bao giờ người nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà 167 từ năm 2011" chưa được trả lời, ít nhất là trong năm 2013 này. Mới đây UBND huyện Sơn Hà đã phải trả về ngân sách cấp trên 10 tỷ đồng thuộc kinh phí trung ương và tỉnh phân khai từ đầu năm 2013 nhưng chưa cấp phát cho dân (8,4 triệu đồng/hộ). Riêng khoản vay Ngân hàng Chính sách và hỗ trợ của doanh nghiệp (15 triệu đồng) thì đến giờ này vẫn chưa thấy đâu. Vì thế sự chờ đợi của người nghèo đã “trót” làm nhà 167 chưa có điểm dừng. Những đám keo, mì tiếp tục “ra đi trước tuổi". Nỗi lo nợ đòi trong những căn nhà 167 khang trang kia sẽ kéo dài đến bao giờ?

"Vay nóng” trả nợ ngân hàng

Ông Lê Văn Dũng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết: “Ngân hàng Chính sách Xã hội không chỉ đạo thu khoản vay làm nhà 167 kể cả lãi và gốc. Bản chất của hỗ trợ cho vay làm nhà 167 là tạo điều kiện quan tâm chăm lo chỗ ở cho người nghèo là chính. Theo quy định chính sách dành cho hộ nghèo, hai trường hợp ông Phạm Ngọc Thanh và ông Trần Kim Sơn ở Làng Bồ, thị trấn Di Lăng có quyền được hưởng cùng một lúc hai dư nợ: Dư nợ vay làm nhà 167 và dư nợ cho vay hộ nghèo. Sự việc này chúng tôi sẽ kiểm tra, làm rõ, có biện pháp xử lý”.

Theo Quyết định 167, người nghèo có tên trong danh sách được hỗ trợ làm nhà được vay ưu đãi đặc biệt 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Thời hạn vay kéo dài 10 năm và 5 năm đầu không tính lãi. Thế nhưng, hiện nay Phòng Giao dịch Sơn Hà thuộc Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh Quảng Ngãi đã tổ chức thu nợ khoản vay ưu đãi này trước thời hạn đến gần… 8 năm!

Ông Phạm Ngọc Thanh và ông Trần Kim Nhất là hai hộ nghèo ở thôn Làng Bồ, thị trấn Di Lăng, phản ánh: Tháng 6.2013 vừa qua các ông phải trả 8 triệu đồng vay làm nhà 167 cho Phòng Giao dịch Sơn Hà, dù khoản này mới vay chỉ hơn 2 năm. “Năm 2010, tôi được vay 8 triệu từ Chương trình làm nhà 167. Năm 2013 tôi vay thêm chương trình hộ nghèo 25 triệu đồng thì cán bộ ngân hàng bảo phải trả 8 triệu đồng vay làm nhà 167 trước đó thì mới cho vay tiếp” – ông Phạm Ngọc Thanh trình bày. Trao đổi vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Oanh-Giám đốc Phòng Giao dịch Sơn Hà thừa nhận là trong năm 2013 ngân hàng đã thu nợ vay làm nhà 167 của hai hộ nghèo nói trên vì họ… tự nguyện trả!

Tuy nhiên, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đưa ra một quy định “rất nghiệp vụ” dẫn đến hai hộ nghèo này phải trả nợ vay “nhà 167” trước thời hạn. Cụ thể, quy định chỉ cho phép mỗi hộ nghèo đứng tên ở một tổ vay vốn. Nhưng hai trường hợp này khi vay làm nhà 167 họ đứng tên ở tổ này nhưng lúc đề nghị vay vốn hộ nghèo 25 triệu đồng họ lại đứng tên ở tổ vay khác, tức là ở hai tổ khác nhau.

Vì thế, ông Thanh và ông Sơn phải trả 8 triệu đồng vay làm nhà 167 trước đó mới được vay 25 triệu đồng. Điều này chứng tỏ, "sự tự nguyện” mà lãnh đạo Phòng Giao dịch Sơn Hà nói, đối với hai hộ nghèo trên thực chất rất miễn cưỡng. Càng sai lệch hơn khi hai ông Phạm Ngọc Thanh và Trần Kim Sơn để trả nổi khoản nợ 8 triệu đồng đã phải đi vay “nóng” với lãi suất cao, vì họ rất nghèo. Riêng ông Thanh lại bị cụt một tay, sống đơn thân. Việc thu hồi nợ và giải quyết cho hộ nghèo vay của Phòng Giao dịch Sơn Hà đã gây thiệt thòi cho người nghèo, đặc biệt là Chương trình làm nhà 167.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.