Cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn: Ngư dân gặp khó

10:11, 23/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vươn khơi đánh bắt xa bờ đã, đang và sẽ là hướng đi được nhiều ngư dân lựa chọn. Tuy nhiên, không phải ngư dân nào cũng có điều kiện thực hiện ý định trên bởi muốn cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, họ phải mất từ 200 triệu đến vài tỷ đồng…

TIN LIÊN QUAN

Chật vật nâng công suất tàu

Muốn đóng mới một chiếc tàu công suất từ 90 CV trở lên, ngư dân phải mất 500 triệu đến vài tỷ đồng; còn cải hoán thì cần ít nhất 200 triệu đồng tùy trọng lượng, công suất máy... Với mức giá như thế, nhiều ngư dân có nằm mơ cũng không dám nghĩ một ngày nào đó sẽ đến Hoàng Sa, Trường Sa hay các vùng biển lớn khác. Lý do thường được đưa ra là: Tiền đâu để nâng công suất, đóng mới tàu? Chẳng thế mà anh Nguyễn Linh, ngụ khu tái định cư Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) - người chuyên đánh bắt ven bờ các vùng biển trong tỉnh bảo rằng: “Muốn ra Hoàng Sa một lần cho biết. Nhưng với loại thuyền này, làm sao đi”.

Nói đoạn, Linh chỉ vào chiếc thuyền công suất 20CV chỉ giúp anh câu mực, đánh cá cách bờ 10 - 20 hải lý. Nếu muốn cùng tàu ra Hoàng Sa, anh Linh phải bỏ 300 triệu đồng để nâng công suất máy lên 90 CV. Nhưng lấy đâu ra số tiền trên khi mà tàu nhỏ, sổ đỏ không đủ điều kiện thế chấp. Vay nóng thì nhỡ việc làm ăn thất bát, lấy gì trả lãi. Suy đi tính lại, anh Linh chấp nhận sống nhờ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

 

Nếu có tàu công suất lớn, ngư dân có thể vươn khơi bám biển dài ngày để đánh bắt hải sản.
Nếu có tàu công suất lớn, ngư dân có thể vươn khơi bám biển dài ngày để đánh bắt hải sản.


Trái với anh Linh, ngư dân Nguyễn Tấn Cu ở xã Bình Châu (Bình Sơn) lại liều đóng mới chiếc tàu cá công suất trên 400 CV với chi phí hơn 2 tỷ đồng. Để có số tiền này, ông Cu phải vay mượn, thậm chí bốc nóng với lãi suất cao. Khi tôi hỏi vì sao không tìm đến ngân hàng cho nhẹ lãi, ông Cu bảo rằng: “Lãi nhẹ không bao nhiêu nhưng nặng công đi lại, rồi giấy tờ đủ thứ. Mà tài sản cũng còn gì đâu mà thế chấp!”.

Vì lý do này mà không riêng gì ông Cu, rất nhiều ngư dân đã chọn cách tạm ứng của nậu, hoặc bốc nóng trước mỗi phiên biển hay cải hoán, đóng mới tàu thuyền. Mặc dù ai cũng biết hệ lụy đi kèm sự lựa chọn trên là lãi đẻ lãi, đầu nậu ép giá thu mua sản phẩm... nhưng nói như ông Trương Tòng, xưởng đóng tàu Bình Châu thì: “Vay trong dân mọi lúc mọi nơi với chỉ một tờ giấy cam kết. Còn ngân hàng thì rắc rối, rườm rà; lắm lúc họ còn không tin, yêu cầu chủ xưởng phải bảo lãnh cho chủ tàu”.
    
Cần cú huých về cơ chế  

Có thể nói, Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo nên bước đột phá trong việc cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn. Đó là tàu công suất trên 90 CV đạt 2.320 chiếc (chiếm 42% tổng số tàu thuyền). Riêng trong năm 2013, đã có hàng trăm tàu công suất lớn được cải hoán, đóng mới. Rõ ràng, QĐ 48 với việc hỗ trợ nhiên liệu, trang thiết bị trạm bờ, máy HF; đóng bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm thân tàu...  chẳng khác gì liều thuốc trợ lực, giúp ngư dân có điều kiện và yên tâm bám biển. Từ đó nâng cao hiệu quả khai thác và sản lượng đánh bắt. Điều này thể hiện qua con số hơn 88 nghìn tấn thủy hải sản mà ngư dân mang về trong vụ cá nam vừa qua.

Tuy nhiên, ngoài QĐ 48 thì hiện giờ, ngư dân trong tỉnh dường như chưa tiếp cận được bất kỳ chính sách hỗ trợ nào trong việc cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn. Từ vay vốn với lãi suất ưu đãi đến nguồn vốn hỗ trợ. Có chăng chỉ là sự góp sức từ phía Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh. Nhưng chỉ với 25 tỷ đồng, trong khi nhu cầu của ngư dân quá lớn nên Quỹ này cũng chỉ có thể cho ngư dân mượn vốn trong những trường hợp bị thiệt hại do thiên tai, nhân tai. Số còn lại, hoặc chấp nhận gắn bó với vùng biển gần bờ, hoặc với vay nóng bên ngoài.  

Thế nên theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu (Bình Sơn) - một trong những địa phương có số tàu được cải hoán, đóng mới tăng nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây (hơn 50 chiếc) cho rằng vươn khơi xa là hướng đi tất yếu. Nhưng để ngư dân vươn ra được biển lớn, nhất thiết phải có cơ chế mở về vốn. Mà cơ chế đó là giảm lãi suất vốn vay, khoanh nợ; thậm chí có thể hỗ trợ  đối với những tàu đóng mới có công suất từ 400CV trở lên. “Cách làm này vừa khuyến khích ngư dân, vừa chuẩn hóa chất lượng tàu thuyền, nâng cao hiệu quả và an toàn trong khai thác, đánh bắt”, ông Hùng chia sẻ. Thiết nghĩ, các ngành chức năng của tỉnh nên lưu tâm, xem xét đề xuất này.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.