Những con đường ý Đảng lòng dân

09:12, 30/12/2013
.
Chuyện người dân tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn (GTNT) bây giờ không còn là chuyện hiếm gặp ở các làng quê trong tỉnh. Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” đó là những nghĩa cử vô cùng quý, thể hiện tấm lòng của người dân trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
 
Khi lòng dân đồng thuận
 
Đến xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên  trước một diện mạo mới của những con đường liên thôn, liên xóm. Những con đường được trải bê tông phẳng phiu, rộng rãi làm khởi sắc diện mạo của một làng quê ven biển. Ở đây dấu ấn rõ nhất của chương trình xây dựng NTM ở không chỉ những con số thông kê mà ở đó là sức mạnh từ sự đồng thuận, nhất trí cùng với tinh thần đoàn kết trong cộng đồng của bà con nhân dân để làm nên những con đường nối liền giữa ý Đảng với lòng dân.
 
Ngày chúng tôi về thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, cũng là lúc người dân ở đây vui mừng khánh thành tuyến đường bê tông từ Giếng Chàm đi Hóc Mó dài 500m, rộng 3m. Đi trên con đường mới, ông Phan Văn Cúc- Bí thư Chi bộ thôn Thạnh Đức 2 bảo rằng, trước đây khi trời mưa, khách đến đây đều có “quà” cả đấy. Đất bùn mến khách “bám” lấy người... nhìn mà ái ngại. Bây giờ đã khác xưa rồi, đường làng được bê tông hóa sạch đẹp, trời mưa vẫn cứ vô tư mà đi trên đường phẳng phiu... 
 
Ông Cúc tự hào khoe với chúng tôi, để có được tuyến đường bê tông xi măng này cùng với tấm lòng của những người con quê hương xã Phổ Thạnh đang làm ăn, sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh đóng góp tiền để xây dựng thì hơn 20 hộ dân sinh sống dọc tuyến đường Giếng Chàm- Hóc Mó đã tự nguyện hiến gần 900m2 đất, tháo dỡ tường rào, cổng ngõ và đốn hạ cây xanh để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công 
 
Nhờ sự đồng thuận của người dân, những tuyến đường ở Phổ Thạnh được bê tông hóa kiên cố
Nhờ sự đồng thuận của người dân, những tuyến đường ở Phổ Thạnh được bê tông hóa kiên cố
 
 
Là một địa phương có kinh tế biển phát triển mạnh, nhiều hộ có thu nhập cao từ nghề biển nên việc vận động người dân đóng góp tiền để xây dựng NTM là điều không quá khó. Cái khó nhất ở đây chính là, với đặc thù các địa phương ven biển nguồn đất đai hạn hẹp, "tất đất, tất vàng" nên việc vận động người dân tự nguyện hiến đất là điều không phải dễ dàng.
 
"Muốn có cái gật đầu, tự nguyện hiến đất xây dựng đường GTNT của người dân đôi khi là cả quá trình vận động kiên trì, thuyết phục mới có được. Cho đến khi người dân thấy được lợi ích, thành quả của mình hiện hữu, sự hưởng ứng, tham gia ấy sẽ trở thành tự giác - để rồi càng nhiều cái gật đầu thì sẽ có càng nhiều công trình được triển khai"- ông Phan Văn Cúc- Bí thư Chi bộ thôn Thạnh Đức 2 chia sẻ.
 
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhờ sự đồng thuận  trong nhân dân, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, hiến cây cối, hiến công trình để làm đường. Hộ ít thì vài chục mét, hộ nhiều lên đến hàng trăm nên chỉ trong thời gian ngắn, nhiều con đường nhỏ hẹp, đất, đá đã được thay thế bằng những con đường bê tông.
 
Theo ông Võ Minh ở thôn Thạch Bi 1, cái quan trọng là mình không chỉ bằng tiền, mà bằng những gì mình có. Với tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình, gia đình chúng tôi đồng tình với việc hiến đất làm đường. Giờ đây làm được con đường bê tông mới, việc đi lại thuận tiện hơn, chúng tôi thấy rất vui lòng.
 
Từ những con đường mở ra hy vọng…
 
Một điều được cảm nhận rõ rệt, đó là ở những địa phương nỗ lực cho phong trào xây dựng NTM, diện mạo làng quê đã thay đổi từng ngày. Sự thay đổi đó bắt nguồn từ chính nhận thức của mỗi người dân, họ hiểu được lợi ích của chương trình xây dựng NTM để xác định việc cần làm của bản thân họ sẳn sàng góp tiền, hiến đất để làm đường mà không đòi hỏi tiền đền bù của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, phồn thịnh.
 
Tại xã Đức Tân (Mộ Đức) kể từ khi chính quyền phát động toàn dân tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM, bà con đều nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm được mở rộng, bê tông hóa đã làm cho phong trào xây dựng NTM càng thêm phát triển rầm rộ, để lại nhiều dấu ấn thực sự trong lòng người dân. 
 
"Chỉ tính riêng trong năm 2013, người dân trên địa bàn xã đã tự nguyện đóng góp gần 200 triệu đồng, đóng góp hàng ngàn ngày công, hiến gần 5.000 m2 đất và tháo dỡ hàng hàng trăm mét tường rào, cổng ngõ để xây dựng đường nông thôn"-ông Nguyễn Văn Từ- Chủ tịch UBND xã Đức Tân chia sẻ. 
 

 

No6ng thôn mới ở xã Đức Tân
Nông thôn mới ở xã Đức Tân

 

 
Có thể nói, chưa bao giờ phong trào góp tiền, góp sức, hiến đất làm đường GTNT lại có sức lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay. Thật đáng trân trọng biết bao khi rất nhiều hộ chỉ có mảnh đất, thửa ruộng làm kế mưu sinh, nhưng vẫn sẵn sàng hiến một phần đất ở, ruộng nương để phục vụ cho việc làm đường và các công trình XDNTM.
 
Mặc dù đã bước qua tuổi 76, thế nhưng khi nghe chính quyền địa phương vận động người dân chung sức làm đường bê tông nông thôn, lão nông Phạm Văn Nho ở thôn 8, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đã không ngần ngại tự nguyện đóng góp 20 triệu đồng bao nhiêu năm làm lụng vất vả ki cóp được. Ngoài đóng góp tiền bạc, ông còn mạnh dạn dời rào, nhường 40m2 đất để mở rộng đường GTNT. 
 
"Một khi “ý Đảng, lòng dân” được hợp nhất, thì dù khó khăn đến đâu người dân cũng sẵn lòng chia sẻ cùng chính quyền trong các chương trình phúc lợi dân sinh. Nhà nước bỏ ra 7 phần, dân mình chỉ góp 3 phần, nhưng lại được hưởng trọn công trình, những con đường đất bụi trước nhà được bê tông hóa, thì sao mà không phấn khởi”- ông Nho chia sẻ.
 
Giờ đây, đến bất cứ vùng quê nào của ở Quảng Ngãi, xây dựng NTM luôn là đề tài “nóng” trong những câu chuyện thường nhật. Đặc biệt, ở những địa bàn khó khăn, phong trào xây dựng NTM như một luồng gió mới tạo nên diện mạo ngày càng khang trang cho mỗi vùng quê. Những con đường mới như nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. 
 
 
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 
 
 
 

.